Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Ngành điện tử Việt Nam cần sẵn sàng đón đầu dòng vốn đầu tư thế hệ mới
Nguyễn Ngân - 05/10/2022 17:04
 
Sau biến chuyển của đại dịch Covid-19, ngành công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử Việt Nam đang đón đầu dòng vốn đầu tư thế hệ mới và dòng vốn tái định vị sản xuất.
Hàm lượng công nghệ còn thấp
Ngành điện tử thời gian qua thu hút được đầu tư lớn từ các tập đoàn đa quốc gia, đặc biệt là các tập đoàn Hàn Quốc, Nhật Bản. Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu điện thoại và linh kiện đạt 57,54 tỷ USD, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2020; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện điện tử đạt 50,83 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2020.
Cũng trong năm 2021, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19 cũng như đứt gãy chuỗi cung ứng, chỉ số sản xuất công nghiệp của ngành sản xuất điện tử máy tính và sản phẩm quang học vẫn tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước và số lượng điện thoại di động năm 2021 đạt 233 triệu chiếc, tăng 70,6%; sản lượng TV, linh kiện điện thoại cũng tăng.
Trong 9 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm trước; xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện đạt hơn 40 tỷ USD và tăng trên 13%; xuất khẩu máy ảnh, máy quay phim và linh kiện đạt khoảng 4 tỷ USD và tăng hơn 43%.

Tuy nhiên, có đến 95% kim ngạch xuất khẩu thuộc khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Ngành công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp điện tử chưa thực sự phát triển, tỷ lệ nội địa hóa rất thấp, bình quân chỉ 20 - 30%, chỉ cung cấp các sản phẩm đơn giản hàm lượng công nghệ thấp, các sản phẩm điện tử trên thị trường đa số là hàng nhập khẩu nguyên chiếc hoặc lắp ráp trong nước bằng phần lớn các linh kiện nhập khẩu.
Điểm cung ứng công nghệ tiềm năng
Tại Diễn đàn CEO “Đón nhận làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng ngành điện tử”, do tạp chí Kinh tế Sài Gòn phối hợp cùng Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA) tổ chức tại Hà Nội mới đây, ông Phạm Tuấn Anh, Phó cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công thương nhận định: “Việt Nam được đánh giá là một điểm đến an toàn và tiềm năng hấp dẫn của chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu”.
Diễn đàn
Diễn đàn

Phân tích tình hình, GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nước ngoài cho biết nhiều dự án quy mô lớn phù hợp với định hướng thu hút FDI có chất lượng và hiệu quả hơn đang được đàm phán hoặc sắp được cấp giấy chứng nhận đầu tư
Nhiều tổ chức quốc tế, nhà đầu tư nước ngoài cũng đánh giá cao tiềm năng to lớn của thị trường 100 triệu dân của Việt Nam, trong đó tầng lớp trung lưu ngày càng tăng, nhân lực dồi dào có trình độ chuyên môn cao, đang trong giai đoạn dân số vàng, có khát vọng thịnh vượng, gắn kết với các nước ASEAN trong cộng đồng kinh tế.
Đồng thời, Chính phủ Việt Nam rất coi trọng thu hút FDI trong các chiến lược phát triển, đã đề ra định hướng mới nâng cao chất lượng và hiệu quả của khu vực kinh tế FDI, từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm thực hiện các cam kết quốc tế như tăng trưởng xanh, kinh tế số, xã hội số, doanh nghiệp số và chính phủ số, từ giữa năm nay đã nghiên cứu để đề ra các giải pháp thích ứng với quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu.
Theo GS.TSKH Nguyễn Mại, để biến cơ hội và triển vọng thành hiện thực Nhà nước cần đề ra giải pháp đồng bộ và thực hiện quyết liệt để khắc phục cơ bản các điểm nghẽn mà nhà đầu tư và doanh nghiệp đã liên tục kiến nghị.
Đồng thời, cần đẩy nhanh việc hoàn thiện thể chế pháp luật, khắc phục tình trạng thiếu tính hệ thống, mâu thuẫn chồng chéo giữa các văn bản pháp luật, ban hành chính sách ưu đãi hợp lý để khuyến khích các doanh nghiệp FDI liên kết theo chuỗi với các doanh nghiệp Việt Nam, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ về tài chính, tín dụng ưu đãi để đầu tư đổi mới, nâng cao trình độ quản trị doanh nghiệp, đào tạo nhân lực tay nghề cao nhằm đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp FDI về công nghiệp hỗ trợ.
Ngoài ra, nhanh chóng giải quyết có hiệu quả tình trạng tắc nghẽn giao thông tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM,..., đẩy nhanh xây dựng các đường bộ cao tốc Bắc - Nam, kết nối với các tỉnh miền núi, giảm thiểu chi phí logistic, xây dựng đồng bộ hạ tầng thông tin, kinh tế số, chính phủ số, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hỗ trợ đổi mới sáng tạo cũng là nguồn động lực mạnh mẽ thúc đẩy sự phát triển ngành công nghiệp điện tử ở Việt Nam.
Kỳ vọng Samsung sản xuất bán dẫn ở Việt Nam, giống như đã làm với công nghiệp điện tử
Tiếp “Thái tử” Samsung, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ mong muốn, ông lớn công nghệ Hàn Quốc đầu tư lĩnh vực bán dẫn ở Việt Nam để...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư