Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Ngân hàng Nhà nước chính thức mua lại GPBank với giá 0 đồng
Thùy Liên - 07/07/2015 12:25
 
Quyết định mua lại GPBank với giá 0 đồng được NHNN ban hành vào ngày hôm nay (7/7). Ngân hàng VietinBank được giao nhiệm vụ điều hành, quản trị ngân hàng này.

 

Đúng như dự đoán, sau khi GPBank không thể hoàn thành việc tăng vốn vào hạn chót (4/7),  Ngân hàng Nhà nước xử lý ngân hàng này bằng cách mua lại với giá 0 đồng.

Thông báo của NHNN cho biết, căn cứ quy định của Luật các TCTD và Quyết định số 48/2013/QĐ-TTg ngày 01/8/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc góp vốn, mua cổ phần bắt buộc của TCTD được kiểm soát đặc biệt và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Quyết định, số 1304//QĐ-NHNN ngày 07/7/2015 mua bắt buộc toàn bộ cổ phần của các cổ đông hiện hữu tại GPBank với giá 0 đồng/cổ phần.

“Việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trực tiếp mua lại toàn bộ cổ phần của GP.Bank nhằm giúp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hoàn toàn chủ động trong việc tiếp tục tái cơ cấu GPBank, đảm bảo mục tiêu bảo đảm sự an toàn, ổn định của hệ thống các TCTD, đồng thời góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội”, thông cáo của Ngân hàng Nhà nước viết.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trở thành chủ sở hữu (100% vốn điều lệ) của GP Bank chấm dứt toàn bộ quyền, lợi ích và tư cách cổ đông của các cổ đông hiện hữu của Ngân hàng TMCP Dầu khí toàn cầu.

Để đảm bảo ổn định công tác quản trị, điều hành, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ định Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) tham gia quản trị, điều hành GP Bank, đồng thời kiện toàn Hội đồng Quản trị, Ban Điều hành và Ban Kiểm soát của GPBank. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẳng định, toàn bộ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền tại GP Bank sẽ được đảm bảo theo quy định của pháp luật.

Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cũng cho hay, năm 2012, qua thanh tra Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã phát hiện Ngân hàng TMGP Dầu khí toàn cầu (GPBank) bộc lộ nhiều yếu kém, tiềm ẩn nhiều rủi ro, kết quả kinh doanh thua lỗ, âm vốn chủ sở hữu và quản trị, điều hành ngân hàng kém hiệu quả.

Trong hơn 3 năm qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tạo mọi điều kiện tốt nhất để GPBank tìm kiếm đối tác (bao gồm các nhà đầu tư trong và ngoài nước), xây dựng phương án tái cơ cấu khả thi để trình Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét, chấp thuận phù hợp với quy định của Pháp luật và Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015 được phê duyệt tại Quyết định số 254/QĐ-TTg ngày 01/03/2012.

Tuy nhiên, GPBank không đề xuất được phương án tái cơ cấu khả thi trong khi Ngân hàng tiếp tục bộc lộ nhiều yếu kém, kinh doanh thua lỗ. Để kiểm soát rủi ro, giảm thiểu tổn thất tài sản của Ngân hàng và bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng, bảo vệ tiền gửi của nhân dân, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã quyết định đặt GP.Bank vào tình trạng kiểm soát đặc biệt theo quy định của pháp luật, đồng thời yêu cầu GP.Bank thuê tổ chức độc lập thực hiện kiểm toán và định giá tài sản để xác định giá trị thực của vốn điều lệ.

Căn cứ kết quả kiểm toán và định giá độc lập, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã yêu cầu GPBank tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường để thông qua phương án bổ sung vốn điều lệ, đảm bảo giá trị thực của vốn điều lệ không thấp hơn mức vốn pháp định. Tuy nhiên, qua 3 lần tổ chức, Đại hội đồng cổ đông bất thường của GPBank không thành công, Ngân hàng cũng không đề xuất được các giải pháp khả thi về tăng vốn điều lệ để đảm bảo giá trị thực của vốn điều lệ không thấp hơn mức vốn pháp định theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Những đại hội cổ đông “cân não” trong tháng 7
GPBank, Nam A Bank, Eximbank, SouthernBank, Sacombank, DongABank là 6 ngân hàng tổ chức Đại hội cổ đông vô cùng nhạy cảm trong tháng 7/2015. Đây cũng là...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư