Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 28 tháng 04 năm 2024,
Ngân hàng không được mua trái phiếu doanh nghiệp để cơ cấu lại khoản nợ
Thùy Vinh - 23/08/2019 11:14
 
NHNN vừa có công văn gửi các ngân hàng thương mại (NHTM) trong nước yêu cầu kiểm soát rủi ro trong hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, nhất là trái phiếu do doanh nghiệp bất động sản phát hành lãi suất cao 13-14,5%/năm.

Tuýt còi ngân hàng mua trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

NHNN cho biết, qua công tác quản lý nhà nước về hoạt động ngân hàng trong các tháng đầu năm 2019 cho thấy, hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các NHTM nói chung còn tiềm ẩn rủi ro khi một số ngân hàng có số dư đầu tư trái phiếu doanh nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong tổng tài sản và tiếp tục tăng nhanh.

Cùng với đó, số dư đầu tư trái phiếu vào các doanh nghiệp lĩnh vực xây dựng, bất động sản lớn khi thị trường bất động sản chưa phục hồi vững chắc, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn.

Một số ngân hàng đầu tư trái phiếu với mục đích khác ở mức cao và biến động lớn, khó kiểm soát. Ngoài ra, một số ngân hàng tiếp tục đầu tư trái phiếu với mục đích cơ cấu lại nợ của tổ chức phát hành trong năm 2019.

Để đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng, hạn chế rủi ro trong hoạt động mua trái phiếu doanh nghiệp, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đã yêu cầu các NHTM phải rà soát các quy định nội bộ, đảm bảo ban hành đầy đủ theo đúng quy định của pháp luật, đặc biệt các quy định nội bộ liên quan đến hoạt động mua trái phiếu doanh nghiệp (như quy định về quy trình, thủ tục thẩm định, phê duyệt và quyết định mua trái phiếu doanh nghiệp; nguyên tắc, chi tiêu đánh giá, xác định mức độ rủi ro mua trái phiếu.

Việc quản lý rủi ro và xác định các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, chính sách tín dụng, đầu tư vào các lĩnh vực này...) phù hợp với đặc điểm hoạt động kinh doanh của Ngân hàng và theo đúng quy định tại Thông tư số 22/2016/TT-NHNN ngày 30/6/2016 quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua trái phiếu doanh nghiệp (và các văn bản sửa đổi, bổ sung) và các quy định của pháp luật về giới hạn, hạn chế đảm bảo an toàn; Phổ biến, quán triệt, triển khai tới tất cả các đơn vị, nhân viên của Ngân hàng để thống nhất thực hiện, tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật và quy định nội bộ.

NHNN yêu cầu các NHTM không được mua trái phiếu doanh nghiệp trong đó có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của doanh nghiệp phát hành theo đúng quy định tại Thông tư số 15/2018/TT-NHNN ngày 18/6/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 22/2016/TT-NHNN.

Các ngân hàng cũng phải kiểm soát chặt chẽ hoạt động đầu tư trái phiếu có mục đích đầu tư vào các chương trình, dự án thuộc lĩnh vực kinh doanh bất động sản hoặc tăng quy mô vốn của tổ chức phát hành hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản để hạn chế rủi ro.

Theo NHNN, các NHTM phải tăng cường kiểm tra, giám sát sau cho vay, trong đó đặc biệt là giám sát việc sử dụng vốn đúng mục đích; thường xuyên theo dõi, đánh giá để xác định sớm các dấu hiệu bất thường về khả năng thực hiện các nghĩa vụ trả nợ của doanh nghiệp; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật, quy định nội bộ trong hoạt động cấp tín dụng.

NHNN nhấn mạnh sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp.

Chưa được định giá bởi các tổ chức độc lập

Mặc dù đánh giá mặt tích cực của trái phiếu doanh nghiệp trong cung cấp vốn cho thị trường, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng lưu ý, nếu không kiểm soát tốt việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp sẽ có rủi ro, ảnh hưởng tới thị trường tín dụng và cân đối vĩ mô. Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, hiện các tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp hầu như chưa được xếp hạng tín nhiệm.

Trong khi đó, lãi suất một số đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp cao, từ 13- 15%. Cá biệt, có doanh nghiệp bất động sản phát hành tới 14-15%/năm, cao hơn lãi suất cho vay của NHTM và các tổ chức tín dụng khác. Vì thế, việc rót tiền mua trái phiếu doanh nghiệp tiềm ẩn rủi ro cho nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư cá nhân không đủ thông tin phân tích.

Bên cạnh đó, tài sản và tài sản hình thành từ nguốn trái phiếu chưa được định giá bởi các tổ chức độc lập và khó xác minh tranh chấp pháp lý.

Đồng thời, vốn huy động có thể sử dụng chưa đúng mục đích do chưa có báo cáo sử dụng vốn có ý kiến của kiểm toán; 98% các đợt phát hành là riêng lẻ. Để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong trung và dài hạn, Phó Thủ tướng Huệ giao Bộ Tài chính cùng các bộ hoàn thiện dự thảo Luật chứng khoán.

Trong đó, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu rà soát quy định cụ thể phát hành trái phiếu riêng lẻ theo hướng chỉ dành cho nhà đầu tư chuyên nghiệp có năng lực phân tích tài chính và khả năng đánh giá rủi ro.

Thời gian qua, các doanh nghiệp đua phát hành trái phiếu do khó tiếp cận vốn vay ngân hàng khi mục tiêu tăng trưởng tín dụng của ngành đưa ra năm nay 14%. Đáng chú ý là với các doanh nghiệp bất động sản, "khát" vốn nên đã ồ ạt phát hành trái phiếu lãi suất cao. Nhưng điều đáng nói là số lượng trái phiếu do doanh nghiệp bất động sản phát hành chủ yếu được mua bởi các NHTM. 

Trái phiếu doanh nghiệp bất động sản chủ yếu được mua bởi NHTM

Trong 6 tháng đầu năm, tổng mức phát hành trái phiếu doanh nghiệp là 116.085 tỷ đồng, tăng 7,4% so với cùng kỳ 2018. NHTM phát hành 36.700 tỷ đồng (chiếm 36%), doanh nghiệp bất động sản là 22.122 tỷ đồng (19%), lượng phát hành của công ty chứng khoán chiếm 3,5%, còn lại là các doanh nghiệp khác.

Với lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành tăng mạnh trong nửa đầu năm nay phần lớn thuộc lĩnh vực bất động sản, lãi suất 10- 14,5%/năm.

Tập đoàn Đất Xanh (DXG), CTCP Đầu tư Văn Phú – Invest (VPI) hay CTCP Đầu tư và kinh doanh nhà Khang Điền (KDH) phát hành đều có lãi suất lên tới 12%/năm. Novaland phát hành 400 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp, qua 2 đợt, mỗi đợt 200 tỷ đồng. Lãi suất đều xấp xỉ 11%. Mới đây nhất, CTCP phát triển Bất động sản Phát Đạt công bố kết quả 3 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ. Trong đợt phát hành 550 tỷ đồng trái phiếu từ ngày 3/6-31/7, MBBank đã mua trọn toàn bộ.

Đây là trái phiếu không chuyển đổi, có bảo đảm bằng tài sản và không kèm theo chứng quyền, kỳ hạn 60 tháng, kỳ tính lãi 3 tháng. Lãi suất trong 4 kỳ tính lãi đầu tiên là 10,5%/năm. Lãi suất các kỳ tính lãi tiếp theo bằng lãi suất tiết kiệm cá nhân 24 tháng tại MBBank cộng với ít nhất là 3,5%/năm.

Trong một đợt phát hành khác vào ngày 1/8, OCB cũng mua trọn lô trái phiếu do Phát Đạt phát hành. Giá trị của lô trái phiếu là 225 tỷ đồng, có lãi suất 9,5%/năm, trái phiếu có kỳ hạn 1 năm. Phát Đạt cũng phát hành thành công 70 tỷ đồng trái phiếu có lãi suất cố định 13,5%/năm vào ngày 1/8/2019. Trái phiếu không chuyển đổi, có bảo đảm bằng tài sản và kỳ hạn 1 năm, trả lãi 3 tháng/lần. Công ty cổ phần chứng khoán Hải Phòng đã mua 19 tỷ đồng, 2 nhà đầu tư cá nhân mua số còn lại 51 tỷ đồng…

Động thái này của các doanh nghiệp bất động sản diễn ra trong bối cảnh NHNN đang nỗ lực hạn chế dòng tiền chảy vào các kênh mang tính tăng trưởng nóng và phát triển nhờ cung tiền là bất động sản. Các ngân hàng phải kiểm soát tăng trưởng tín dụng theo mục tiêu của ngành đưa ra năm nay ở mức 14%. Chính điều này gián tiếp làm cho các doanh nghiệp nhóm ngành này tiếp cận nguồn vốn khó khăn hơn và không còn cách nào khác là phải đẩy mạnh huy động vốn thông qua trái phiếu.

Phải có lộ trình phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Trong khi dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) bình quân của các nước trong khu vực chiếm 20-50% GDP, thì Việt Nam mới chiếm 6,19% GDP (năm...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư