Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 03 tháng 05 năm 2024,
Ngăn thẩm lậu hàng tạm nhập tái xuất vào nội địa
Thanh Hương - 16/08/2013 13:45
 
 Không vì một vài doanh nghiệp có hành vi gian lận thương mại, buôn lậu, thẩm lậu hàng hoá kém chất lượng vào thị trường Việt Nam thông qua hình thức tạm nhập, tái xuất mà ngăn trở hoạt động giao thương quốc tế phổ biến này.
TIN LIÊN QUAN

Không vì một vài doanh nghiệp có hành vi gian lận thương mại, buôn lậu, thẩm lậu hàng hoá kém chất lượng, mất an toàn sức khỏe cho người dân vào thị trường Việt Nam thông qua hình thức tạm nhập, tái xuất mà ngăn trở hoạt động giao thương quốc tế phổ biến này.

Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải tại Hội nghị sơ kết tình hình một năm thực hiện Chỉ thị 23/CT-TTg (7/9/2012) diễn ra ở Quảng Ninh sáng nay, 16/8.

Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng đề nghị các bộ, ngành và doanh nghiệp cần nêu những giải pháp cụ thể để giải quyết vướng mắc này.

Phải 100 container/tháng mới bảo đảm được hiệu quả

Đỗ Quang Sáng, Giám đốc Công ty Thủy sản Quảng Ninh cho hay, muốn có hiệu quả thì mỗi tháng doanh nghiệp phải làm khoảng 100 container, tuy nhiên, do số doanh nghiệp tham gia kinh doanh tạm nhập, tái xuất hiện nay quá nhiều nên đã xuất hiện cạnh tranh không lành mạnh, phá giá nhau để giành hợp đồng.

Theo ông Sáng, các loại phí mà một container nộp vào khoảng 50 triệu đồng/tháng là không nhỏ, vì vậy, cần tận dụng các lợi thế nhất định về địa lý để gia tăng nguồn thu nhập này.

Theo đánh giá của Bộ Công thương, sau 1 năm thực hiện chỉ thị 23/CT-TTg, hoạt động kinh doanh tạm nhập, tái xuất , chuyển khẩu và gửi kho ngoại qua đã được tăng cường, dần đi vào nề nếp.

Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải

Tuy nhiên, Bộ Công thương cũng cho rằng, hàng loạt khó khăn đã xuất hiện.

Trước khi có Chỉ thị 23, có 384 doanh nghiệp kinh doanh tạm nhập, tái xuất các mặt hàng đã qua sử dụng; sau khi có Chỉ thị 23, không có doanh nghiệp nào đăng ký hoạt động này.

Theo thống kê, trong năm 2012, việc tái xuất hàng hoá đã qua sử dụng chiếm 43% tổng lượng hàng hoá tái xuất qua tỉnh Quảng Ninh. Cụ thể, hàng phụ phẩm gia súc, gia cầm khoảng 11.236 container; hàng đã qua sử dụng trên 27.000 container trong tổng số 90.000 container hàng hoá các loại.

Ngoài ra, thời hạn cho hàng tạm nhập, tái xuất được lưu lại Việt Nam không quá 45 ngày và được 1 lần gia hạn (nhưng tối đa không quá 15 ngày) cũng được các doanh nghiệp cho là rất ngắn.

Bộ Công thương cũng có cùng nhận xét: "Với thời gian lưu giữ như vậy, doanh nghiệp sẽ gặp rủi ro khi chính sách của nước nhập khẩu thay đổi hoặc thắt chặt quản lý, khiến thời gian chờ đợi để xuất hàng phải kéo dài. Trong khi đó, hàng hoá không tái xuất sẽ bị tịch thu và xử lý theo quy định. Thực tế thời gian qua, một số doanh nghiệp đã từ chối ký hợp đồng thực hiện tạm nhập, tái xuất và hàng gửi kho ngoại quan tại Việt Nam do quy định về thời gian lưu giữ quá ngắn".

Dẫu vậy, một số doanh nghiệp kinh doanh tạm nhập, tái xuất tại Quảng Ninh cho hay, do nguồn lực có hạn nên có những doanh nghiệp chỉ làm dịch vụ, chứ không phải thực sự kinh doanh tạm nhập, tái xuất. Bởi vậy, các doanh nghiệp này dễ lúng túng khi chủ hàng có thay đổi.

Thừa nhận tình trạng không phải lúc nào doanh nghiệp cũng chủ động được khi làm hình thức tạm nhập, tái xuất, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Vũ Ngọc Anh cho biết, việc tái xuất phụ thuộc vào điều động của thương nhân nước ngoài, trong khi những hàng hoá tồn đọng lâu ở Việt Nam muốn yêu cầu xuất trở lại nước xuất khẩu ban đầu lại không dễ, hãng tàu không nhận vận chuyển khi đã xuống hàng.

Để giám sát các mặt hàng kinh doanh tạm nhập, tái xuất, tránh tình trạng tồn đọng hàng kém chất lượng ở Việt Nam hay thẩm lậu vào nội địa các mặt hàng mất vệ sinh an toàn thực phẩm, Tổng cục Hải quan dự định sẽ lắp thêm máy soi hàng trước khi chấp nhận cho container vào cảng.

Đấu thầu chọn doanh nghiệp được tạm nhập, tái xuất

Câu chuyện quy hoạch số lượng đầu mối, xử phạt nghiêm như rút giấy phép vĩnh viễn các doanh nghiệp tạm nhập, tái xuất hàng cấm, thẩm lậu hàng tạm nhập, tái xuất vào nội địa cũng được Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đặt ra cho các địa phương và bộ, ngành.

Đồng ý với việc nên tiếp tục triển khai hình thức kinh doanh tạm nhập, tái xuất, nhưng lãnh đạo các địa phương và bộ, ngành cũng cho rằng, phải có các giải pháp quản lý chặt chẽ để tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, hay thẩm lậu các mặt hàng kém chất lượng vào thị trường nội địa trong quá trình chuyển khẩu hàng tạm nhập, tái xuất.

Ủng hộ cách đặt vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đọc, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho rằng, cần phải tinh gọn lại số doanh nghiệp và lọc ra các doanh nghiệp đủ năng lực, uy tín và sẵn sàng rút giấy phép vĩnh viễn nếu doanh nghiệp vi phạm để làm nghiêm, vì đây là loại hình kinh doanh có điều kiện.

"Tỉnh ủng hộ việc ký quỹ cao hơn mức 5 tỷ đồng hiện nay, nhưng để doanh nghiệp không thiệt, tỉnh đồng ý bảo lãnh cho doanh nghiệp và phối hợp để doanh nghiệp gửi vào ngân hàng, hưởng lãi trong thời gian ký quỹ", ông Đọc cho biết.

Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh cũng nhấn mạnh, tỉnh sẵn sàng "chịu trách nhiệm trước Chính phủ điều hành lĩnh vực này. Đề nghị tỉnh nào làm tốt thì Chính phủ cho làm, tỉnh nào làm không tốt thì tạm dừng và kiểm điểm trách nhiễm của lãnh đạo".

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư