Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 21 tháng 12 năm 2024,
Ngân hàng Việt với trào lưu "kén rể" ngoại
Vân Linh - 09/04/2019 16:40
 
Trào lưu tìm đối tác nước ngoài của hệ thống ngân hàng Việt đang ngày một nóng, dù không ít ngân hàng nội và đối tác chiến lược nước ngoài đã phải chia tay “cuộc tình” thời gian qua.
OCB từng chia tay đối tác ngoại BNP Paribas (Pháp) sau 10 năm gắn bó. Ảnh: Đức Thanh
OCB từng chia tay đối tác ngoại BNP Paribas (Pháp) sau 10 năm gắn bó. Ảnh: Đức Thanh

Mới đây, SeABank cho biết, cổ đông chiến lược nước ngoài là Société Générale (Pháp) đã thoái toàn bộ phần vốn sở hữu sau 10 năm. Société Générale đầu tư vào SeABank từ năm 2008 và nâng sở hữu lên mức tối đa 20%.

Không riêng SeABank, trong 2 năm gần đây, đã có 5 - 6 trường hợp tương tự. Trong số đó, có thương vụ chia tay đối tác ngoại của Ngân hàng ACB sau hơn 12 năm gắn bó. Standard Chartered Bank chốt lời với tỷ lệ cổ phần gần 10% tại ACB đầu năm 2018, thu về tổng cộng hơn 6.000 tỷ đồng.

Câu chuyện của ACB và Standard Chartered Bank bắt đầu vào giữa năm 2005. Sự kết duyên được thể hiện bằng một thỏa thuận hỗ trợ kỹ thuật toàn diện. Trong quá trình hợp tác, Standard Chartered Bank đã chuyển giao kỹ năng, đào tạo người thay thế chuyên viên biệt phái của mình tại ACB.

Trong khi đó, OCB cũng chia tay đối tác ngoại BNP Paribas (Pháp) sau 10 năm gắn bó vào đầu năm 2018. BNP thoái hết hơn 74,705 triệu cổ phiếu OCB, tương đương 18,68% vốn điều lệ OCB. Trước đó, ngoài việc trở thành cổ đông chiến lược của OCB, BNP Paribas cũng đã tham gia tài trợ tài chính và nguồn nhân lực cho ngân hàng này.

Trước đó không lâu, vào giữa năm 2017, HSBC thoái sạch 20% vốn khỏi Techcombank, sau 12 năm gắn bó.

Theo ước tính của Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC), với mức giá 30.000 đồng/cổ phiếu tại thời điểm trên, sau khi thoái toàn bộ vốn khỏi Techcombank, HSBC có thể thu về 5.170 tỷ đồng, lãi gần 700 tỷ đồng so với khoản đầu tư ban đầu.

Tuy nhiên, sau khi thoái vốn khỏi Techcombank, nhiều người cho rằng, HSBC cũng có sự tiếc nuối bởi giá cổ phiếu Techcombank tăng mạnh từ cuối năm 2017 đến trước thời điểm lên sàn (đầu năm 2018).

Hấp dẫn vốn ngoại

Trong khi không ít đối tác ngoại thoái vốn, thì trào lưu tìm đối tác ngoại của hệ thống ngân hàng Việt vẫn đang ngày một nóng. Sau khi chia đối tác ngoại, các ngân hàng trong nước đã nhanh chóng hợp tác với đối tác ngoại khác. Chẳng hạn tại Techcombank, HSBC thoái vốn khi cổ phiếu nhà băng này ở mức thấp và sau nhiều năm không nhận được đồng cổ tức nào, thì đến đầu năm 2018, Techcombank đã chốt room ngoại thu về 370 triệu USD từ nhà đầu tư chiến lược Warburg Pincus và chia cổ tức đến 200%.

Ông Huỳnh Bửu Sơn, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, dòng vốn ngoại vẫn luôn là điều cần thiết với hệ thống ngân hàng, bởi việc huy động từ các nhà đầu tư trong nước còn nhiều hạn chế. Đặc biệt, trong giai đoạn chuyển dịch lên những tiêu chuẩn quản trị cao hơn, như Basel II, vốn ngoại có thể là một động lực không thể thiếu để giải quyết bài toán “khát vốn”.

Có thể thấy, “miếng bánh” ngân hàng Việt luôn hấp dẫn nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. Ngoài những cuộc chia tay sớm giữa đối tác ngoại và ngân hàng nội, cũng không thiếu những mối quan hệ khăng khít. Commonwealth Bank of Australia (CBA) đầu tư vào VIB từ năm 2010 và đến nay vẫn đang nắm 20% vốn của nhà băng này. Giữa năm 2017, CBA thậm chí còn bán toàn bộ hoạt động chi nhánh của mình tại TP.HCM cho VIB - một động thái được đánh giá cao cho sự khăng khít hơn nữa.

Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2019 diễn ra ngày 23/3/2019, đại diện CBA cho biết, họ đã đồng hành với VIB trong thời gian 10 năm qua, với tỷ suất lợi nhuận của Ngân hàng tăng trưởng cao. Đáng chú ý, VIB đã đạt được thành tựu trong quá trình hoàn tất chuẩn Basel II, tất toán trái phiếu Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Vì thế, CBA tiếp tục đồng hành cùng VIB.

Mizuho mới đây còn mua thêm cổ phần tại Vietcombank để giữ nguyên tỷ lệ sở hữu 15% khi nhà băng đứng đầu hệ thống phát hành riêng lẻ cho đối tác khác. Còn tại

VietinBank, The Bank of Tokyo-Mitsubishi UFJ (MUFG) đã sở hữu gần 20%, mức tối đa cho phép với một cổ đông tổ chức trong một ngân hàng Việt. Tuy nhiên, đối tác này mong muốn được góp tiếp vốn vào VietinBank trong các đợt tăng vốn tới đây.

Lý giải nguyên nhân một số “cuộc tình” giữa nhà đầu tư ngoại và ngân hàng nội sớm tan vỡ, lãnh đạo một ngân hàng cho rằng, một trong những hạn chế lớn nhất của nhà đầu tư chiến lược nước ngoài là nhìn thị trường Việt Nam như một đích đầu tư ngắn hạn, chủ yếu coi đầu tư vào nhà băng Việt như một khoản đầu tư mà họ có thể cơ cấu lại danh mục bất cứ lúc nào.

Đó cũng là lý do một số ngân hàng đã chọn chiến lược bán vốn cho cổ đông ngoại theo hình thức đầu tư tài chính. HDBank bán 21% vốn cho 76 nhà đầu tư ngoại đầu năm 2018. Khoản đầu tư của Warburg Pincus vào Techcombank cũng thông qua 2 quỹ trực thuộc...

Nhà đầu tư nước ngoài tham gia tái cơ cấu ngân hàng: Có dễ sở hữu 100% nhà băng Việt?
Việc Tập đoàn J Trust (Nhật Bản) đề xuất mong muốn tham gia cơ cấu lại Ngân hàng Xây dựng (CBBank) một lần nữa xới lên câu chuyện nhà đầu tư...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư