Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Ngân hàng Nhà nước kiên định và linh hoạt trong điều hành
Thùy Liên - 16/08/2016 09:29
 
Tổng phương tiện thanh toán 7 tháng qua tăng đột biến, cộng với áp lực thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% đang khiến nhiều chuyên gia lo ngại lạm phát tăng trở lại. Tuy nhiên, nếu xem xét cụ thể, đây là động thái điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, có tính toán của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trên cơ sở cung - cầu vốn của nền kinh tế và theo quy luật thị trường.

Không khó để thấy rằng, gần đây, NHNN đã có những động thái nới lỏng chính sách tiền tệ bởi tiền được bơm ra nền kinh tế nhiều hơn, lãi suất dễ thở hơn. Biểu hiện ro nhất là đến cuối tháng 7, đầu tháng 8 năm nay, tổng phương tiện thanh toán đã tăng 9,45%, huy động vốn tăng 9,94%, tín dụng tăng 8,54% so với cuối năm 2015. Như vậy, tín dụng và tổng phương tiện thanh toán 7 tháng đầu năm 2016 đã ở mức cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.

Thanh khoản dư thừa, tỷ giá ổn định, lạm phát thấp và áp lực tăng trưởng là những lý do khiến NHNN mạnh tay hơn khi bơm tiền cho nền kinh tế. Song khi lạm phát có dấu hiệu tăng trở lại thì việc nhiều chuyên gia kinh tế khuyến nghị NHNN nhanh chóng hãm phanh là lẽ đương nhiên.    

.
Nền kinh tế đang có nhiều diễn biến tích cực, NHNN sẽ kiên định mục tiêu tăng trưởng tín dụng, không nới lỏng thêm chính sách tiền tệ

Thắt chặt tiền tệ để chặn lạm phát là lý thuyết kinh điển. Vấn đề đặt ra là lý thuyết này có thực sự đúng với mọi hoàn cảnh và nếu thắt chặt tiền tệ, kinh tế Việt Nam sẽ ra sao?

Thắt chặt tiền tệ có thể giúp giảm lạm phát, nhưng chưa nên coi lạm phát là “bóng ma” đe dọa để có những quyết định vội vã bởi nhiều dự báo cho rằng, lạm phát trong năm 2016 sẽ chỉ ở mức 3-4%. Ngoài ra, việc sớm chặn dòng tín dụng sẽ đẩy lãi suất tăng lên, ngược lại với chỉ đạo hạ lãi suất của Chính phủ.

Khi lãi suất tăng cao, nền kinh tế lại rơi vào vòng luẩn quẩn, hàng hóa khan hiếm, nhập khẩu nhiều, tỷ giá tăng, lạm phát tăng… Khi lãi suất tăng cao, nguy cơ nợ xấu sẽ càng tăng mạnh, từ đó ngân hàng hạn chế tín dụng, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, dẫn tới nền kinh tế bị đình trệ. Hơn nữa, theo thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiện còn tới 30% doanh nghiệp nhỏ và vừa “không thể tiếp cận” nguồn vốn ngân hàng; 30% doanh nghiệp khác “rất khó tiếp cận” nguồn vốn này. Nếu chính sách tiền tệ thắt chặt hơn, thì doanh nghiệp sẽ bị chồng nhiều lớp khó khăn.

Một thực tế nữa là phải thừa nhận là nhu cầu về vốn đầu tư, kinh doanh trong nền kinh tế còn lớn, do đó, tiền có được bơm ra nền kinh tế nhiều hơn các năm trước cũng không có nghĩa nguốn vốn này đang dư thừa. Trong bối cảnh đó, muốn nền kinh tế phục hồi, thì việc tiếp tục bơm vốn ra một cách có kiểm soát, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên là rất cần thiết.

Điều đáng mừng là những năm gần đây, bất chấp những luồng ý kiến nóng - lạnh của dư luận, NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ một cách khá thận trọng, với ưu tiên hàng đầu là ổn định vĩ mô, bám sát mục tiêu tăng trưởng GDP và lạm phát. Tốc độ tăng trưởng tín dụng và tổng phương tiện thanh toán 7 tháng đầu năm, tuy cao hơn nhiều so với các năm trước, nhưng đang ở mức độ phù hợp với chỉ tiêu định hướng đặt ra từ đầu năm nay. Hơn nữa, lãnh đạo NHNN cũng vừa khẳng định rằng, NHNN sẽ kiên định mục tiêu tăng trưởng tín dụng, không nới lỏng thêm chính sách tiền tệ.

Trên thực tế, vốn phục vụ tăng trưởng kinh tế đến từ nhiều nguồn, không chỉ vốn ngân hàng, mà còn bao gồm vốn ngân sách nhà nước, vốn FDI, vốn tự có của doanh nghiệp trong nước, người dân… Kinh tế vĩ mô đang diễn biến tích cực, Chính phủ đang quyết tâm thực hiện những giải pháp hỗ trợ cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh nên chắc chắn, vốn FDI và các nguồn vốn khác sẽ tăng trong thời gian tới.   

Như vậy, điều đáng lo nhất hiện nay không phải là câu chuyện chính sách tiền tệ sẽ nới lỏng hơn hay bị thắt chặt thêm. Để tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng, theo khuyến cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), điểm quyết định là Việt Nam cần phải thực hiện thành công tái cơ cấu kinh tế theo chiều sâu để tăng năng suất lao động. Nếu tái cơ cấu không thành công, thì lạm phát và bất ổn sẽ có nguy cơ quay lại.

Ngân hàng Nhà nước mạnh tay bãi bỏ giấy phép con
Ngay sau khi ban hành kế hoạch hành động để cải thiện môi trường kinh doanh, cuối tuần qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành đồng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư