Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 21 tháng 01 năm 2025,
Ngân hàng “được mùa” lợi nhuận
Hà Tâm - 07/12/2019 11:02
 
Tăng bán lẻ - giảm bán sỉ, tăng thu dịch vụ - giảm trích lập dự phòng cho nợ xấu… khiến nhiều ngân hàng lãi lớn và sắp cán đích lợi nhuận năm 2019. Năm 2020, dư địa tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng vẫn rất lớn nhờ những thương vụ hợp tác khủng hoặc việc chuyển đổi cơ cấu hoạt động.
.
Thống kê của FiinPro Platform cho thấy, tăng trưởng lợi nhuận của ngành ngân hàng quý III/2019 lên tới 44,9%, gấp đôi bình quân toàn thị trường.

Nhiều ngân hàng sắp cán đích lợi nhuận

Nguồn tin từ Agribank cho biết, hết tháng 10/2019, lợi nhuận của Ngân hàng đã đạt 10.350 tỷ đồng, tương đương 94% kế hoạch năm. Không chỉ Agribank, năm nay, hàng loạt “ông lớn” như Vietcombank hay VietinBank cũng rất tự tin về khả năng về đích lợi nhuận sớm. Chỉ trong 9 tháng đầu năm, lợi nhuận của Vietcombank đã đạt 17.592 tỷ đồng, bằng 85,8% kế hoạch năm 2019. Trong khi đó, VietinBank đã đạt 89% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Về phía khối ngân hàng TMCP tư nhân, đến thời điểm này, đã có 2 ngân hàng công bố vượt chỉ tiêu lợi nhuận năm 2019 là SaigonBank và Eximbank. Nhiều ngân hàng khác cũng gần cán đích lợi nhuận của cả năm chỉ trong vòng 9 tháng, như VIB và Sacombank đạt 94% kế hoạch lợi nhuận cả năm, LienVietPostBank hoàn thành 86% kế hoạch năm…

Thống kê của FiinPro Platform cho thấy, tăng trưởng lợi nhuận của ngành ngân hàng quý III/2019 lên tới 44,9%, gấp đôi bình quân toàn thị trường.

Theo phân tích của các công ty chứng khoán, lợi nhuận của ngân hàng thường tăng mạnh trong quý IV - cao điểm tín dụng, nên chắc chắn lợi nhuận nhiều ngân hàng năm nay sẽ vượt mục tiêu đề ra đầu năm. Khảo sát của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây cho thấy, hơn 90% ngân hàng đều kỳ vọng lợi nhuận năm nay tăng trưởng dương so với năm 2019.

Động lực tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng năm 2019 vẫn là tín dụng. Theo thống kê, thu nhập từ lãi vay chiếm hơn 70% tổng thu nhập của các ngân hàng. Song việc giảm cho vay bán buôn, tích cực đẩy mạnh tín dụng bán lẻ đã giúp tỷ lệ lãi cận biên của nhiều ngân hàng cải thiện đáng kể.

Ngoài ra, các mảng dịch vụ như chứng khoán, bảo hiểm, trái phiếu… tăng mạnh cùng áp lực trích lập dự phòng rủi ro giảm giúp nhiều ngân hàng tăng trưởng lợi nhuận tốt hơn trước. Với SaigonBank, lợi nhuận 9 tháng đã vượt 25,7% kế hoạch cả năm (175 tỷ đồng), song chủ yếu là do dự phòng rủi ro giảm hơn 65% so với cùng kỳ, chứ không hẳn do hoạt động kinh doanh có sự đột phá.   

Theo chuyên gia tài chính, TS. Bùi Quang Tín, nợ xấu giảm mạnh, chất lượng tín dụng tốt hơn khiến lợi nhuận ngân hàng được “bảo toàn” tốt hơn trước. Bên cạnh đó, nỗ lực đa dạng hóa nguồn thu, giảm phụ thuộc vào tín dụng của các ngân hàng cũng bước đầu cho “quả ngọt”. Đây là lý do khiến lợi nhuận nhiều ngân hàng tăng trưởng tốt năm 2019 và nhiều khả năng tiếp tục bứt tốc năm 2020. 

Lợi nhuận năm 2020 tiếp tục bứt phá

Theo nhận định của chuyên gia phân tích các công ty chứng khoán, năm 2020, lợi nhuận ngân hàng sẽ có sự phân hóa. Cụ thể, nhóm ngân hàng đạt chuẩn Basel II sẽ được “nhận quà” từ NHNN, đó là room tín dụng rộng rãi hơn, trong khi một nửa số ngân hàng chưa đạt chuẩn Basel II còn lại sẽ bị phạt, bị cấp hạn mức tín dụng thấp, đồng nghĩa với lợi nhuận giảm. 

Ngoài ra, năm 2020, nhiều ngân hàng sẽ ghi nhận lợi nhuận tăng vọt từ mảng bảo hiểm nhờ các hợp đồng khủng đã ký kết vào năm nay. Ngay trong tháng 11/2019 vừa qua, thị trường bancassurance chứng kiến hai thương vụ bắt tay tỷ USD giữa Vietcombank với Tập đoàn Bảo hiểm FWD (Hồng Kông) và giữa TPBank với Sun Life Việt Nam. Cả hai thương vụ này được kỳ vọng mang về hàng ngàn tỷ đồng lợi nhuận cho Vietcombank cũng như TPBank.

Trong một báo cáo công bố gần đây, Công ty Chứng khoán SSI đã đưa ra dự báo về lợi nhuận của một số ngân hàng lớn năm 2020. Theo đó, năm 2020, TPBank và Vietcombank có thể sẽ ghi nhận thêm khoản lợi nhuận cao bất thường từ hai hợp đồng bảo hiểm trên.

Cụ thể, năm 2020, Vietcombank có thể thu về 26.800 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế từ hoạt động kinh doanh cốt lõi, chưa kể khoảng 4.000 tỷ đồng phí trả trước từ thỏa thuận bancassurance độc quyền ghi nhận trong năm 2019 - 2020. Tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2020 của Vietcombank ước đạt khoảng 30.800 tỷ đồng, tăng 33% so với năm nay.

Trước đó, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank bày tỏ kỳ vọng, với thương vụ bắt tay lịch sử này, Vietcombank sẽ tiến tới đích lợi nhuận 2 tỷ USD trong tương lai không xa.

Với TPBank, lợi nhuận trước thuế năm 2020 có thể sẽ tăng 31,6% so với năm 2019, lên 4.210 tỷ đồng, chưa tính khoản hoa hồng khủng từ hợp đồng bảo hiểm vừa được ký kết.

Hàng loạt ngân hàng khác như VPBank, Techcombank, VIB… cũng được SSI đánh giá rất cao về khả năng tăng trưởng lợi nhuận năm 2020 nhờ cải thiện hệ số NIM và tăng mạnh doanh thu về phí bảo hiểm, phát hành trái phiếu, kiểm soát chi phí dự phòng, mức tăng trưởng lợi nhuận 20-40%. Theo đó, năm 2020, lợi nhuận của VPBank có thể đạt 13.414 tỷ đồng, Techcombank đạt 14.000 tỷ đồng, VIB có thể đạt 4.849 tỷ đồng…

Kênh bancassurance sẽ tăng trưởng 30-40%

Các chuyên gia dự báo, kênh bancassurance sẽ tăng trưởng 30-40% trong năm 2019. Theo thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV), nếu năm 2016, kênh bancassurance chiếm khoảng 10% tổng doanh thu của thị trường bảo hiểm, thì nửa đầu năm 2019 đã chiếm gần 18% và dự báo có thể cán mốc 50% trong 3 năm tới.
Sau Vietcombank, MSB tiên phong khối cổ phần tư nhân giảm lãi suất cho vay
Chiều nay, Ngân hàng Hàng Hải Việt Nam (MSB) công bố giảm tới 2% lãi suất cho vay ngắn hạn đối với khách hàng doanh nghiệp và chủ hộ kinh doanh;...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư