Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 07 năm 2024,
Nhanh chóng bổ sung mã số vùng trồng cho các mặt hàng nông sản
Nguyễn Linh - 24/07/2024 14:06
 
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện cả nước đã có 6.883 mã số vùng trồng và 1.588 mã số cơ sở đóng gói nông sản được cấp.

Đa phần, các mã số đã được cấp tập trung vào các sản phẩm xuất khẩu như: xoài, thanh long, nhãn, lúa, sầu riêng. Trong đó, thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, New Zealand và Australia là những thị trường nhập khẩu nông sản Việt Nam có số lượng mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói nhiều nhất.

Cấp mã số vùng trồng mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho bà con nông dân. Ảnh: Nguyễn Linh

Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa các loại nông sản trên thị trường toàn cầu, việc cấp chứng nhận truy xuất nguồn gốc cho nông sản mang tầm quốc tế trở thành điều cần thiết đối với ngành trồng trọt Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng. Mã số vùng trồng được xem như tấm vé thông hành quan trọng giúp nông sản tiếp cận thị trường xuất khẩu.

Việc cấp mã số vùng trồng mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho bà con nông dân, đặc biệt là nông dân tại Thủ đô Hà Nội. Những mã số này giúp người tiêu dùng và cơ quan chức năng dễ dàng truy xuất nguồn gốc, đáp ứng yêu cầu của các nước nhập khẩu. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả tối ưu, công tác kiểm tra chất lượng cần diễn ra nhanh chóng và linh hoạt, đảm bảo các sản phẩm nông sản đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của thị trường quốc tế.

Thực hiện Chỉ thị số 1838/CT-BNN-BVTV ngày 28/3/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tăng cường công tác quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu, thời gian qua Thành phố Hà Nội đã hỗ trợ các địa phương xây dựng và quản lý mã số vùng trồng, góp phần gia tăng năng lực cạnh tranh trong xuất khẩu của nông sản Thủ đô. Điển hình như: gạo hữu cơ Đồng Phú (huyện Chương Mỹ), nhãn chín muộn Đại Thành (Quốc Oai)... 

Tính đến cuối năm 2023, riêng Hà Nội đã có 124 cơ sở được cấp mã số vùng trồng với tổng diện tích 794,4 ha. Trong đó, cây lúa có 56 cơ sở với diện tích 447,5 ha, cây rau có 27 cơ sở với diện tích 86 ha, cây ăn quả có 34 cơ sở với diện tích 231,4 ha và cây dược liệu, hoa cây cảnh có 7 cơ sở với diện tích 29,5 ha. Đây là kết quả của sự nỗ lực từ các cơ quan chức năng và bà con nông dân trong việc cải thiện và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Lực lượng chức năng cũng đã kiểm tra, giám sát 43 cơ sở được cấp mã số vùng trồng nội địa, trong đó có 38 cơ sở đảm bảo duy trì mã số vùng trồng theo quy định, còn 5 cơ sở có ghi chép nhật ký truy xuất nguồn gốc chưa đầy đủ. Điều này cho thấy sự nghiêm túc và minh bạch trong việc quản lý và duy trì chất lượng sản phẩm nông sản.

Khi các sản phẩm được chứng nhận truy xuất nguồn gốc rõ ràng, đáp ứng yêu cầu khắt khe của các thị trường nhập khẩu, giá trị của nông sản Việt sẽ được nâng cao, mở ra nhiều cơ hội mới cho bà con nông dân. Qua đó, nông sản Việt Nam sẽ ngày càng khẳng định được vị thế và giá trị của mình.

Bên cạnh những giá trị mang lại, việc cấp mã số vùng trồng vẫn còn những khó khăn, vướng mắc và cần được tháo gỡ kịp thời. Theo đánh giá của một số doanh nghiệp, một trong những vấn đề chính là công tác giám sát và quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu. Để đảm bảo chất lượng và tiêu chuẩn xuất khẩu, vùng trồng và cơ sở đóng gói phải chịu sự giám sát định kỳ từ cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương, Cục Bảo vệ thực vật, và cơ quan kiểm dịch thực vật của nước nhập khẩu. 

Ở một số địa phương, việc áp dụng các biện pháp quản lý và phòng chống sinh vật gây hại tại vùng trồng và biện pháp loại bỏ sinh vật gây hại tại cơ sở đóng gói chưa đạt hiệu quả cao, làm nhiều doanh nghiệp và nông dân gặp khó khăn trong việc được cấp mã vùng xuất khẩu.

Một ví dụ điển hình là vùng rau an toàn xã Văn Đức, huyện Gia Lâm, nơi các sản phẩm từ lâu đã được xuất khẩu sang Hàn Quốc, Đài Loan và một số nước châu Á khác. Ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Hợp tác xã Rau an toàn Văn Đức chia sẻ rằng đặc thù của sản phẩm rau, củ quả là thời gian canh tác và bảo quản không dài, do đó việc lấy mẫu kiểm tra chất lượng cần đảm bảo nhanh chóng và linh hoạt. Nếu thời gian kiểm định quá dài, rau quả dễ hỏng hoặc quá lứa, không đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu.

“Để xuất khẩu được sản phẩm, mỗi thành viên phải tuân thủ nghiêm túc quy trình sản xuất và kiểm soát chất lượng theo yêu cầu của đối tác và hướng dẫn của hợp tác xã. Không còn cảnh mạnh ai nấy làm và sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật không đúng liều lượng.”, ông Minh nói.

Theo bà Lưu Thị Hằng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội, để đẩy mạnh việc xây dựng mã số vùng trồng, các địa phương cần hướng dẫn nông dân tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình sản xuất, theo dõi và xử lý sâu bệnh. Các doanh nghiệp và hợp tác xã xuất khẩu cần tổ chức liên kết chuỗi sản xuất từ vùng trồng, cơ sở đóng gói, đến cơ sở xử lý kiểm dịch thực vật để kiểm soát toàn bộ quá trình từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

Kiểm soát chặt mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đối với nông sản
Việt Nam liên tục nhận được thông báo của nước nhập khẩu liên quan đến việc không tuân thủ các yêu cầu về kiểm dịch thực vật với...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư