Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Việt Nam có 246 mã số vùng trồng sầu riêng được Trung Quốc cấp phép
Thế Hoàng - 02/03/2023 09:40
 
Việt Nam hiện có 246 mã số vùng trồng và 97 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng đáp ứng đầy đủ yêu cầu của phía Trung Quốc.
Việt Nam có 246 mã số vùng trồng sầu riêng được Trung Quốc cấp chính ngạch.
Việt Nam có 246 mã số vùng trồng sầu riêng được Trung Quốc cấp chính ngạch.

Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, Tổng cục Hải quan Trung Quốc vừa phê duyệt 163 mã số mới vùng trồng sầu riêng cho Việt Nam và 67 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng xuất khẩu. Trong đó, 3 tỉnh Gia Lai, Lâm Đồng và Tiền Giang được cấp nhiều mã vùng trồng nhất.

Tiền Giang cũng là tỉnh được cấp nhiều mã số cơ sở đóng gói nhất, với tổng cộng 27 mã.

Như vậy, Việt Nam hiện có 246 mã số vùng trồng và 97 mã số cơ sở đóng gói đáp ứng đầy đủ yêu cầu của phía Trung Quốc.

Ngày 7/9/2022, Tổng cục Hải quan Trung Quốc lần đầu tiên phê duyệt 51 mã số vùng trồng và 25 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam được phép xuất khẩu sang thị trường này.

Trước đó, Hải quan Trung Quốc đã cử 25 cán bộ kiểm tra trực tuyến 29 cơ sở đóng gói và hơn 100 mã số vùng trồng sầu riêng, cơ sở đóng gói của Việt Nam để cấp mã số xuất khẩu sang Trung Quốc. Cục Bảo vệ thực vật cũng bố trí 22 cán bộ phối hợp với địa phương để hỗ trợ ngôn ngữ cho các cơ sở đóng gói và vùng trồng sầu riêng trong quá trình kiểm tra.

Sầu riêng là trái cây cho giá trị kinh tế cao. Cục Bảo vệ thực vật đề nghị địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp tăng cường, thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch, giúp người nông dân thu được lợi nhuận cao hơn từ loại quả đặc sản này.

Ngày 11/7/2022, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) đã ký nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc (nghị định thư). Nghị định thư kéo dài trong 3 năm.

Trung Quốc yêu cầu tất cả vùng trồng cũng như các cơ sở đóng gói sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc phải được đăng ký với Bộ NN&PTNT và GACC phê duyệt. 

Thông tin đăng ký phải bao gồm tên, địa chỉ và mã số, để khi phát hiện có sản phẩm không tuân thủ các yêu cầu của nghị định thư có thể truy xuất nguồn gốc một cách chính xác.

Khi sầu riêng tới cửa khẩu Trung Quốc, hải quan Trung Quốc sẽ kiểm tra giấy tờ, hồ sơ liên quan và hoàn tất quá trình kiểm tra kiểm dịch.  Những lô hàng sầu riêng từ các vùng trồng hoặc cơ sở đóng gói không đăng ký sẽ không được nhập khẩu vào Trung Quốc.

Là thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất thế giới, Trung Quốc mỗi năm chi khoảng trên dưới 4 tỷ USD để nhập khẩu trái sầu. Dữ liệu của Hải quan Trung Quốc cho thấy, quốc gia này nhập khẩu 821.500 tấn sầu riêng tươi vào năm 2021, tăng gấp 4 lần so với năm 2017. Năm 2022, dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid nhưng thị trường hơn 1,4 tỷ dân này vẫn nhập khoảng 800.000 tấn sầu riêng.

Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sầu riêng tươi nhiều nhất của Việt Nam nhưng chủ yếu là xuất tiểu ngạch. Với việc mở cửa thị trường, trái sầu riêng Việt Nam sẽ được xuất chính ngạch, dự kiến sớm trở thành mặt hàng xuất khẩu tỷ USD.


Kết nối, hỗ trợ thông tin cho doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, thủy sản sang Trung Quốc
Sáng ngày 2/12, tại TP. Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh đã diễn ra Hội nghị kết nối, hỗ trợ thông tin cho doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, thủy sản sang...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư