Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 30 tháng 12 năm 2024,
Ngành hàng nông sản kỳ vọng đạt kỷ lục mới
Hoài Sương - 04/08/2024 10:26
 
Những tháng đầu năm 2024, thị trường nội địa và xuất khẩu trở nên sôi động khi giá cả nhiều loại nông sản tăng cao, thậm chí lập các kỷ lục mới. Do đó, nhiều doanh nghiệp đặt mục tiêu tăng trưởng cao hơn cho cả năm 2024.

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trong nửa đầu năm 2024, Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản, trong đó có hồ tiêu và cà phê. Nhờ đó, cà phê có thể tiến tới mục tiêu đạt 5 tỷ USD về xuất khẩu và hồ tiêu sẽ quay lại thời hoàng kim khi giá trị xuất khẩu đạt 1 tỷ USD.

Ông Nguyễn Huy Hùng, Giám đốc kinh doanh Công ty cổ phần Phúc Sinh chia sẻ: “Đây là những con số đáng mừng cho ngành nông sản Việt. Về phía Phúc Sinh, trong nửa đầu năm 2024, doanh nghiệp ghi nhận hoạt động xuất khẩu cà phê, hồ tiêu sang 2 thị trường chính là Mỹ và châu Âu tăng trưởng hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, giá cà phê và hồ tiêu ghi nhận mức tăng ngoạn mục, giúp doanh nghiệp tăng doanh thu hơn 20% so với cùng kỳ năm 2023, tạo cơ hội mở rộng trong thời gian tới”. 

Bên cạnh đó, ngành rau quả cũng kỳ vọng lập kỷ lục xuất khẩu mới trong năm nay, khi lần đầu tiên, xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt và vượt 1 tỷ USD ngay trong những tháng đầu năm. Đây chính là bước chạy đà quan trọng giúp ngành hàng này bứt tốc.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Vina T&T Group cho biết, nhờ mở rộng thị trường tiêu thụ liên tục, nên xuất khẩu trái cây của doanh nghiệp tăng trưởng khá ấn tượng trong nửa đầu năm. Trong đó, nhiều loại trái cây thâm nhập vào các thị trường mới như Trung Đông, Australia, New Zealand…

“Vina T&T đã đưa được trái sầu riêng cấp đông vào thị trường Mỹ và xuất khẩu vải thiều sang Thái Lan. Với mặt hàng sầu riêng xuất sang Trung Quốc, đơn hàng của doanh nghiệp tăng đột biến, dự kiến xuất khẩu 2.500 tấn sầu riêng tươi trong năm nay. Nhờ đó, trong nửa đầu năm, doanh thu của chúng tôi tăng trưởng đến hai con số so với cùng kỳ năm ngoái”, ông Tùng phấn khởi.

Tương tự, ông Phạm Đình Ngãi, Giám đốc Công ty TNHH Trà Vinh Farm thông tin, với các sản phẩm liên quan đến mật hoa dừa nước, trong nửa đầu năm, doanh nghiệp ghi nhận hoạt động xuất khẩu tăng khoảng 200% so với năm 2023, tập trung tại các thị trường Đức, Hà Lan, Mỹ và mở rộng thêm thị trường Australia.

“Hiện tại, Trà Vinh Farm đang làm việc với đối tác Hàn Quốc để mở rộng thị trường. Dự đoán, 6 tháng cuối năm, tình hình xuất khẩu của doanh nghiệp sẽ tăng trưởng và phát triển theo chiều hướng tốt hơn”, ông Ngãi nói.

Theo nhận định của Tổng cục Thống kê, ngành nông nghiệp có khởi đầu khá tốt khi duy trì được mức tăng trưởng ổn định, nhất là khi sản xuất nông nghiệp vừa được mùa, vừa được giá. Số liệu thống kê cho thấy, bình quân 6 tháng đầu năm 2024, chỉ số giá bán sản phẩm nông nghiệp tăng 10,29% so với bình quân cùng kỳ năm 2023, trong đó chỉ số giá sản phẩm cây hàng năm tăng 11,27%; cây lâu năm tăng 22,3%.

Tốc độ tăng GDP ngành nông, lâm, thủy sản đạt 3,38% - cao nhất trong nửa đầu năm của 5 năm gần đây; kim ngạch xuất khẩu tăng 19% so với cùng kỳ năm trước. Với kết quả này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nâng mục tiêu xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cả năm lên 57-58 tỷ USD, cao hơn 2-3 tỷ USD so với chỉ tiêu Chính phủ giao từ đầu năm.

Ông Huỳnh Công Toàn, Giám đốc Công ty TNHH Nông sản Nhà Huỳnh nhận định, hiện nhu cầu về rau quả ở các thị trường rất lớn, sản phẩm của Việt Nam nếu thâm nhập vào được, đảm bảo ổn định về chất lượng sẽ có chỗ đứng và thuận lợi để phát triển từ nay đến cuối năm.

“Tuy nhiên, bước sang quý III/2024, do ảnh hưởng về thời tiết, hạn mặn ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và tính mùa vụ của trái cây, nên nguồn nguyên liệu gặp biến động nhẹ. Vì vậy, trong kế hoạch của quý IV, doanh nghiệp đã chuẩn bị sẵn sàng về vùng trồng, sản lượng để đạt mục tiêu đề ra”, ông Toàn chia sẻ.

Dù xuất khẩu nông sản những tháng cuối năm được dự báo tăng trưởng mạnh, nhưng các doanh nghiệp trong ngành vẫn tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức như biến động nguồn nguyên liệu, cạnh tranh khốc liệt với các quốc gia có thế mạnh xuất khẩu cùng ngành hàng, giá một số nông sản bắt đầu giảm sau những ngày tăng nóng…

Ngoài ra, theo bà Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Bộ Công thương, hàng nông sản, thực phẩm xuất khẩu đối diện với nhiều thách thức từ việc tiêu chuẩn chất lượng hay các yêu cầu về xuất xứ hàng hóa nhập khẩu ngày càng cao; chủ nghĩa bảo hộ có xu hướng gia tăng; xu hướng phát triển bền vững, giảm phát thải carbon… từ các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải nhanh chóng thích ứng và tuân thủ.

“Trên thực tế, Việt Nam vẫn xuất hàng thô, hàm lượng chế biến thấp, chiếm khoảng 70 - 80% tổng kim ngạch xuất khẩu, nên giá trị và mức độ cạnh tranh không cao. Đây rõ ràng không phải là hướng đi bền vững và hiệu quả”, bà Phan Thị Thắng lưu ý.

Nhanh chóng bổ sung mã số vùng trồng cho các mặt hàng nông sản
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện cả nước đã có 6.883 mã số vùng trồng và 1.588 mã số cơ sở đóng gói nông sản...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư