Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 17 tháng 09 năm 2024,
Ngân hàng mạnh tay đẩy vốn vào bất động sản
Vân Linh - 17/09/2024 14:01
 
Trong bối cảnh thị trường bất động sản chưa sôi động và tín dụng ngành ngân hàng còn chậm trong nửa đầu năm nay, dư nợ cho vay bất động sản vẫn tăng cao.

TP.HCM đạt dư nợ cho vay bất động sản trên triệu 1 tỷ đồng

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM cho biết, đến cuối tháng 7/2024 tổng dư nợ tín dụng bất động sản trên địa bàn đạt trên 1 triệu tỷ đồng, chiếm 27,6% trong tổng dư nợ tín dụng và tăng 5,5% so với cuối năm 2023.

Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NHNN TP.HCM, tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đặc biệt những lĩnh vực là động lực tăng trưởng kinh tế sẽ mang lại hiệu quả cao, trực tiếp và góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, trong bối cảnh vẫn còn những khó khăn thách thức đối với nền kinh tế, các giải pháp đồng bộ để các thị trường: hàng hóa, thị trường tài chính và thị trường bất động sản duy trì ổn định, tăng trưởng và phát triển có ý nghĩa quan trọng đối với tăng trưởng và phát triển kinh tế.

Trong đó, sự phục hồi của thị trường bất động sản sẽ kích thích tạo lập dòng tiền, do liên quan đến nhiều lĩnh vực sản xuất kinh doanh và dịch vụ khác, đồng thời có tác động trực tiếp đến hoạt động tín dụng bất động sản nói chung và trên địa bàn TP.HCM nói riêng. Qua phân tích đánh giá, có thể thấy tín dụng bất động sản trên địa bàn Thành phố 7 tháng đầu năm 2024 gắn liền với một số diễn biến đáng chú ý.

Ngân hàng mạnh tay đẩy vốn vào bất động sản.

Cụ thể, dư nợ tín dụng bất động sản tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng, tháng sau cao hơn tháng trước. Đến cuối tháng 7/2024, tổng dư nợ tín dụng bất động sản trên địa bàn đạt trên 1 triệu tỷ, chiếm 27,6% trong tổng dư nợ tín dụng và tăng 5,5% so với cuối năm 2023 (cao hơn mức tăng chung của tín dụng trên địa bàn; 7 tháng đầu năm tín dụng chung trên địa bàn tăng 3,9%).

Tín dụng nhà ở (gồm nhà ở xã hội; nhà ở thương mại; nhà ở khác) vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất, chiếm khoảng 57% trong tổng dư nợ bất động sản trên địa bàn. Trong đó dư nợ cho vay nhà ở xã hội đạt 2.543 tỷ đồng, tăng 78% so với cuối năm.

Dư nợ cho vay nhà ở xã hội tăng cao, do trong 7 tháng đầu năm các TCTD đã giải ngân cho vay các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn. Trong đó, giải ngân cho vay từ gói 120 nghìn tỷ đồng đạt 170 tỷ đồng, cho dự án nhà ở cho công nhân thuê tại TP. Thủ Đức.

Đồng thời, tín dụng bất động sản phục vụ sản xuất kinh doanh như : cho vay phát triển hạ tầng khu công nghiệp - khu chế xuất; cho vay xây dựng văn phòng, cao ốc; xây dựng nhà hàng, khách sạn khu du lịch.. đều đạt tốc độ tăng trưởng khá. Trong đó dư nợ cho vay phát triển hạ tầng khu công nghiệp - khu chế xuất đạt 48.392 tỷ đồng, tăng 18,4% so với cuối năm 2023; cho vay văn phòng cao ốc đạt: 24.041 tỷ đồng, tăng 14% so với cuối năm.

Ông Lệnh cho rằng, đây là những kết quả về hoạt động tín dụng bất động sản trên địa bàn gắn với xu hướng tăng trưởng của thị trường. Tuy nhiên, tín dụng bất động sản chủ yếu là cho vay trung dài hạn, thời gian dài. Vì vậy, sự tăng trưởng và phát triển hiệu quả, bền vững của thị trường có tác động quan trọng đối với hoạt động tín dụng của các NHTM.

Dư nợ cho vay bất động sản toàn hệ thống đạt hơn 3 triệu tỷ đồng

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng cho biết, tính đến 31/5, dư nợ tín dụng vào lĩnh vực bất động sản tăng 4,61% so với cuối năm 2023, chiếm 21,51% tổng dư nợ nền kinh tế. Trong đó, chiếm tỷ trọng lớn là tín dụng bất động sản phục vụ mục đích tự sử dụng (chiếm khoảng 60% tổng dư nợ tín dụng bất động sản, tăng 1,15% so với cuối năm 2023). Còn dư nợ tín dụng kinh doanh bất động sản tăng trưởng 10,29% so với cuối năm 2023, chiếm tỷ trọng khoảng 40% trong tổng dư nợ.

Với dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế tính đến cuối tháng 5/2024 đạt hơn 14,034 triệu tỷ đồng, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản là khoảng 3,019 triệu tỷ đồng, tăng hơn 133.000 tỷ so với hồi đầu năm. Đây là lần đầu tiên dư nợ lĩnh vực bất động sản vượt mốc 3 triệu tỷ đồng và đồng thời là mức cao kỷ lục.

Trong đó, dư nợ tín dụng bất động sản phục vụ mục đích tự sử dụng ở mức 1,811 triệu tỷ đồng, tăng 20.600 tỷ và dư nợ tín dụng kinh doanh bất động sản là hơn 1,207 triệu tỷ, tăng 112.700 tỷ đồng. Theo giới phân tích, thị trường bất động sản bắt đầu hồi phục và mặt bằng lãi suất cho vay ở mức thấp, gia tăng nhu cầu vay vốn của các chủ đầu tư và nhu cầu mua nhà.

Techcombank cho biết, dư nợ cho vay mua nhà phục hồi lên mức 181,7 nghìn tỷ đồng tính đến cuối tháng 6/2024, tăng 6,3% so với đầu năm và 9,1% so với cùng kì. Theo Techcombank, giải ngân cho vay mua nhà tiếp tục đà tăng trưởng tốt, đạt 31,2 nghìn tỷ trong quý II/2024, quay trở lại mức trung bình/quý trước khi thị trường bất động sản gặp khó khăn trong giai đoạn nửa sau năm 2022-quý III/2023. 

Lãnh đạo các ngân hàng cũng khẳng định, ngay cả khi nền kinh tế gặp khó khăn, các ngân hàng vẫn không ngại cho vay bất động sản nếu các dự án có đầy đủ pháp lý. Bên cạnh đó, cho vay lĩnh vực này vẫn được đánh giá là nhiều tiềm năng khi thị trường bất động sản đang dần hồi phục và mặt bằng lãi suất cho vay ở mức hợp lý. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường hiện nay, ngân hàng không dễ đẩy mạnh cho vay mua nha, kể cả khi mặt bằng lãi suất cho vay mua nhà đang duy trì ở mức phù hợp. 

Nhưng theo VIS Rating, khả năng tiếp cận nguồn vốn mới cải thiện sẽ giúp các doanh nghiệp bất động sản giảm bớt khó khăn về thanh khoản do áp lực nợ đáo hạn trái phiếu lớn trong năm 2024 và 2025. Đồng thời, các chuyên gia phân tích kỳ vọng dư nợ ngân hàng cho vay kinh doanh bất động sản sẽ tăng 16-18% trong năm 2024.

Tuy nhiên, việc tuân thủ nghiêm các quy định về tín dụng, về mục đích sử dụng vốn vay và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, sẽ không chỉ là yếu tố bảo đảm tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả mà còn thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển.

Các TCTD cần đặc biệt quan tâm, khai thác và sử dụng vốn hợp lý, hiệu quả, gắn với những chuyển biến tích cực từ thị trường; về phát triển bất động sản phục vụ sản xuất kinh doanh, khu chế xuất - khu công nghiệp; du lịch dịch vụ; về tạo lập nhà ở, nhất là nhà ở xã hội, với những thay đổi từ cơ chế chính sách và giải pháp phát triển bền vững cho thị trường.

Tín dụng bất động sản tăng trên nền lãi suất thấp
Trong khi sức hấp thụ vốn của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh còn yếu, thì tín dụng bất động sản vẫn tăng trong các tháng đầu năm nay, một...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư