Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Ngân hàng giảm phụ thuộc vào tín dụng
Thùy Vinh - 25/04/2019 15:40
 
Trong bối cảnh hoạt động tín dụng khó tăng trưởng cao, các ngân hàng đang phải chuyển mạnh sang khai thác các nguồn thu từ dịch vụ, đặc biệt là hoạt động ngân hàng số và bancassurance.
Nguồn thu từ phí tăng cao đang giúp VPBank giảm dần sự phụ thuộc vào các sản phẩm cho vay truyền thống. Ảnh: Đ.T
Nguồn thu từ phí tăng cao đang giúp VPBank giảm dần sự phụ thuộc vào các sản phẩm cho vay truyền thống. Ảnh: Đ.T

Giảm dần sự phụ thuộc vào tín dụng

Trong chiến lược tăng trưởng về bán lẻ được đẩy mạnh những năm gần đây và nỗ lực giảm dần sự phụ thuộc vào tín dụng để gia tăng nguồn thu từ dịch vụ, một trong những chiến lược được các ngân hàng đẩy mạnh là đầu tư vào ngân hàng số và bancassurance. Đây được xem là xu hướng tăng trưởng mạnh ở lĩnh vực này, đóng góp tích cực vào lợi nhuận ngân hàng thời gian qua cũng như tới đây.

Chẳng hạn, với tổng doanh thu từ phí của VPBank đạt hơn 3.818 tỷ đồng trong năm 2018, lãi ròng từ các khoản thu phí đạt 1.612 tỷ đồng, tăng 10%. (riêng khoản lãi ròng từ nguồn thu phí của ngân hàng riêng lẻ đạt 1.569 tỷ đồng, tăng tới 67% so với năm 2017). Nguồn thu từ phí tăng cao giúp ngân hàng này giảm sự lệ thuộc vào các sản phẩm cho vay truyền thống.

Tại MBBank, lãi trước thuế đạt hơn 7.700 tỷ đồng trong năm 2018, một phần nhờ bội thu từ dịch vụ. Các mảng kinh doanh phi tín dụng của MBBank tăng trưởng theo cấp số nhân. Trong đó, hoạt động dịch vụ tăng tới 127%, nhờ nguồn thu đột biến từ kinh doanh bảo hiểm. Lãi từ hoạt động dịch vụ của MBBank tăng mạnh, chủ yếu nhờ đóng góp lớn của công ty con, trong đó chủ đạo là Công ty bảo hiểm MB Ageas Life. Hoạt động bảo hiểm của MBBank hợp nhất có lãi hơn 1.335 tỷ đồng, tăng gấp 4,7 lần so với năm 2017.

Theo TS. Bùi Quang Tín (Đại học Ngân hàng TP.HCM), việc Ngân hàng Nhà nước siết chặt tăng trưởng tín dụng, hạn chế tín dụng ở một số lĩnh vực có nhiều rủi ro như bất động sản, đầu tư chứng khoán… sẽ khiến lợi nhuận ngân hàng bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, việc áp dụng quy định giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn từ 45% xuống còn 40% bắt đầu từ năm 2019 và áp dụng chuẩn mực Basel 2 từ đầu năm 2020 cũng khiến nguồn thu của các ngân hàng sụt giảm. Trong bối cảnh đó, các ngân hàng đã phải tính toán cắt giảm chi phí, đẩy mạnh mảng bán lẻ, đua phát triển dịch vụ nhằm gia tăng nguồn thu và giảm dần sự phụ thuộc vào tín dụng.

Lợi nhuận tăng mạnh trong quý I/2019

Kết thúc quý I/2019, hàng loạt ngân hàng báo lãi “khủng”. Tại OCB, các mảng kinh doanh mũi nhọn đều ghi nhận mức tăng trưởng khả quan. Cụ thể, tính đến cuối tháng 3/2019, tổng tài sản đạt 100.977 tỷ đồng, tăng 30%; tổng huy động đạt 89.294 tỷ đồng, tăng 29% và dư nợ tín dụng thị trường 1 đạt 62.754 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2018; lợi nhuận trước thuế đạt 536 tỷ đồng, hoàn thành 135% kế hoạch đề ra.

Theo dự báo của các chuyên gia phân tích VDSC, tỷ trọng đóng góp của thu nhập dịch vụ trong tổng thu nhập hoạt động của các ngân hàng sẽ tăng từ mức bình quân 8,6% ước tính năm 2018 lên 10% trong năm nay và 13,8% năm 2022.

Trong khi đó, VIB báo lãi 810 tỷ đồng trong quý I/2019, tăng 56% so với cùng kỳ; doanh thu đạt 1.714 tỷ đồng, tăng 38%; tín dụng đạt 104.632 tỷ đồng; huy động vốn đạt 99.123 tỷ đồng; tổng tài sản đạt gần 145.000 tỷ đồng.

TPBank thông báo lợi nhuận quý đầu năm đạt 853 tỷ đồng, tăng 66% so với cùng kỳ năm trước. Kết thúc quý I/2019, tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng này đạt 1.886 tỷ đồng, tăng 68% so với cùng kỳ năm 2018.

Quý I/2019, Nam A Bank đạt 300 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái và hoàn thành hơn 1/3 kế hoạch lợi nhuận cả năm. Tổng tài sản của Nam A Bank đạt gần 75.000 tỷ đồng, tăng 32%. Tổng huy động vốn từ các tổ chức kinh tế và cá nhân đạt hơn 60.000 tỷ đồng, tăng hơn 39% so với cùng kỳ năm 2018. Tổng dư nợ của Nam A Bank đạt gần 54.000 tỷ đồng với cơ cấu cho vay tiếp tục được dịch chuyển sang hướng bán lẻ, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

Trước bối cảnh tín dụng khó tăng trưởng nóng như những năm trước, các nhà băng đẩy mạnh nguồn thu từ dịch vụ. Năm 2018, nguồn thu dịch vụ tăng rất mạnh ở một số ngân hàng lớn. Tại những ngân hàng nhỏ, dịch vụ cũng chiếm 15 - 20% tổng nguồn thu của ngân hàng.

Theo đánh giá của các chuyên gia phân tích Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), tăng trưởng thu nhập dịch vụ của HDBank có thể sẽ đạt mức 150% trong năm 2018 và 70% trong năm 2019. Con số này của MBBank tương ứng là 80% và 50%.

Các chuyên gia phân tích VDSC cho rằng, trong ngắn hạn, thu nhập dịch vụ sẽ còn tiềm năng tăng trưởng tốt, chủ yếu nhờ hoạt động thanh toán và bảo hiểm. Tuy nhiên, mức tăng trưởng sẽ khác nhau giữa các ngân hàng, tùy vào lợi thế và chiến lược riêng của từng ngân hàng.

Tín dụng thấp, ngân hàng kỳ vọng lợi nhuận cao
Tăng trưởng tín dụng năm nay được ngành ngân hàng đưa ra ở mức 14% song các nhà băng vẫn đề ra mục tiêu lợi nhuận khá tham vọng.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư