Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Ngân hàng Nhà nước siết việc cấp tín dụng cho các dự án giao thông
Hà Tâm - 17/07/2015 14:18
 
Thời gian qua, các ngân hàng thương mại đã đầu tư một nguồn vốn lớn tài trợ cho các dự án hạ tầng giao thông và xu hướng này đang gia tăng tại nhiều ngân hàng. Đáng nói, việc cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với lĩnh vực này tiềm ẩn một số rủi ro.
TIN LIÊN QUAN

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa ban hành Chỉ thị số 05/CT-NHNN về việc tăng cường kiểm soát rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông.

Chỉ thị nêu rõ, trong thời gian qua, các ngân hàng thương mại đã đầu tư một nguồn vốn lớn tài trợ cho các dự án hạ tầng giao thông và có xu hướng gia tăng tại nhiều ngân hàng. Nguồn vốn ngân hàng góp phần đảm bảo tiến độ, khối lượng đầu tư xây dựng các công trình giao thông, đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển hạ tầng giao thông phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội theo đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, việc cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông còn một số bất cập, chưa đánh giá đầy đủ những rủi ro có liên quan.

Tại Nghị quyết số 51/NQ-CP ngày 02/7/2015 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2015, Chính phủ đã giao NHNN: Thúc đẩy tăng trưởng tín dụng gắn với bảo đảm cơ cấu tín dụng phù hợp, trong đó tập trung tín dụng vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; giám sát chặt chẽ khi cho vay các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro (bất động sản, dự án thu hồi vốn thời gian dài…).

Do đó, để đảm bảo tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, bền vững theo đúng mục tiêu đã đề ra, giảm thiểu rủi ro trong việc cấp tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông, đặc biệt các dự án có thời gian thu hồi vốn dài, Thống đốc NHNN yêu cầu các đơn vị thuộc NHNN và các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (sau đây gọi là TCTD) tăng cường kiểm soát dòng vốn đổ vào lĩnh vực này.

Theo đó, Thống đốc yêu cầu các đơn vị trực thuộc NHNN phải tham mưu cho Thống đốc NHNN, chủ động triển khai thực hiện các giải pháp tăng cường kiểm soát rủi ro trong cho vay đối với các dự án BOT, BT giao thông theo chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị, trong đó tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm. Thứ nhất, kiểm soát chặt chẽ tình hình tăng trưởng tín dụng và chất lượng tín dụng, đặc biệt đối với các dự án BOT, BT giao thông; cung cấp thông tin và kịp thời cảnh báo cho các TCTD về những rủi ro phát sinh. Thứ hai, tăng cường quản lý, giám sát, thanh tra việc chấp hành các quy định về bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng. Giám sát thường xuyên diễn biến hoạt động ngân hàng để phát hiện các vi phạm; cảnh báo và xử lý kịp thời các sai phạm của TCTD. Giám sát chặt chẽ hoạt động của các TCTD trong cho vay các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đặc biệt là các dự án BOT, BT giao thông có thời gian thu hồi vốn kéo dài. Thứ ba, xem xét thận trọng, chặt chẽ đối với các đề nghị cấp tín dụng vượt giới hạn của các TCTD đối với các dự án BOT, BT giao thông có tổng mức đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn dài.

Đối với các TCTD, Thống đốc NHNN yêu cầu nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của Luật các TCTD khi xem xét cấp tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông; đặc biệt lưu ý các hạn chế để đảm bảo an toàn trong hoạt động của TCTD quy định tại Luật các TCTD; Hạn chế và kiểm soát chặt chẽ mức độ tập trung tín dụng, hạn mức tín dụng vào các dự án BOT, BT giao thông. Đồng thời, kiểm soát thời hạn cho vay, tương ứng với thời hạn huy động vốn, không để xảy ra rủi ro kỳ hạn và thanh khoản.

Bên cạnh đó, TCTD cần nâng cao năng lực đánh giá, thẩm định tín dụng và sàng lọc các dự án; lựa chọn các dự án BOT, BT hiệu quả, khả thi, có khả năng thu hồi vốn cao, mức độ rủi ro thấp, các dự án thực hiện tốt quy định của pháp luật về đấu thầu, đầu tư và xây dựng, không xem xét các dự án có thủ tục pháp lý không đầy đủ, không đủ điều kiện vay vốn theo quy định; Thận trọng khi xem xét, thẩm định hồ sơ vay vốn của khách hàng và quyết định cho vay trên nguyên tắc đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật và an toàn, hiệu quả. Thẩm định kỹ năng lực tài chính của chủ đầu tư, chỉ xem xét cho vay đối với các dự án lựa chọn được nhà đầu tư có năng lực tài chính thực sự, đảm bảo có đủ vốn tự có tham gia dự án theo đúng quy định của pháp luật. Tăng cường khai thác thông tin qua Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam và các đơn vị có liên quan.

TCTD thực hiện cấp tín dụng theo đúng quy định của pháp luật; đối với các dự án có tổng mức đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn kéo dài, TCTD thực hiện đồng tài trợ để chia sẻ rủi ro.Tăng cường giám sát vốn vay đảm bảo sử dụng vốn vay đúng mục đích. Thường xuyên rà soát, đánh giá và theo dõi, kiểm tra chặt chẽ khách hàng vay vốn, khoản tín dụng và tài sảm bảo đảm để có biện pháp xử lý thích hợp. Tăng cường hiệu quả quản trị rủi ro; theo dõi, kiểm tra, giám sát chặt chẽ trước, trong và sau khi cho vay.

Ngoài ra, TCTD đầu tư vốn tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; Chủ động nghiên cứu quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, vùng, địa phương để đánh giá tác động, mức độ ảnh hưởng đến nguồn thu của dự án; Kịp thời báo cáo NHNN những khó khăn, vướng mắc khi cho vay đối với các dự án BOT, BT giao thông.

Trong hai năm qua, lưu lượng vốn ngân hàng đổ vào lĩnh vực giao thông được coi là lớn chưa từng có, lên tới hàng trăm ngàn tỷ đồng. Trong đó, BIDV là ngân hàng đầu tư lớn nhất cho lĩnh vực giao thông.

Theo các chuyên gia kinh tế, các công trình giao thông cần vốn vay lớn, thời gian dài. Vì vậy, để tránh rủi ro, các ngân hàng cần đưa ra một một tỷ lệ cho vay với lĩnh vực giao thông để hạn chế rủi ro thanh khoản, bởi xây cầu đường thường đòi hỏi vốn trung và dài hạn, trong khi vốn ngân hàng chủ yếu là thời hạn ngắn.

 

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư