Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 30 tháng 12 năm 2024,
Ngân hàng lên kế hoạch tấn công phân khúc cho vay trực tuyến
Hà Tâm - 23/05/2023 07:43
 
Hàng loạt quy định về cho vay trực tuyến sắp được luật hóa cùng với việc được phép tiếp cận “mỏ vàng” dữ liệu dân cư đang khiến hệ thống ngân hàng đứng trước cơ hội bùng nổ cho vay trực tuyến.
Tạo hành lang đầy đủ để ngân hàng gia tăng cho vay trực tuyến sẽ góp phần đẩy lùi tín dụng đen

Sở hữu “mỏ vàng” dữ liệu, ngân hàng lên kế hoạch tấn công phân khúc cho vay nhỏ lẻ online

Cho vay trực tuyến (đa phần với khoản vay nhỏ) đã được nhiều ngân hàng triển khai từ lâu. Tuy nhiên, do hình thức cấp tín dụng này chưa được quy định cụ thể trong luật, nên thời gian qua, nhiều ngân hàng “vừa làm vừa run” vì sợ hợp đồng bị tuyên vô hiệu trong trường hợp pháp sinh tranh chấp. Bên cạnh đó, do lượng dữ liệu rác lớn, tài khoản ảo nhiều, các ngân hàng cũng không mặn mà đẩy mạnh cho vay online vì ngại rủi ro.

Từ khi cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được hình thành, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phối hợp với Bộ Công an làm sạch 25 triệu dữ liệu khách hàng trong cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng và đang tập trung làm sạch 26 triệu dữ liệu khách hàng còn lại trong vòng vài tháng tới. Sở hữu trong tay lượng dữ liệu sạch khổng lồ này đang là cơ hội vàng để các ngân hàng đẩy mạnh các dịch vụ, sản phẩm số, đặc biệt là cho vay trực tuyến.

Lâu nay, với các khoản vay nhỏ, người dân e ngại tìm đến ngân hàng do lo ngại thủ tục, sợ khó chứng minh khả năng trả nợ. Ngân hàng không có thông tin về điểm tín dụng khách hàng, nên cũng e ngại cho vay tín chấp. Đây cũng là một trong các lý do khiến tín dụng đen tăng mạnh.

Bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Phó tổng giám đốc Vietcombank cho hay, với các khoản vay nhỏ, cho vay online phát triển sẽ giải quyết được nhu cầu của người dân và cả ngân hàng. Tuy nhiên, thời gian qua, các ngân hàng vẫn còn thận trọng trong cho vay online bởi nhiều lý do.

Thứ nhất, do dữ liệu khách hàng thời gian qua còn lẫn nhiều dữ liệu rác, chưa xác thực được khách hàng.

Thứ hai là việc thẩm định, phê duyệt tín dụng tự động do hạn chế về dữ liệu, cơ sở pháp lý chưa rõ ràng.

Thứ ba là cơ chế thu hồi nợ, trong đó có việc thiếu thông tin về khách hàng để thu hồi nợ.

"Nhưng với ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ chế thẩm định, phê duyệt tự động là cơ hội tốt cho các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước giải quyết các vấn đề quan ngại trên, giúp người dân dễ dàng vay vốn ngân hàng trên kênh số với lãi suất hợp lý”, bà Oanh nhấn mạnh.  

Trong khi đó, đại diện Techcombank cũng khẳng định, trước đây, quy trình cho vay truyền thống thường rườm rà. Để vay, khách hàng phải trải qua nhiều bước, nhiều thủ tục giấy tờ, rất tốn thời gian; đồng thời ngân hàng cũng phải thực hiện nhiều công đoạn khá thủ công, mất nhiều nhân lực. Tuy nhiên, hiện nay, nhờ nguồn dữ liệu lớn của ngân hàng, cộng với quy trình đánh giá tín dụng nhanh và việc ứng dụng Cơ sở dữ liệu công dân quốc gia, ngân hàng sẽ càng cải thiện tốt hơn nữa tốc độ xử lý hồ sơ, độ chính xác và nhanh chóng của quyết định cấp tín dụng, tăng cường việc quản lý rủi ro. 

Cần hoàn thiện hành lang pháp lý

Hiện nay, một số ngân hàng đã phối hợp với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06 - Bộ Công an) bắt đầu thử nghiệm hệ thống chấm điểm tín dụng công dân trên nền tảng dữ liệu dân cư. Đây là cơ sở để giúp các ngân hàng áp dụng cho vay tín chấp bước đầu là đối với các món vay giá trị nhỏ. Nếu được triển khai rộng rãi, giải pháp này sẽ tạo nên một cuộc cách mạng trong đẩy mạnh cho vay nhỏ lẻ của ngân hàng. 

Theo lãnh đạo Ngân hàng Đầu tư Phát triển Việt Nam (BIDV), ngân hàng này đang triển khai thí điểm cấp tín dụng cho khách hàng cá nhân theo kết quả xếp hạng tín dụng dựa trên thông tin dữ liệu căn cước công dân do Bộ Công an cung cấp. Tuy nhiên, việc triển khai vẫn đang trong dạng thí điểm. BIDV cho rằng, để các ngân hàng thương mại có cơ sở thực hiện rộng rãi, NHNN phải có quy định hướng dẫn chính thức về quy trình triển khai, sử dụng giải pháp của Bộ Công an về ứng dụng căn cước công dân gắn chip trong nhận diện và xác thực khách hàng.

Ngoài ra, bà Nguyễn Thị Kim Oanh cho rằng, để ngân hàng thương mại có thể yên tâm cấp tín dụng nhỏ lẻ trực tuyến, Bộ Công an cần cập nhật dữ liệu dân cư kịp thời. Đồng thời, đảm bảo kết nối hệ thống với VNeID - ứng dụng định danh điện tử và hệ thống Chấm điểm tín dụng công dân phải thật thông suốt, không ảnh hưởng đến trải nghiệm của khách hàng. Bên cạnh đó, theo bà Oanh, NHNN và các cơ quan quản lý nhà nước khác cũng phải điều chỉnh đồng bộ các quy định của pháp luật liên quan để phù hợp với đặc thù của cấp tín dụng trên môi trường điện tử.

Được biết, dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đã đưa ra nhiều quy định cụ thể hóa các dịch vụ ngân hàng qua phương tiện điện tử, bổ sung quy định điều chỉnh hoạt động cấp tín dụng bằng phương tiện điện tử tại các quy định về nội bộ, quy định về xét duyệt cấp tín dụng… Các ngân hàng thương mại đề nghị NHNN sớm sửa đổi Thông tư 39/2016/TT-NHNN để ngân hàng có cơ sở triển khai cho vay. Ngoài ra, các bộ, ngành khác cũng phải sửa đổi một số quy định Luật Dân sự, Luật Giao dịch điện tử… hoàn thiện khung khổ pháp lý về cho vay trực tuyến.

Việc cho phép ngân hàng tiếp cận cơ sở dữ liệu dân cư đồng thời hoàn thiện khung khổ pháp lý về ngân hàng số là cơ hội để ngành ngân hàng tăng trưởng mạnh trong tương lai. Hành lang pháp lý vững chắc và cơ sở dữ liệu sạch là nền tảng để Việt Nam tiến tới hình thành ngân hàng 100% trên môi trường số như một số quốc gia đã thực hiện.

TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế
Né bẫy tín dụng đen đội lốt cho vay trực tuyến, đâu là nơi người dùng có thể đặt niềm tin?
Mô hình cho vay trực tuyến đang có sự phát triển nở rộ như nấm mọc sau mưa, nếu người dùng không lựa chọn cẩn thận thì rất dễ trúng cạm bẫy...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư