Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 12 tháng 09 năm 2024,
Ngân hàng Nhà nước chính thức nới room tín dụng cho ngân hàng có dư nợ cao
Vân Linh - 29/08/2024 07:49
 
Các ngân hàng có tốc độ tăng trưởng tín dụng đạt từ 80% chỉ tiêu Ngân hàng Nhà nước đã thông báo đầu năm 2024 sẽ được điều chỉnh tăng thêm dư nợ tín dụng dựa trên cơ sở điểm xếp hạng.

Kể từ ngày 28/8/2024, tổ chức tín dụng có tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2024 đạt từ 80% chỉ tiêu Ngân hàng Nhà nước đã thông báo đầu năm 2024 sẽ được chủ động điều chỉnh tăng thêm dư nợ tín dụng dựa trên cơ sở điểm xếp hạng của tổ chức tín dụng. Theo Ngân hàng Nhà nước, việc bổ sung hạn mức này là sự chủ động của Ngân hàng Nhà nước mà các tổ chức tín dụng không cần phải đề nghị.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo về hoạt động tiền tệ, tín dụng và các quy định về cấp tín dụng của Ngân hàng Nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh, bảo đảm an toàn hệ thống và ổn định thị trường tiền tệ. Tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, lành mạnh, hạn chế nợ xấu gia tăng và phát sinh, đảm bảo an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng; hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực là động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Tiếp tục duy trì ổn định mặt bằng lãi suất tiền gửi và tăng cường triển khai các giải pháp tiết giảm chi phí hoạt động, đơn giản hóa thủ tục cho vay, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số để giảm lãi suất cho vay. Cấp tín dụng đối với khách hàng theo đúng quy định của pháp luật, tăng cường các biện pháp kiểm soát rủi ro tín dụng, đảm bảo chất lượng tín dụng.

Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng cho các ngân hàng có dư nợ tăng.

Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục bám sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng cung ứng tín dụng cho nền kinh tế và kịp thời có giải pháp điều hành chính sách tiền tệ phù hợp.

Trước đó, từ đầu năm 2024, Ngân hàng Nhà nước giao toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng ở mức khoảng 15% đề ra tại Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 15/1/2024. Nếu tính trên cơ sở dư nợ đến cuối năm 2023 khoảng 13,56 triệu tỷ đồng thì sẽ có khoảng 2 triệu tỷ đồng đưa vào nền kinh tế.

Theo công bố của Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 26/8, tín dụng toàn hệ thống chỉ tăng 6,63% so với cuối năm 2023, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu định hướng đầu năm. Như vậy, sau khoảng 2/3 năm, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng thêm khoảng 900.000 tỷ đồng. Trong đó, tính riêng giai đoạn từ cuối quý II đến ngày 26/8, tín dụng đã tăng thêm gần 72.000 tỷ đồng.

Trước đó, theo báo cáo từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 16/8, tín dụng tăng 6,25%. Còn nếu xét thời điểm hết tháng 7, tổng dư nợ toàn nền kinh tế tăng 5,66%, thấp hơn con số ghi nhận vào cuối tháng 6 là 6,1%. Đồng thời, mức tăng trưởng tín dụng của các tổ chức tín dụng không đồng đều. Có tổ chức tín dụng tăng trưởng thấp, thậm chí tăng trưởng âm trong khi một số lại tăng sát chỉ tiêu mà Ngân hàng Nhà nước đã thông báo.

Theo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, tín dụng tăng chậm do một số nguyên nhân như nhiều lĩnh vực sản xuất và dịch vụ vốn là động lực tăng trưởng truyền thống của nền kinh tế vẫn còn gặp khó khăn nhất định. Tín dụng cho lĩnh vực bất động sản vẫn chưa hồi phục hoàn toàn. Tổng giám đốc một ngân hàng cho biết, hiện nhu cầu vay vốn tín dụng của khách hàng hiện nay tăng lên, nhưng thời điểm giải ngân rơi vào quý III và đầu quý IV cuối năm nên tăng lãi suất huy động chuẩn bị nguồn.

Tuy nhiên, các nhận định được đưa ra, với những mục tiêu, giải pháp, dự báo được đưa ra cho năm 2024 và kết quả thực hiện trong các tháng đầu năm như trên, có thể thấy rằng, để đạt được tốc độ tăng trưởng tín dụng khoảng 14-15% như mục tiêu Ngân hàng Nhà nước đặt ra, các tháng còn lại của năm 2024, hệ thống ngân hàng sẽ phải nỗ lực lớn để cung ứng cho nền kinh tế một lượng vốn tín dụng phù hợp với nhu cầu sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng nửa cuối năm, nhưng vẫn kiểm soát được các nguy cơ rủi ro tín dụng.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong nửa đầu năm lãi suất đối với các khoản vay mới và cũ tiếp tục giảm, cho dù lãi suất huy động tăng. Đến cuối tháng 6/2024, lãi suất cho vay bình quân ở mức 8,3%/năm, giảm 0,96% so cuối năm 2023. Còn lãi suất tiền gửi bình quân ở mức 3,59%/năm, giảm 1,08%/năm so cuối năm 2023.

VPBankS cũng lo ngại, tăng trưởng tín dụng 14 - 15%/năm là thách thức lớn do tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam đang ở mức quá cao. Trong 6 tháng đầu năm 2024, tăng trưởng tín dụng đạt 6,1%, tương đương 41% mục tiêu Ngân hàng Nhà nước đề ra là 15% và dự phóng của VPBankS là 14,83%. Các ngân hàng tăng trưởng tín dụng cao trong nửa đầu năm là các ngân hàng bán buôn như: LPB, TCB và các ngân hàng bán lẻ có thế mạnh ở khu vực miền nam như ACB, HDB.

Thế nhưng, VPBankS cho rằng, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14,83% năm nay có thể đạt được khi kỳ vọng vào mùa tiêu dùng, sản xuất kinh doanh vào nửa cuối năm và kỳ vọng thêm vào việc Fed hạ lãi suất, hỗ trợ cho chính sách tiền tệ “đi ngược” thế giới của Việt Nam.

Tín dụng có dấu hiệu tăng chậm lại
Nửa đầu năm, tăng trưởng tín dụng đạt 6%, nhưng chậm lại trong tháng 7/2024. Dẫu vậy, các ngân hàng vẫn kỳ vọng sức hấp thụ vốn của nền...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư