Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 01 tháng 05 năm 2024,
Tín dụng thấp, ngân hàng kỳ vọng lợi nhuận cao
Vân Linh - 06/04/2019 10:28
 
Tăng trưởng tín dụng năm nay được ngành ngân hàng đưa ra ở mức 14% song các nhà băng vẫn đề ra mục tiêu lợi nhuận khá tham vọng.
ngân hàng OCB đặt mục tiêu lợi nhuận năm 2019 ở mức 3.200 tỷ đồng, tăng 45% so với năm ngoái. Ảnh: Đức Thanh
Ngân hàng OCB đặt mục tiêu lợi nhuận năm 2019 ở mức 3.200 tỷ đồng, tăng 45% so với năm ngoái. Ảnh: Đức Thanh

Tín dụng khó tăng cao

Ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước - NHNN) cho biết, NHNN đã xây dựng chỉ tiêu định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm 2019 khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Theo đó, NHNN ưu tiên chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức cao hơn đối với tổ chức tín dụng thực hiện trước thời hạn các quy định về tỷ lệ an toàn vốn tại Thông tư 41/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016.

Mặc dù tăng trưởng tín dụng khó được nới trong năm nay, song không ít nhà băng vẫn kỳ vọng được nâng room, nên đã đưa ra chỉ tiêu cao hơn chỉ tiêu tăng trưởng của ngành.

Chẳng hạn, VIB đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 35% cho năm 2019, nếu được NHNN cho phép. Tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên diễn ra ngày 28/3, trước thắc mắc của cổ đông về việc đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao, ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch HĐQT VIB cho biết, mục tiêu đưa ra như vậy, song NHNN chấp thuận ở mức nào thì VIB sẽ thực hiện trong khuôn khổ cho phép.

Chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng sẽ tiếp tục được phân bổ dựa trên cơ sở đánh giá tình hình hoạt động và khả năng tăng trưởng tín dụng lành mạnh của từng tổ chức tín dụng. Vì thế, với những nhà băng đang trong giai đoạn tái cơ cấu, đề xuất nâng hạn mức tăng trưởng tín dụng trong năm 2019 cũng đã được đưa ra.

Chẳng hạn tại Sacombank, ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Sacombank đề xuất NHNN cấp “quota” tín dụng giai đoạn 2018 - 2020 là 18 - 20%. Tương tự, HDBank cũng kỳ vọng được tăng thêm room tín dụng cho năm nay, do đang trong quá trình hoàn tất sáp nhập PGBank.

Tham vọng chỉ tiêu lợi nhuận

VIB đặt mục tiêu lợi nhuận 3.400 tỷ đồng trước thuế trong năm 2019. Nếu không được tăng trưởng tín dụng cao ở mức 35% nói trên, VIB sẽ đẩy mạnh tăng trưởng dịch vụ để gia tăng nguồn thu. Ông Đặng Khắc Vỹ cho rằng, trong những năm qua, nhất là năm 2018, khi mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn ngành ở mức 14% và VIB cũng ở mức này, song Ngân hàng vẫn đạt được mức lợi nhuận khả quan trên 2.700 tỷ đồng trước thuế.

Lãnh đạo OCB cũng cho hay, chỉ tiêu lợi nhuận đưa ra năm nay là 3.200 tỷ đồng, so với mức thực hiện của năm qua là 2.200 tỷ đồng trước thuế. OCB cũng là một trong 3 ngân hàng đã hoàn tất áp chuẩn quy định Basel II. Vì thế, nhà băng này kỳ vọng được cấp hạn mức tín dụng cao hơn so với mức tăng trưởng chung của ngành đưa ra năm nay.

Ngoài VIB, Sacombank, OCB..., không ít nhà băng khác cũng đưa ra chỉ tiêu lợi nhuận khủng trong năm 2019. Vietcombank ước thu về 20.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế; VPBank có kế hoạch lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng; Techcombank đặt mục tiêu lợi nhuận 11.700 tỷ đồng...

Các ngân hàng cho hay, với tăng trưởng bán lẻ được đẩy mạnh những năm gần đây và nỗ lực gia tăng nguồn thu từ dịch vụ, một trong những chiến lược được các ngân hàng đẩy mạnh là đầu tư vào ngân hàng số và bancassurance. Đây được xem là xu hướng tăng trưởng mạnh ở lĩnh vực này.

Chẳng hạn, MB báo lãi trước thuế hơn 7.700 tỷ đồng trong năm 2018, một phần nhờ bội thu từ dịch vụ. Trong đó, hoạt động dịch vụ tăng tới 127% nhờ nguồn thu đột biến từ kinh doanh bảo hiểm.

Tương tự, VPBank đạt lợi nhuận hơn 9.200 tỷ đồng năm 2018. Dấu ấn mạnh trong đóng góp doanh thu là từ thu nhập phí. Năm 2018, tổng doanh thu từ phí của VPBank đạt hơn 3.818 tỷ đồng, tăng 19%.

Theo TS. Bùi Quang Tín (Đại học Ngân hàng TP.HCM), việc NHNN siết chặt tăng trưởng tín dụng, hạn chế tín dụng ở một số lĩnh vực có nhiều rủi ro như bất động sản, đầu tư chứng khoán… sẽ khiến tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng bị ảnh hưởng. Trong bối cảnh đó, ngân hàng phải tính toán cắt giảm chi phí, đẩy mạnh mảng bán lẻ và phát triển mảng dịch vụ nhằm giảm dần sự phụ thuộc vào tín dụng.

Xu hướng tăng trưởng tín dụng “xanh”
Xu hướng đầu tư, kinh doanh, tiêu dùng các sản phẩm “xanh” của cá nhân, doanh nghiệp được Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước khuyến khích áp dụng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư