Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 23 tháng 12 năm 2024,
Ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi từ đầu năm 2022
Vân Linh - 16/01/2022 14:21
 
Mặt bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm được các ngân hàng điều chỉnh dần từ đầu năm và dự báo tiếp tục tăng trong năm nay.
Lãi suất tiền gửi đang tăng dần từ đầu năm 2022.

Chi phí huy động vốn tăng

Ngày 4/1, Sacombank tăng lãi suất huy động tiết kiệm tiền đồng 0,1-0,2%/năm. Cụ thể, kỳ hạn 1 tháng lên 3,3%/năm; 3 tháng 3,59%/năm; 6 tháng 4,56%/năm; 12 tháng 5,65%/năm… Đối với tiết kiệm trực tuyến, lãi suất cao hơn 0,4 - 0,5%/năm, tùy theo kỳ hạn, như 1 tháng là 3,6%/năm, 6 tháng là 5,1%/năm, 12 tháng lên 6,2%/năm.

Mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm ngân hàng cao nhất trên thị trường hiện nay thuộc về Nam A Bank, với 7,4%/năm cho kỳ hạn 16 tháng, 24 tháng và 36 tháng đối với tiền gửi tiết kiệm trực tuyến. Lãi suất ngân hàng cao nhất kỳ hạn 12 tháng cũng thuộc Nam A Bank, với mức 7,2%/năm.

Xếp thứ hai trong bảng so sánh lãi suất ngân hàng là SCB, với 7,15%/năm cho kỳ hạn 18 tháng.

Techcombank huy động lãi suất kỳ hạn 12 tháng dưới 999 tỷ đồng có lãi trả cuối kỳ là 4,7%/năm, nhưng với tiền gửi trên 999 tỷ đồng là 7,8%/năm, kể từ ngày 1/1/2022.

Lãi suất tiền gửi đang tăng dần từ đầu năm 2022. Việc ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm cũng giúp kênh huy động này trở nên hấp dẫn hơn trong bối cảnh lãi suất đã duy trì ở mức thấp trong suốt một thời gian dài khiến tiền gửi tiết kiệm sụt giảm mạnh.

Công ty Chứng khoán SSI cho rằng, lãi suất huy động có thể tăng 0,2-0,25% trong năm 2022 tại các ngân hàng lớn và có thể tăng cao hơn tại các ngân hàng có bảng cân đối kế toán kém lành mạnh hơn.

Lãi suất đầu ra có giữ nguyên?

Theo nhận định của TS. Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế, dư địa để giảm lãi suất cho vay còn, nhưng mặt bằng lãi suất khó có thể giảm sâu trong thời gian tới.

Tại phiên họp bất thường của Quốc hội thảo luận về gói hỗ trợ phục hồi kinh tế - xã hội mới đây, bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, hệ thống phấn đấu giảm lãi suất 0,5-1% trong 2 năm tới.

Thời điểm cận Tết Nguyên đán 2022, các ngân hàng vẫn tích cực đưa vốn rẻ ra thị trường kích cầu tín dụng trong mùa cao điểm. Nam A Bank giảm lãi vay còn 5,99%/năm cho khoản vay hiện hữu, nhằm giảm áp lực tài chính cho khách hàng. ACB sẽ dành nguồn vốn vay 10.000 tỷ đồng với mức lãi suất ưu đãi từ 5%/năm nhằm đáp ứng nhu cầu vốn của khách hàng cá nhân và doanh nghiệp để phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Thế nhưng, theo nhận định của một phó tổng giám đốc ngân hàng, không loại trừ tình hình lãi suất (cả huy động và cho vay) có thể rất khác trong 2022, đặc biệt khi dịch Covid-19 dần được kiểm soát tốt từ cuối quý II/2022 như kỳ vọng và kinh tế dần hồi phục trở lại. Khi đó, để thực hiện thành công các mục tiêu về điều hành kinh tế vĩ mô trong năm 2022, rất có thể, NHNN sẽ điều chỉnh chính sách tiền tệ theo hướng thắt chặt hơn. Khi đó, lãi suất đối với tín dụng nói chung cũng như cho vay mua nhà nói riêng sẽ tăng cao hơn so với năm 2021.

Các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cũng đánh giá, mặt bằng lãi suất năm 2022 sẽ khó giảm thêm, mà nhiều khả năng sẽ tăng nhẹ trở lại (0,25-0,5%), nhất là trong nửa cuối của năm 2022.

Chủ tịch Fed: Tăng lãi suất, thắt chặt chính sách hơn để kiểm soát lạm phát
Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), ông Jerome Powell đánh giá rằng "sức khỏe" nền kinh tế Mỹ đã tốt trở lại và cần áp dụng chính sách...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư