Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 05 tháng 11 năm 2024,
Tiêu điểm ngân hàng tuần qua
Ngân hàng độc canh tín dụng; Tín dụng bất động sản và trái phiếu còn rủi ro
H.T - 03/11/2024 08:24
 
Tiêu thụ vàng miếng của Việt Nam sụt giảm trong quý III/204, ngân hàng vẫn "độc canh" tín dụng, tín dụng bất động sản và trái phiếu còn rủi ro, big 4 ngân hàng chật vật tăng vốn.. là tiêu điểm ngân hàng tuần qua.

Cầu vàng miếng sụt giảm 33% trong quý III/2024, Việt Nam trở thành ngoại lệ

Theo Hội đồng Vàng thế giới, trong quý III/2024, tiêu thụ vàng miếng của các nước trong khu vực đều tăng trưởng 2 con số, riêng Việt Nam chứng kiến mức sụt giảm 33% so với quý trước. 

Theo Báo cáo về Xu hướng nhu cầu vàng của Hội đồng vàng thế giới trong quý III/2024 cho thấy tổng nhu cầu vàng đã tăng thêm 5% so với cùng kỳ năm ngoái lên 1.313 tấn, ghi nhận mức tăng kỷ lục trong quý III.

“Lần đầu tiên trong lịch sử, tổng nhu cầu về vàng vượt hơn 100 tỷ USD do các khoản đầu tư mạnh mẽ trong bối cảnh giá vàng tăng cao kỷ lục. Nhu cầu đầu tư vàng trên toàn cầu tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái lên 364 tấn, do sự thay đổi về nhu cầu đối với các quỹ giao dịch hoán đổi vàng (ETF) chủ yếu từ các nhà đầu tư phương Tây”, Hội đồng Vàng thế giới cho hay.

Trên toàn cầu, các quỹ ETF nắm giữ thêm 95 tấn vàng, ghi nhận đây là quý đầu tiên mà các quỹ ETF có sự tăng trưởng đáng kể từ quý 1 năm 2022. Nhu cầu vàng miếng và vàng xu giảm 9%, nhưng tổng nhu cầu tính đến thời điểm hiện tại vẫn ở mức cao đạt 859 tấn so với mức trung bình trong 10 năm qua là 774 tấn.

Giá vàng tiếp tục tăng lên mức cao kỷ lục trong quý III/2024, đạt mức trung bình 2.474 USD/ounce, khiến nhu cầu toàn cầu đối với vàng trang sức sụt giảm. Tổng mức tiêu thụ vàng trang sức giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái về khối lượng, nhưng tăng 13% về giá trị, cho thấy người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn cho các sản phẩm vàng có khối lượng ít hơn.

Ông Shaokai Fan, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc) kiêm Giám đốc ngân hàng Trung ương Toàn cầu tại Hội đồng Vàng Thế giới nhận định: “Giá vàng vẫn tăng mạnh khi nhu cầu đầu tư tăng. Rủi ro địa chính trị, lo ngại về suy thoái kinh tế và giá vàng tăng vọt là các yếu tố làm các con số này gia tăng đáng kể, ngay cả khi giá vàng cao kỷ lục có thể khiến một số người mua phải dè chừng.

Tuy nhiên, giá vàng cao có thể sẽ tiếp tục làm giảm nhu cầu đối với vàng trang sức và cần phải có sự ổn định về giá để thay đổi xu hướng này. Đầu tư vào vàng miếng và vàng xu suy giảm do một số thị trường chính giảm mạnh nhu cầu; mặc dù sự sụt giảm ít hơn dự kiến ​​trong quý 3, nhưng tổng nhu cầu trong năm vẫn ở mức ổn định là 859 tấn, cao hơn mức trung bình trong 10 năm qua là 774 tấn".

Theo Hội đồng Vàng thế giới, trong quý III/2024, cầu vàng trang sức tại Việt Nam giảm 15% so với quý trước và giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái, nguyên nhân là do giá vàng quốc tế tăng cao, đạt đỉnh lịch sử.

Trong khu vực ASEAN, mức độ quan tâm của các nhà đầu tư với vàng gia tăng, do căng thẳng địa chính trị toàn cầu, các lo ngại về tình hình chính trị và kinh tế trong nước cũng như kỳ vọng giá vàng tăng.

Tiêu thụ vàng tại Thái Lan, Indonesia và Malaysia đều ghi nhận mức tăng trưởng hai chữ số theo từng năm. Riêng Việt Nam ghi nhận ngoại lệ trong quý III/2024 khi chứng kiến ​​mức giảm 33% theo quý và mức giảm 10% theo năm về nhu cầu vàng miếng và vàng xu.

Theo Hội đồng Vàng thế giới, sự sụt giảm về nhu cầu vàng tại Việt Nam có thể là do giá vàng tăng mạnh làm hạn chế hoạt động mua mới.

Tuy vậy, theo các chuyên gia, việc hạn chế mua bán vàng của cơ quan quản lý cũng như công tác kiểm tra chặt chẽ hóa đơn giao dịch vàng là nguyên nhân chính khiến tiêu thụ vàng chậm lại.   

Bà Louise Street, nhà phân tích thị trường cấp cao tại Hội đồng Vàng thế giới nhận định, quý III/2024 chứng kiến ​​sự gia tăng đầu tư và hoạt động giao dịch phi tập trung thúc đẩy nhu cầu vàng toàn cầu và chi phối hiệu suất giá vàng. Trong khi giá vàng tăng cao làm giảm nhu cầu ở phần lớn các thị trường tiêu dùng, thì việc cắt giảm thuế nhập khẩu ở Ấn Độ đã giữ cho nhu cầu về vàng trang sức, vàng miếng và vàng xu ở mức cao đáng kể trong bối cảnh giá vàng phá mức kỷ lục.

Tâm lý “sợ bỏ lỡ” trong giới đầu tư là yếu tố chính làm tăng nhu cầu vàng trong quý này. Nhiều nhà đầu tư vẫn muốn mua vào khi giá vàng tăng, cộng thêm khả năng lãi suất sẽ giảm trong tương lai và họ cũng đang cân nhắc vai trò của vàng như một kênh lưu trữ an toàn trước tình hình bất ổn chính trị tại Mỹ và các cuộc xung đột leo thang ở Trung Đông.

“Trong thời gian tới, sự gia tăng đột biến trong các khoản đầu tư vào vàng được dự đoán sẽ tiếp diễn, điều này có thể dẫn đến việc giá vàng và nhu cầu vàng duy trì ở mức cao. Mặt khác, chúng ta đã chứng kiến ​​hơn 30 mức giá cao kỷ lục trong năm 2024 và giá vàng ở mức cao kỷ lục này sẽ tiếp tục là thách thức đối với người tiêu dùng. Tuy nhiên, triển vọng tăng trưởng kinh tế là một yếu tố khác mà chúng tôi theo dõi có thể làm thay đổi tình hình.”

 Ngân hàng báo lãi nhờ tín dụng, giảm thu từ dịch vụ

Các ngân hàng có xu hướng phụ thuộc ngày càng nhiều vào nguồn thu nhập từ tín dụng khi thu nhập ngoài lãi giảm sút. Mục tiêu đạt tỷ trọng thu nhập từ hoạt động phi tín dụng trong tổng thu nhập lên 16-17% vào cuối năm 2025 đang trở nên thách thức. 

Báo cáo tài chính quý III/2024 của nhiều ngân hàng ghi nhận sự sụt giảm mạnh của các nguồn thu vào lãi, trong khi thu nhập lãi thuần vẫn tăng trưởng tốt. Điều này khiến tỷ trọng thu nhập lãi thuần trong tổng thu nhập của các ngân hàng có xu hướng tăng lên.

Chẳng hạn, trong quý III/2024, thu nhập lãi thuần của Eximbank chiếm tới 78% tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng này, trong khi cùng kỳ năm ngoái, con số này chỉ ở mức 70%.

Tương tự, tại ACB, thu nhập lãi thuần trong quý III/2024 chiếm tới gần 85% tổng thu nhập hoạt động, trong khi cùng kỳ, tỷ lệ này chỉ 73,7%. Lãi thuần tăng gần 11%, trong khi lãi từ dịch vụ, kinh doanh ngoại hối… đều sút giảm, khiến ngân hàng ngày càng phụ thuộc vào nguồn thu từ tín dụng. Lũy kế 9 tháng, thu nhập lãi thuần chiếm 83% tổng thu nhập hoạt động của ACB, trong khi cùng kỳ năm ngoái, con số này là 76,6%.

Tại Techcombank, thu nhập lãi thuần quý III/2024 tăng gần 23%, trong khi thu nhập từ các hoạt động kinh doanh ngoài lãi đều sụt giảm mạnh (lãi thuần từ dịch vụ giảm 13,7%, lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối và hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư giảm một nửa). Điều này khiến tỷ trọng thu nhập từ tín dụng trong tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng tăng lên 76% so với con số dưới 70% của cùng kỳ năm ngoái.

Tại một số ngân hàng nhỏ, mức độ phụ thuộc vào tín dụng còn lớn hơn. Chẳng hạn, tại KienLongBank, thu nhập lãi thuần tăng gấp đôi trong quý III/2024, trong khi thu nhập ngoài lãi giảm 40% (lãi thuần từ hoạt động dịch vụ giảm 38,5%; lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối giảm 94,5%, lãi thuần từ mua bán chứng khoán đầu tư giảm 86%). Do đó, tỷ trọng thu nhập lãi thuần trên tổng thu nhập hoạt động quý III/2024 của KienLongBank tăng mạnh lên mức 85,5%, thay vì mức 65% cùng kỳ năm ngoái.

Tại một số ngân hàng nhỏ, mức độ phụ thuộc vào tín dụng còn lớn hơn, chiếm trên 90% tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng. Một số ngân hàng tiếp tục ghi nhận sự cải thiện của tỷ trọng thu ngoài lãi trên tổng thu nhập, như LPBank, VIB…

Hiện chưa có đầy đủ báo cáo tài chính quý III/2024 của các ngân hàng thương mại. Theo báo cáo tài chính bán niên, có tới 80% ghi nhận thu nhập lãi thuần tiếp tục tăng trưởng tốt, trong khi gần một nửa ngân hàng tăng trưởng âm ở mảng dịch vụ, chủ yếu do doanh thu từ bán chéo bảo hiểm (bancassurance) rơi vào khủng hoảng, nguồn thu từ hoạt động thanh toán sụt giảm mạnh (do các ngân hàng chạy đua miễn giảm các loại phí để thu hút khách hàng), trong khi chi phí cho lĩnh vực này tăng lên…

PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, thời gian qua, dù các ngân hàng nỗ lực cải thiện, song thu nhập của nhà băng vẫn chủ yếu phụ thuộc vào tín dụng.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, Quyết định số 689/QĐ-TTg ngày 8/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 có đặt ra mục tiêu: “Phấn đấu tăng tỷ trọng thu nhập từ hoạt động dịch vụ phi tín dụng trong tổng thu nhập của các ngân hàng thương mại lên khoảng 16-17% vào cuối năm 2025...". 

Thực tế, tỷ trọng thu nhập từ hoạt động dịch vụ ngân hàng phi tín dụng trong tổng thu nhập của các ngân hàng thương mại có xu hướng tăng qua các năm, đến cuối năm 2023 ước đạt 13,66%.

Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước cũng thừa nhận, việc tăng tỷ trọng thu nhập từ hoạt động dịch vụ ngân hàng phi tín dụng trong tổng thu nhập của các ngân hàng thương mại trong thời gian tới sẽ khá khó khăn.

Thứ nhất, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài áp dụng chính sách giảm, miễn phí dịch vụ thanh toán tiếp tục làm giảm thu từ hoạt động dịch vụ phi tín dụng của các ngân hàng thương mại.

Thứ hai, việc chuyển đổi mô hình kinh doanh, thoát khỏi lệ thuộc tín dụng là một quá trình phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khách quan và chủ quan trong hoạt động của ngân hàng thương mại (nhu cầu, thói quen sử dụng dịch vụ của khách hàng và nền kinh tế cũng như năng lực của các ngân hàng thương mại, đặc biệt là năng lực đầu tư hạ tầng công nghệ và khả năng phát triển dịch vụ ngân hàng của hệ thống ngân hàng).

Để cải thiện doanh thu ngoài lãi, PGS-TS. Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Trường đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, các ngân hàng phải nhận diện được đặc điểm của từng nhóm khách hàng và có dịch vụ riêng cho từng nhóm khách hàng này. Khi có giải pháp đa dạng, đáp ứng đúng nhu cầu của từng phân khúc khách hàng, ngân hàng mới gia tăng được nguồn thu từ dịch vụ phi tín dụng.

Vốn cho bất động sản: Cả tín dụng lẫn trái phiếu còn tiềm ẩn nhiều rủi ro

Báo cáo giám sát của Quốc hội cho thấy, trong 8 năm qua, nhiều tổ chức tín dụng có tỷ trọng cho vay bất động sản trên tổng dư nợ quá cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Trong khi đó, các doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu doanh nghiệp cũng có hàng loạt sai phạm.

Báo cáo giám sát của Quốc hội cho thấy, giai đoạn 2015-2023, tín dụng bất động sản luôn có sự tăng trưởng. Giai đoạn 2015-2016, tín dụng bất động sản tăng 11%/năm.

Từ năm 2017, ngân hàng Nhà nước (NHNN) bắt đầu thống kê riêng biệt tín dụng kinh doanh bất động sản (cho vay doanh nghiệp bất động sản) và tín dụng tiêu dùng (cá nhân mua, sửa nhà). Giai đoạn 2017-2023, tín dụng kinh doanh bất động sản đều tăng trưởng mạnh.

Cụ thể, năm 2017, tín dụng kinh doanh bất động sản tăng 9,21%. Đặc biệt, từ năm 2018 đến nay, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản luôn có tỷ lệ tăng trưởng cao (ngoại trừ 2 năm Covid-19 là 2020-2021).

Đến hết ngày 31/12/2023, tăng trưởng dư nợ tín dụng kinh doanh bất động sản đạt 35,38%, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của lĩnh vực bất động sản, cũng như tín dụng chung toàn nền kinh tế.  Dư nợ tín dụng kinh doanh bất động sản chiếm tỷ trọng trên 30% tổng dư nợ tín dụng bất động sản (tín dụng tiêu dùng bất động sản chiếm hơn 70% còn lại).

Dư nợ tín dụng kinh doanh bất động sản vẫn đang tiếp tục tăng nhanh. Theo thống kê của NHNN, tính đến cuối tháng 9/2024, tín dụng kinh doanh bất động sản tăng 16%, trong khi tín dụng bất động sản tiêu dùng chỉ tăng 4,62%. Điều này khiến tỷ trọng tín dụng kinh doanh bất động sản tăng lên 40%, trong khi tỷ trọng tín dụng tiêu dùng bất động sản giảm còn 60%.

Theo báo cáo của NHNN, một số tổ chức tín dụng có tỷ trọng tín dụng bất động sản trên tổng dư nợ còn cao, tiềm ẩn rủi ro tín dụng; quy định nội bộ về cấp tín dụng, công tác thẩm định, giám sát sau cho vay còn nhiều tồn tại… Các doanh nghiệp phản ánh, lãi suất cho vay vẫn cao và còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận vốn.

Ngoài ra, theo các chuyên gia, tín dụng bất động sản cũng đang tiềm ẩn rủi ro kỳ hạn cho các nhà băng. Các khoản vay bất động sản chủ yếu là trung, dài hạn, trong khi nguồn vốn huy động của nhà băng chủ yếu là ngắn hạn.

Ngoài tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) là kênh huy động vốn quan trọng của doanh nghiệp bất động sản giai đoạn 2015-2023, đặc biệt là từ năm 2017 đến nay, thị trường TPDN tăng phi mã.

Theo các báo cáo của Bộ tài chính, giai đoạn 2015 - 2023, có 330 doanh nghiệp bất động sản phát hành TPDN riêng lẻ tại thị trường trong nước, với tổng giá trị phát hành 726.335,5 tỷ đồng, kỳ hạn phát hành bình quân đạt 3,69 năm, lãi suất phát hành bình quân đạt 10,15%/năm. Ngoài ra, có 4 doanh nghiệp bất động sản đã phát hành TPDN riêng lẻ ra thị trường quốc tế với tổng khối lượng là 2,18 tỷ USD.

Có thể nói, thị trường TPDN đã trở thành một trong các kênh huy động vốn quan trọng bậc nhất cho thị trường bất động sản giai đoạn này. Tuy nhiên, theo đánh giá của đoàn giám sát, trái phiếu bất động sản giai đoạn này có nhiều diễn biến phức tạp, chưa tuân thủ quy định, tiềm ẩn rủi ro cho thị trường.

Cụ thể, trong giai đoạn trên, doanh nghiệp bất động sản chủ yếu phát hành trái phiếu riêng lẻ với lãi suất cao, có thời điểm gấp đôi lãi suất tiết kiệm để thu hút nhà đầu tư. Nhiều doanh nghiệp bất động sản, xây dựng phát hành trái phiếu nhiều đợt, số lượng lớn, tiềm ẩn rủi ro và có các hành vi gian dối, lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhà đầu tư.

Trong khi đó, thị trường còn thiếu tính công khai, minh bạch, chuyên nghiệp; công tác giám sát chưa hiệu quả. Thực tế đã xảy ra nhiều vụ việc vi phạm pháp luật về TPDN, phát sinh nhiều đơn thư tố cáo, kiến nghị, tụ tập đông người; nhiều doanh nghiệp phát hành TPDN không bảo đảm khả năng thanh toán, phải thực hiện đảo nợ.

Đặc biệt, một số doanh nghiệp phát hành trái phiếu sau đó chuyển nguồn vốn huy động này “lòng vòng” qua các doanh nghiệp khác, tiềm ẩn rủi ro sử dụng vốn sai mục đích. Điều này có thể dẫn đến nguy cơ mất vốn gốc, lãi trái phiếu của nhà đầu tư. Đặc biệt, trong trường hợp Dự án đầu tư gặp khó khăn, các doanh nghiệp tham gia quá trình chuyển vốn có thể mất khả năng thanh toán, đồng thời tạo nên hiệu ứng dây chuyền trên thị trường TPDN…

Trước tình trạng trên, báo cáo giám sát của Quốc hội đề nghị, Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các quy định về thị trường TPDN, khắc phục những hạn chế đã bộc lộ, tạo cơ sở phát triển bền vững thị trường vốn, từng bước nâng cao vai trò của thị trường vốn đối với việc cung ứng nguồn vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế. Giám sát chặt chẽ hoạt động cấp tín dụng bất động sản, việc phát hành trái phiếu và thực hiện các nghĩa vụ khi đáo hạn trái phiếu của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản.

Thống đốc lý giải vì sao nhiều dự án bất động sản có khả năng trả nợ vẫn không vay được vốn

Trả lời trước Quốc hội chiều nay (28/10), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng giải thích nguyên nhân vì sao nhiều doanh nghiệp bất động sản phản ánh lãi suất cho vay cao, khó tiếp cận vốn.

Hôm nay (28/10), Quốc hội thảo luận ở hội trường về Báo cáo của Đoàn Giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”. Một số đại biểu phản ánh về tình trạng doanh nghiệp khó tiếp cận vốn.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, thời điểm thị trường bất động sản sôi động trước đây, doanh nghiệp khó tiếp cận vốn tín dụng nên chấp nhận vay với lãi suất cao để triển khai Dự án. Đây là một trong các lý do đẩy giá nhà tăng cao.

Trong khi đó, đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng nhận định, phần lớn các doanh nghiệp bất động sản nhỏ và vừa gặp khó khăn khi tiếp cận vốn tín dụng một phần vì thiếu tài sản bảo đảm, một phần do các ngân hàng kiểm soát rủi ro trong cho vay bất động sản, có thời điểm lãi suất cho vay lên từ 12-14%.  

Liên quan đến vấn đề tín dụng bất động sản, Thống đốc cho hay, vốn cho bất động sản đòi hỏi giá trị lớn, thời hạn dài nên phải được huy động từ nhiều kênh, tín dụng chỉ là một trong các kênh huy động vốn của doanh nghiệp.

Theo quy định hiện hành, các tổ chức tín dụng (TCTD) được tự ra quyết định cấp tín dụng cho khách hàng cũng như tự thỏa thuận với khách hàng về lãi suất, kỳ hạn vay. Tuy nhiên, khác với các doanh nghiệp thông thường khác, khi cho vay, các TCTD ngoài mục tiêu lợi nhuận còn phải đáp ứng các tỷ lệ an toàn vốn, đảm bảo khả năng thu hồi vốn, khả năng chi trả cho người gửi tiền. Việc này không chỉ nhằm đảm bảo an toàn của TCTD đó mà còn để đảm bảo an toàn hệ thống và cả nền kinh tế.

“Chính vì vậy, có những dự án bất động sản khả thi, có khả năng trả nợ nhưng ngân hàng vẫn phải từ chối cho vay nếu không phù hợp với khả năng cân đối vốn của ngân hàng. Hiện nay, hệ thống ngân hàng chủ yếu huy động vốn ngắn hạn trong khi nhu cầu thị trường bất động sản chủ yếu lại là vay dài hạn”, Thống đốc cho biết.

Cũng liên quan đến phản ánh doanh nghiệp bất động sản khó tiếp cận tín dụng, Thống đốc cho biết thêm, ở một số thời điểm, hệ thống ngân hàng sẽ phải ưu tiên mục tiêu cấp bách hơn nhằm đảm bảo an toàn hệ thống.

Báo cáo của Bộ Xây dựng cho hay, nửa cuối năm 2022, việc tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp rất khó khăn, ngay cả khi có tài sản đảm bảo. Về vấn đề này, Thống đốc giải thích thêm, do sự cố tại Ngân hàng SCB vào đầu tháng 10/2022 có ảnh hưởng đến thanh khoản toàn hệ thống, đến niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài, tỷ giá có thể tăng tới 10%.

Trong bối cảnh đó, NHNN đặt mục tiêu cao nhất là đảm bảo an toàn hệ thống, đảm bảo khả năng chi trả cho người gửi tiền. Vì vậy, khi đó, NHNN tăng lãi suất tiền gửi và không nới room tín dụng nhằm đảm bảo thanh khoản hệ thống. Tại thời điểm đó, bản thân các tổ chức tín dụng cũng rất thận trọng cho vay, nhất là cho vay các dự án bất động sản có kỳ hạn dài, nhằm đảo bảo thanh khoản của mình. Đến khi thanh khoản cơ bản ổn định, cuối tháng 12/2022, NHNN mới nới room tín dụng.

Với phản ánh của một số đại biểu về lãi suất cho vay còn cao, Thống đốc cho rằng, người vay bao giờ cũng mong muốn lãi suất thấp là điều dễ hiểu. Dù vậy, Thống đốc mong Quốc hội nhìn nhận sự cố gắng của ngành ngân hàng. Những năm qua, lãi suất trên thế giới liên tục tăng cao nhưng mặt bằng lãi suất của Việt Nam vẫn được kiểm soát, lãi suất cho vay hiện đã giảm 3% so với đầu năm 2022.

So với mặt bằng lãi suất chung, lãi suất cho vay bất động sản thường cao hơn do kỳ hạn dài, bản thân các tổ chức tín dụng cũng phải trả lãi suất huy động cao hơn cho các kỳ hạn dài.

Dù các doanh nghiệp bất động sản than khó tiếp cận tín dụng, song theo Thống đốc, thực tế tín dụng bất động sản vẫn tăng nhanh thời gian qua, cao hơn mức tăng trưởng chung của nền kinh tế và hiện đang đạt dư nợ 3,15 triệu tỷ đồng, chiếm trên 20% tổng dư nợ chung của nền kinh tế.

Đối với tín dụng nhà ở xã hội, Thống đốc cho hay, việc thực hiện mục tiêu phát triển nhà ở xã hội phụ thuộc nhiều vào nguồn lực nhà nước.

Hiện nay, Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) đang triển khai 4 chương trình tín dụng chính sách nhà ở xã hội song ngân hàng này chỉ là đơn vị giải ngân, đối tượng vay do quy định của các bộ, ngành đề ra.

Trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách dành cho nhà ở xã hội còn hạn chế, thời gian qua, ngành ngân hàng đã “ủng hộ” phát triển nhà ở xã hội bằng gói tín dụng 120.000 tỷ đồng (hiện đã tăng lên 145.000 tỷ đồng). Đây là nguồn vốn do các tổ chức tín dụng tự huy động được từ người dân, sử dụng chính nguồn lực của mình để giảm lãi suất cho người vay.

“Giải ngân gói tín dụng này vẫn còn hạn chế (1.700 tỷ đồng), do đang ở giai đầu. Hơn nữa, sau covid 19, nguồn thu của người có thu nhập thấp ngày càng khó khăn nên cầu vốn chưa cao. Hy vọng thời gian tới, khi khó khăn giảm bớt, cầu vốn của người dân sẽ tăng lên”, Thống đốc kỳ vọng.

Để người dân thoải mái mua vàng, có thể phá vỡ bài toán vĩ mô

Nếu để người dân mua vàng thoải mái sẽ phá vỡ bài toán vĩ mô. Đôi khi chúng ta phải chấp nhận hy sinh một điểm nghẽn này để giải quyết điểm nghẽn lớn hơn, đó là ổn định kinh tế vĩ mô.

Các đại biểu quốc hội băn khoăn về quản lý thị trường vàng hiện nay.  Theo Đại biểu Lê Hoàng Hải (đoàn Đồng Nai), tình trạng người dân “xếp hàng cả ngày không mua nổi một chỉ vàng” tại Hà Nội như hiện nay là không ổn. Các giải pháp quản lý thị trường vàng nêu trong báo cáo Chính phủ còn mờ nhạt. Vì vậy, đại biểu này đề nghị bổ sung nhiệm vụ quản lý thị trường vàng vào dự thảo Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.

Nhiều đại biểu khác như đại biểu Lê Thị Nga (Hà Nam), Hoàng Anh Công (Thái Nguyên)… cũng nêu tình trạng khó khăn của người dân khi mua vàng, đồng thời kiến nghị Chính phủ cần có giải pháp gỡ khó thị trường vàng, đặc biệt là tập trung sửa Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý thị trường vàng.

Dưới góc nhìn chuyên gia theo dõi thị trường vàng nhiều năm, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Tp.HCM) có phân tích thấu đáo.

Đại biểu Ngân đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ và NHNN trong quản lý thị trường vàng thời gian qua. So với đầu năm, giá vàng thế giới đã tăng 37,5% trong khi giá vàng trong nước chỉ tăng 19,5%, cho thấy có sự ổn định nhất định. Mặc dù vậy, đại biểu này cũng nhấn mạnh, thị trường vàng vẫn là một điểm nghẽn chúng ta phải nhìn nhận, cần phải giải quyết.

Giá vàng thế giới thời gian qua tăng do nhiều yếu tố, trong đó nổi lên là hai yếu tố chính. Thứ nhất, chiến tranh, xung đột vũ trang xảy ra tại nhiều khu vực trên thế giới, kích thích tâm lý trú ẩn vào vàng. Thứ hai, chính sách tiền tệ nới lỏng dần ở các nước lớn (Mỹ, Châu Âu…). Giá vàng thế giới tăng khiến giá vàng trong nước tăng theo.

Đại biểu kỳ vọng, khi có nghị quyết thành lập trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM hay Trung tâm tài chính quốc tế khu vực tại Đà Nẵng, việc thành lập các sàn giao dịch hàng hóa - trong đó có sàn giao dịch vàng- được tính đến, bài toán về đầu tư, đầu cơ vàng trên thị trường quốc tế sẽ được giải quyết.

Còn với tình trạng hiện nay, giải quyết bài toán vàng, theo đại biểu Trần Hoàng Ngân - là rất khó.

“Nếu để người dân mua vàng thoải mái sẽ phá vỡ bài toán vĩ mô, vì khi đó sẽ phải bỏ ra lượng lớn ngoại tệ nhập khẩu vàng. Đôi khi chúng ta phải chấp nhận hy sinh một điểm nghẽn này để giải quyết điểm nghẽn lớn hơn, đó là giải quyết bài toán ổn định kinh tế vĩ mô”, đại biểu Trần Hoàng Ngân nhận định.

Big 4 ngân hàng ngày càng thụt lùi trong cuộc đua tăng vốn

Đứng đầu về tổng tài sản cũng như thị phần tín dụng, song các ngân hàng thương mại nhà nước (Big 4) đang ngày càng thụt lùi trong cuộc đua tăng vốn. Nhiều ngân hàng đứng trước nguy cơ không đạt an toàn vốn, hạn chế tăng trưởng tín dụng, sụt giảm lợi nhuận.

Giữa tuần này, Chính phủ đã trình Quốc hội phương án bổ sung 20.695 tỷ đồng vốn nhà nước cho Vietcombank từ nguồn lợi nhuận còn lại lũy kế đến hết năm 2018 và lợi nhuận còn lại năm 2021.

Mặc dù tính đến cuối năm 2023, Tỷ lệ An toàn vốn (CAR) của Vietcombank đạt 11,39% (hợp nhất), đảm bảo đúng quy định hiện hành (tối thiểu 8%), song hết sức bấp bênh do phụ thuộc lớn vào phần lợi nhuận sau thuế, sau trích lập các quỹ mà Vietcombank đang giữ lại (khoảng 50% vốn tự có), trái phiếu tăng vốn (khoảng 5% vốn tự có).

Trường hợp Vietcombank phải chia cổ tức bằng tiền mặt đối với toàn bộ phần lợi nhuận sau thuế, sau trích lập các quỹ mà không được trả cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, thì tỷ lệ vốn cấp 1 và CAR giảm xuống mức 5,64% và 6,28%, thấp hơn yêu cầu tối thiểu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và ảnh hưởng đến khả năng mở rộng tín dụng của Vietcombank do không đảm bảo yêu cầu về an toàn vốn.

Theo báo cáo của Chính phủ, nếu Vietcombank không được tăng vốn, năm 2024, ngân hàng này sẽ chỉ tăng trưởng tín dụng được ở mức 7% (thay vì mức dự kiến 15,93% như hiện tại) để tương ứng với phần vốn tự có giảm (27.666 tỷ đồng). Đồng thời, lợi nhuận trước thuế dự kiến cũng giảm tương ứng với phần giảm quy mô tín dụng (giảm khoảng 4% lợi nhuận).

Không chỉ thiếu vốn năm 2024, Vietcombank còn thiếu hụt tới 118.166 tỷ đồng cả giai đoạn 2024-2026 nếu muốn đáp ứng các tỷ lệ an toàn theo quy định hiện hành. Trường hợp Vietcombank không được Quốc hội thông qua phương án tăng vốn, mà phải thực hiện chia cổ tức bằng tiền mặt, thì mức vốn tự có thiếu hụt giai đoạn 2024-2026 là 125.435 tỷ đồng. Trường hợp Vietcombank phải trả cổ tức bằng tiền mặt từ năm 2024, với mỗi 5.000 tỷ đồng trả cổ tức tiền mặt, thì CAR của Vietcombank giảm 0,25% trong giai đoạn 2024-2026.

Nhiều ngân hàng khác trong nhóm Big 4 cũng đứng trước tình trạng mong manh hệ số CAR, có nguy cơ giảm tốc tăng trưởng tín dụng. Năm 2023, Agribank đã được Quốc hội chấp thuận đầu tư bổ sung 17.100 tỷ đồng vốn điều lệ. Tuy vậy, ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch HĐTV Agribank cho hay, số vốn này chỉ đủ cho tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng đến năm 2024. Dự kiến năm 2025, để tăng trưởng 10% dư nợ tín dụng, Agribank cần được Nhà nước cấp bổ sung 10.000 tỷ đồng vốn điều lệ.

Ngoài xin bổ sung vốn từ nguồn ngân sách (qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu), các ngân hàng thương mại nhà nước có rất nhiều giải pháp tăng vốn khác, như phát hành cổ phiếu riêng lẻ, phát hành trái phiếu huy động vốn. Tuy nhiên, theo lãnh đạo các ngân hàng Big 4, các hình thức này tốn kém và không mấy khả thi trong giai đoạn hiện nay.

Cụ thể, với giải pháp phát hành cổ phiếu riêng lẻ, tại Đại hội đồng cổ đông năm nay, cả Vietcombank và BIDV đều đặt kế hoạch chào bán cho đối tác ngoại, với giá trị mỗi thương vụ lên tới hơn 1 tỷ USD. Tuy nhiên, theo Công ty chứng khoán MSB, cả hai thương vụ đều phải tạm hoãn.

Vietcombank cho biết, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đối mặt với các dấu hiệu suy thoái, các ngân hàng trung ương thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng mạnh lãi suất để kiểm soát lạm phát, các hoạt động mua bán và phát hành cổ phiếu trên thị trường vốn trở nên trầm lắng. Việc tìm kiếm nhà đầu tư có đủ tiềm lực tài chính phù hợp với mục tiêu của Vietcombank và sẵn sàng đầu tư vào thời điểm vừa qua gặp nhiều thách thức. Do đó, hiện tại, việc thực hiện phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ của Vietcombank vẫn chưa hoàn thành và đang được tiếp tục xúc tiến.

Trước tình trạng khó bán vốn hoặc không có cửa bán vốn (như VietinBank, Agribank), thời gian qua, nhóm Big 4 phải phát hành lượng lớn trái phiếu để tăng vốn.

Tuy vậy, theo Vietcombank, trái phiếu tăng vốn là nguồn vốn thứ cấp và tạm thời, không bền vững. Đồng thời, chi phí trả lãi cao, hiệu quả kinh tế thấp và tỷ lệ tính giá trị trái phiếu tăng vốn vào vốn tự có sẽ giảm dần theo thời gian. Riêng với Vietcombank, phát hành trái phiếu tăng vốn gây bất lợi cho ngân hàng do Vietcombank hướng tới áp dụng Basel III trong những năm tiếp theo. Basel III không khuyến khích các ngân hàng tăng vốn tự có bằng trái phiếu do thiếu bền vững. Cơ cấu trái phiếu tăng vốn cao trong vốn tự có cũng ảnh hưởng đến thứ bậc xếp hạng quốc tế của ngân hàng.

Trước tình trạng “ăn đong” về vốn, lãnh đạo ngân hàng Big 4 nhiều lần đề nghị Chính phủ, Quốc hội có cơ chế dài hơi để các ngân hàng này có thể tăng vốn bền vững và chủ động hơn.

“Chúng tôi mong muốn Chính phủ trình Quốc hội thông qua chủ trương từ năm 2024 cho phép áp dụng cơ chế tăng vốn điều lệ hàng năm cho Agribank từ phần lợi nhuận nộp ngân sách nhà nước của Ngân hàng”, Chủ tịch HĐTV Agribank kiến nghị.

Trong khi đó, Chủ tịch HĐQT VietinBank Trần Minh Bình cũng đề xuất các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt chủ trương cho phép ngân hàng này được giữ lại toàn bộ lợi nhuận hàng năm trong vòng 5 năm (giai đoạn 2024 - 2028) để tăng vốn, nâng cao năng lực tài chính, mở rộng dư địa tăng trưởng tín dụng.

NHNN cho biết, cơ quan này đang trình Thủ tướng Chính phủ về phương án đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại BIDV từ nguồn lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ năm 2022. Đồng thời, đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan trình cấp có thẩm quyền bổ sung vốn nhà nước cho VietinBank thông qua chi trả cổ tức bằng cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận còn lại giai đoạn 2009-2016, năm 2021 và năm 2022.

Vốn cho bất động sản: Cả tín dụng lẫn trái phiếu còn tiềm ẩn nhiều rủi ro
Báo cáo giám sát của Quốc hội cho thấy, trong 8 năm qua, nhiều tổ chức tín dụng có tỷ trọng cho vay bất động sản trên tổng dư nợ quá cao, tiềm...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư