Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 10 tháng 12 năm 2024,
Ngân hàng Trung ương Anh tăng lãi suất để ứng phó với lạm phát
Lê Quân - 17/12/2021 12:48
 
Ngân hàng Trung ương Anh sẽ tăng lãi suất trong một nỗ lực chống lại lạm phát tăng vọt, ngay cả khi biến thể Omicron của Covid-19 đang đe dọa đẩy nền kinh tế này vào đình lạm.
Bên ngoài Sở Giao dịch Hoàng gia và ngân hàng Trung ương Anh tại London. Ảnh: AFP
Bên ngoài Sở Giao dịch Hoàng gia và Ngân hàng Trung ương Anh tại London. Ảnh: AFP

Ủy ban chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) hôm 16/12 cho biết họ sẽ tăng lãi suất từ mức thấp kỷ lục 0,1% lên 0,25%. Đây là động thái đầu tiên mà ngân hàng trung ương của một nền kinh tế lớn đưa ra kể từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Anh trong tháng 11 đã tăng lên 5,1%, mức cao nhất trong hơn một thập kỷ qua, đẩy nền kinh tế này trước nguy cơ đình lạm. Đình lạm trong kinh tế học được xác định là hiện tượng nền kinh tế bị đình đốn, tăng trưởng chậm lại nhưng tỷ lệ lạm phát và thất nghiệp vẫn ở mức cao.

Theo một đánh giá về hoạt động kinh doanh tại Anh được công bố hôm 16/12, tháng 12 được coi là tháng ghi nhận hoạt động yếu nhất của nền kinh tế này kể từ tháng 2 đến nay.

Ngân hàng Trung ương Anh dự báo giá cả các mặt hàng sẽ còn tăng cao. "Các nhân viên ngân hàng kỳ vọng lạm phát sẽ duy trì ở mức 5% trong phần lớn thời kỳ mùa đông và đạt đỉnh khoảng 6% vào tháng 4/2022", Ngân hàng Trung ương Anh cho biết. Cơ quan này cho rằng chi phí năng lượng và tiền lương tăng lên là những nhân tố chính đẩy lạm phát tăng cao hơn trong năm tới.

Trước đó, các chuyên gia kinh tế và giới đầu tư đã rất kỳ vọng Ngân hàng Trung ương Anh tăng lãi suất vào tháng 11/2021 để đối phó với lạm phát tăng cao. Nhưng, những gì diễn ra trên thực tế lại khiến họ thất vọng.

Lãi suất chính thức tăng lên sẽ làm gia tăng chi phí đi vay của doanh nghiệp và hộ gia đình, nhưng lại khuyến khích người dân tiết kiệm nhiều hơn, từ đó kéo giảm nhu cầu và lạm phát. Mặt khác, tăng lãi suất có thể giúp giải tỏa một phần sức nóng của nền kinh tế Anh hiện nay.

Do lạm phát tại Anh đã tăng lên 5,1%, cao hơn 2,5 lần so với mục tiêu 2% mà Ngân hàng Trung ương Anh đề ra, thì những lo ngại về lạm phát đã làm lu mờ các lo ngại về tác động của biến thể Omicron đến nền kinh tế này.

"Mặc dù biến thể Omicron có khả năng ảnh hưởng đến các hoạt động trong ngắn hạn, nhưng tác động của nó lên áp lực lạm phát trung hạn là không rõ ràng ở giai đoạn này", Ngân hàng Trung ương Anh đánh giá.

Theo ông Holger Schmieding, chuyên gia kinh tế tại Ngân hàng đầu tư Berenberg (Đức), việc Anh tăng lãi suất có thể mất tới một năm rưỡi để tác động đến lạm phát. Đến lúc đó, mọi thiệt hại kinh tế do Omicron cũng sẽ chấm dứt.

"Việc trì hoãn tăng lãi suất trong bối cảnh tình trạng bất ổn gia tăng như hầu hết các chuyên gia dự đoán, là có thể hiểu được. Nhưng điều này thực sự không có ý nghĩa. Áp lực lạm phát đã gia tăng và dự báo sẽ còn kéo dài ở Anh, phần lớn do tình trạng thiếu lao động và thiếu hụt đầu tư trong vòng 5 năm qua kể từ cuộc trưng cầu dân ý về Brexit năm 2016", ông Holger Schmieding nhận định.

Các ngân hàng trung ương có ảnh hưởng nhất thế giới đã chống đỡ đại dịch Covid-19 bằng các gói kích thích kinh tế quy mô lớn. Nhưng cách tiếp cận của mỗi ngân hàng là khác nhau. Điển hình, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vừa phát đi tín hiệu về 3 đợt tăng lãi suất trong năm 2022, trong khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vẫn duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng.

Thay cho đánh giá rằng lạm phát là tạm thời, Chủ tịch Fed Jerome Powell hôm 15/12 đã thừa nhận rằng lạm phát thời đại dịch có nguy cơ sẽ kéo dài lâu hơn dự kiến ban đầu.

Cũng theo tuyên bố hôm 15/12, bắt đầu từ tháng 1/2022 Fed sẽ cắt giảm 20 tỷ USD khoản mua vào trái phiếu kho bạc hàng tháng và 10 tỷ USD mua vào chứng khoán bảo đảm bằng thế chấp hàng tháng. Như vậy, Fed sẽ thu hẹp quy mô gói kích thích kinh tế thời dịch còn 40 tỷ USD đối với trái phiếu kho bạc và 20 tỷ USD đối với chứng khoán bảo đảm bằng thế chấp mỗi tháng.

Lý giải cho động thái này, ông Powell cho biết Fed đã đặt mình vào trạng thái chống lạm phát. Chủ tịch Fed cũng khẳng định rằng cơ quan này không đứng ngoài cuộc chiến chống lạm phát. Fed đã điều chỉnh chính sách của mình ngay khi nhận thấy rõ khả năng giá cả sẽ tiếp tục tăng cao.

Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu hôm 16/12 vẫn giữ lãi suất ổn định và cắt giảm dự báo tăng trưởng của Khu vực đồng tiền chung euro (Eurozone) vào năm 2022. Ngân hàng Trung ương châu Âu cho biết rằng họ sẽ chấm dứt việc mua tài sản theo chương trình kích thích kinh tế đại dịch trị giá 1.850 tỷ euro (tương đương 2.100 tỷ USD) vào tháng 3/2022, nhưng sẽ tăng cường mua vào trái phiếu theo một chương trình riêng.

Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ giảm một nửa của mức trung bình 92 tỷ euro (104 tỷ USD) mà cơ quan này bơm vào nền kinh tế hàng tháng vào tháng 4/2022, theo Công ty nghiên cứu kinh tế Capital Economics. Đến nay Ngân hàng Trung ương châu Âu chưa tăng lãi suất, mặc dù họ dự báo lạm phát có thể đạt mức trung bình 3,2% trong năm 2022, cao hơn mục tiêu 2%.

Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu, bà Christine Lagarde nói với báo giới rằng: "Hoạt động kinh tế đạt mức vừa phải trong quý cuối năm nay và mức tăng trưởng chậm hơn có thể kéo dài sang đầu năm sau".

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư