Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Ngân hàng tăng trích lập dự phòng bao nợ xấu
Vân Linh - 17/05/2020 09:34
 
Nhiều ngân hàng đã lên kế hoạch dự phòng rủi ro nợ xấu cho nửa đầu năm, cũng như cả năm 2020. Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các ngân hàng không chia cổ tức bằng tiền mặt để trích dự phòng.
.
Nhiều ngân hàng đã lên kế hoạch dự phòng rủi ro nợ xấu cho nửa đầu năm, cũng như cả năm 2020.

Dấu hiệu nợ xấu đi lên

Nợ xấu nội bảng của Sacombank đến cuối tháng 3/2020 ở mức 6.046 tỷ đồng, tăng hơn 300 tỷ đồng so với đầu năm; tỷ lệ nợ xấu nội bảng trên tổng dư nợ cho vay tăng từ 1,94% lên 1,97%. Tại Saigonbank, nợ xấu nội bảng tăng tới 95% trong 3 tháng đầu năm 2020, lên 377 tỷ đồng, trong đó chủ yếu do nợ dưới tiêu chuẩn tăng mạnh; tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay tăng mạnh, từ 1,96% lên 2,65%.

TPBank có nợ xấu nội bảng tăng 53% trong quý đầu năm nay, lên 1.884 tỷ đồng, thay đổi chủ yếu tại nợ nghi ngờ (nhóm 4) tăng 61%, lên 771 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu nâng từ 1,28% lên 1,87%. Vietcombank cũng ghi nhận giá trị nợ xấu tăng 7%, lên 6.191 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ nợ xấu từ 0,79% lên 0,82%.

Nợ xấu của Eximbank đến hết quý I/2020 tăng 4% so với đầu năm, ghi nhận gần 2.018 tỷ đồng, chủ yếu do tăng nợ dưới tiêu chuẩn (tăng 6%) và nợ nghi ngờ (tăng 25%); tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ của ngân hàng này tăng lên 1,85% so với 1,71% hồi đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng của BacA Bank cũng tăng trong quý I/2020, từ 0,69% lên 0,79%; SeABank tăng từ 2,31% lên 2,34%; VIB tăng từ 1,96% lên 2,19%...

Trong khi đó, nợ xấu BIDV đến hết tháng 3/2020 giảm 1,5%, chủ yếu do nợ có khả năng mất vốn hạ từ 10.502 tỷ đồng xuống 9.691 tỷ đồng.

Trong bối cảnh trên, dù tín dụng nửa đầu tháng 4/2020 giảm 0,52%, nhưng Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng yêu cầu các ngân hàng thương mại tuyệt đối không nới lỏng điều kiện cho vay để tránh hệ lụy nợ xấu sau này. Ngành ngân hàng tập trung tái cơ cấu, giãn thời gian trả nợ cho khách hàng và giảm lãi suất cho vay.

Tăng dự phòng bao nợ xấu

Ông Nguyễn Cảnh Vinh, quyền Tổng giám đốc Eximbank cho hay, trong giai đoạn chung tay cùng cả nước phòng, chống Covid-19, Eximbank xác định, việc tập trung hỗ trợ, chia sẻ khó khăn cùng khách hàng song song với công tác ổn định kinh doanh để đảm bảo quyền lợi cho cán bộ, nhân viên và cổ đông là trách nhiệm tiên quyết. Theo kế hoạch điều chỉnh vừa được ngân hàng này công bố, chi phí dự phòng đã trích chủ động của Eximbank tăng 414 tỷ đồng so với kế hoạch đưa ra trước đó.

Trong năm qua, Eximbank đã nỗ lực xử lý nợ xấu và đang tiến tới tất toán các khoản nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Lượng trái phiếu VAMC nắm giữ tại Eximbank tính đến hết năm 2019 còn khoảng 3.200 tỷ đồng. Đến cuối năm 2019, Eximbank trích dự phòng được gần 2.100 tỷ đồng cho trái phiếu VAMC. Dự kiến tháng 6/2020, Eximbank sẽ hoàn tất việc tất toán toàn bộ trái phiếu VAMC. Tuy nhiên, trước diễn biến dịch bệnh thời gian qua, khả năng kế hoạch này sẽ bị ảnh hưởng.

Trong khi đó, dù tỷ lệ nợ xấu quý đầu năm giảm, song BIDV vẫn mạnh tay trích lập dự phòng rủi ro để có thể kiểm soát nợ xấu ở mức thấp nhất. Trong quý đầu năm 2020, ngân hàng này đẩy mạnh trích lập dự phòng rủi ro với con số lên tới hơn 6.000 tỷ đồng (tăng 16,5%). Lợi nhuận trước thuế sau dự phòng của BIDV còn 1.814 tỷ đồng, giảm hơn 27% so với cùng kỳ năm trước.

Song song với diễn biến nợ xấu tăng, các ngân hàng cũng nâng trích lập dự phòng cho các khoản vay. Trong đó, Vietcombank là ngân hàng tích cực nhất, tăng dự phòng rủi ro dư nợ thêm 40%, ở quanh mức 14.548 tỷ đồng đến hết quý I/2020. Tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu của Vietcombank lên tới 235%, từ mức 180% đầu năm nay.

Tương tự, Kienlongbank cũng nâng dự phòng lên 364 tỷ đồng tại thời điểm cuối quý I/2020, tăng 23% so với đầu năm nay. Dù vậy, tỷ lệ bao nợ xấu 16%, thấp hơn nhiều so với mức 87% đầu năm.

TPBank cũng nâng dự phòng lên 1.432 tỷ đồng, tăng 19%, nhưng tỷ lệ bao nợ xấu giảm từ 97% xuống 76%.

Cuối 2020, nợ xấu có thể cao hơn 3,67%
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh, nợ xấu chỉ có thể tăng chứ rất khó giảm, Ngân hàng Nhà nước đánh giá một cách thận...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư