Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 02 tháng 05 năm 2024,
Ngân hàng sẽ hợp tác với các công ty Fintech hướng đến “thanh toán không tiền mặt”
Thu Phương - 25/06/2019 17:17
 
Theo số liệu khảo sát các ngân hàng thương mại đang hoạt động tại Việt Nam do Vietnam Report thực hiện, 100% ngân hàng được hỏi cho biết, họ dự định sẽ hợp tác với các công ty Fintech trong lĩnh vực thanh toán nhằm hướng đến mục tiêu “thanh toán không tiền mặt”.
.
100% ngân hàng được hỏi cho biết, họ dự định sẽ hợp tác với các công ty Fintech trong lĩnh vực thanh toán nhằm hướng đến mục tiêu “thanh toán không tiền mặt”.

Xu thế Fintech và định hướng chuyển đổi mô hình Ngân hàng số

Trong 2-3 năm trở lại đây, sự xâm nhập của công nghệ vào lĩnh vực tài chính (Fintech – Công nghệ tài chính) được xem như một trào lưu “hợp thời” trước bối cảnh công nghệ 4.0 phát triển toàn cầu và sự thay đổi hành vi online của khách hàng (bao gồm hoạt động mua sắm, giải trí, mạng xã hội…).

Theo thống kê của Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước), số lượng giao dịch thanh toán nội địa qua thẻ ngân hàng trong quý 1/2019 đã tăng 18,45%, số lượng giao dịch tài chính qua kênh Internet tăng khoảng 66% so với cùng kỳ năm ngoái. Hoạt động thanh toán điện tử, nhất là qua điện thoại di động cũng tăng trưởng mạnh mẽ cả về số lượng và giá trị giao dịch (tăng tương ứng 97,75% và 232,3%). 

Theo số liệu khảo sát các ngân hàng thương mại đang hoạt động tại Việt Nam do Vietnam Report thực hiện, 100% ngân hàng được hỏi cho biết, họ dự định sẽ hợp tác với các công ty Fintech trong lĩnh vực thanh toán nhằm hướng đến mục tiêu “thanh toán không tiền mặt”. Một số mô hình thành công hiện nay như Uber, Grab, Alibaba, Amazon… đang ứng dụng công nghệ có liên kết thanh toán với các ngân hàng. 

Tuy nhiên, các chuyên gia trong ngành vẫn tỏ ra e dè về Fintech, cho rằng xu thế này có thể gây nên một số tác động tiêu cực đến hoạt động của ngành ngân hàng.

Thứ nhất, xu thế Fintech là tất yếu, tốc độ phát triển rất nhanh, đòi hỏi các ngân hàng phải nhanh chóng tham gia để đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong khi trình độ công nghệ, vốn, nhân sự… đều còn rất hạn chế. Các ngân hàng thương mại lớn mặc dù có đủ vốn đầu tư, song họ cũng phải cân nhắc khi đặt trong bài toán chi phí, lợi nhuận và những ưu tiên chiến lược trong năm 2019.

Thứ hai, sự lo ngại phát sinh các vấn đề an ninh tài chính và bảo mật thông tin khách hàng. Việc thanh toán trực tuyến hay thanh toán qua di động sẽ thúc đẩy một nền kinh tế sử dụng ít tiền mặt, thuận tiện hơn, tuy nhiên vấn đề bảo mật và an ninh được người dùng quan tâm nhiều hơn, nhất là khi các vụ lừa đảo, mất tiền trong tài khoản ngân hàng… đang ngày càng gia tăng.

Thứ ba, sự phát triển của Fintech vô hình chung khiến việc quản lý lưu thông tiền tệ của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước trở nên phức tạp hơn. Tại Việt Nam dự kiến sẽ có gần 100 công ty Fintech tham gia, đòi hỏi cần có cơ chế pháp luật để quản lý hoạt động của các công ty này. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng cần có các văn bản điều chỉnh và bổ sung các nguyên tắc trong quản lý hoạt động thanh toán, chuyển tiền quốc tế, các quy định về cung ứng dịch vụ thanh toán qua trung gian… để giảm thiểu tối đa các rủi ro tài chính có thể xảy ra.

Ưu tiên ứng dụng công nghệ mới nhưng cần thận trọng để bảo vệ uy tín ngành ngân hàng

Theo kết quả khảo sát các ngân hàng thương mại đang hoạt động tại Việt Nam vào tháng 6/2019, gần 3/4 số ngân hàng được hỏi cho biết sẽ ưu tiên cho hoạt động nghiên cứu và áp dụng công nghệ mới trong hệ thống quản lý, phục vụ khách hàng; hơn 3/5 ngân hàng dự định đầu tư nâng cao hệ thống quản trị doanh nghiệp tiên tiến. Ngoài các ưu tiên có liên quan tới hoạt động kinh doanh, hơn 50% ngân hàng tỏ ra quan tâm đến việc nâng cao uy tín, hình ảnh trên truyền thông.

Xây dựng hình ảnh ngân hàng trên truyền thông trong thời đại công nghệ thông tin phát triển là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng đối với các ngân hàng.

Thực tế nghiên cứu truyền thông cho thấy, ngân hàng là lĩnh vực làm truyền thông tốt nhất, với sự hiện diện liên tục và đa dạng trên các trang báo tài chính – ngân hàng, đầu tư và các trang tin tức có nhiều độc giả nhất. Trong 12 tháng gần đây, trong số 1.440 coding unit xoay quanh 4 chủ đề (trong tổng số 24 nhóm chủ đề bao phủ thông tin, không bao gồm nhóm về Tài chính, Kinh doanh), bao gồm: Hình ảnh công chúng, Nghiên cứu phát triển, Nhân sự và Hợp tác chiến lược, thì Sự kiện (10,2%), Sự hợp tác với các công ty khác (9,4%) và Hình ảnh tích cực (6,5%) là 3 nhóm thông tin được nhắc đến nhiều nhất, cho thấy các ngân hàng thời gian qua rất chủ động hợp tác với các công ty khác (Fintech, bảo hiểm…) nhằm ra mắt các sản phẩm/ tiện ích mới phù hợp hơn với xu thế và nhu cầu của khách hàng.

Với sự hỗ trợ chính sách tích cực của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước gắn liền với chủ trương xây dựng một hệ thống ngân hàng lành mạnh, minh bạch, bao gồm cả yếu tố nội hàm là bắt đầu hình thành chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, các ngân hàng thương mại sẽ có nhiều cơ hội để trưởng thành và phát triển. Hình ảnh ngành ngân hàng cũng nhờ đó được cải thiện, uy tín và niềm tin được củng cố.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, sức ép về bảo mật thông tin, vấn đề an ninh mạng, an toàn giao dịch… luôn đeo bám ngành ngân hàng. Các ngân hàng thương mại nên cân nhắc cẩn trọng trong việc phân bổ nguồn lực cho chiến lược ưu tiên, cân nhắc tăng trưởng chậm lại nhưng kiểm soát được tình hình trước những sự cố có thể phát sinh trong quá trình hoạt động.

Fintech là nhân tố không thể thiếu trong nền kinh tế số
Ông Phạm Thành Đức, Tổng giám đốc CTCP Dịch vụ di động trực tuyến (M_Service) với thương hiệu Ví điện tử MoMo cho rằng, công nghệ tài chính...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư