Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Ngành Kế hoạch và Đầu tư Nam Định: Tham mưu tích cực cho tỉnh trong phát triển kinh tế - xã hội
Ngay sau thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám, ngày 31/12/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 78-SL thành lập Ủy ban Nghiên cứu kế hoạch kiến thiết, nhằm xây dựng trình Chính phủ một kế hoạch kiến thiết quốc gia về kinh tế, tài chính, văn hóa, xã hội.

Trong chặng đường 70 năm hình thành và phát triển, ngành Kế hoạch và Đầu tư Nam Định đã có những bước tiến quan trọng, là công cụ chủ yếu của Nhà nước để quản lý, điều hành và phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện nhiệm vụ tham mưu cho tỉnh về các chiến lược, quy hoạch phát triển; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội dài hạn, trung hạn và hàng năm, vận dụng và tổ chức thực hiện các cơ chế chính sách chung và một số lĩnh vực cụ thể của Nhà nước vào địa phương như đầu tư trong và ngoài nước; tham mưu quản lý nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA); thành lập phát triển doanh nghiệp; quản lý các dịch vụ công… góp phần củng cố nền độc lập, phục vụ công cuộc giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, cũng như công cuộc phát triển  kinh tế - xã hội  qua các thời kỳ.

Trong công cuộc đổi mới đất nước, ngành Kế hoạch và Đầu tư Nam Định đã góp phần quan trọng trong quá trình thực hiện đổi mới, từ cơ chế quản lý bao cấp sang cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Dưới sự chỉ đạo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp của các ngành, các địa phương, ngành Kế hoạch và Đầu tư tỉnh đã vượt qua bao khó khăn, thách thức, năng động, sáng tạo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần đẩy nhanh công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đưa Nam Định từng bước trở thành trung tâm phát triển kinh tế - xã hội của khu vực Nam Đồng bằng sông Hồng.

Phát triển TP. Nam Định là chủ trương chiến lược được Đại hội Đảng bộ lần thứ XIX của tỉnh đề ra
Phát triển TP. Nam Định là chủ trương chiến lược được Đại hội Đảng bộ lần thứ XIX của tỉnh đề ra

Ngành Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu cho tỉnh quy hoạch 9 khu công nghiệp với diện tích 2.082 ha, đặt tiền đề cơ bản, mở ra một trang mới cho hoạt động đầu tư. Trong đó, 3 khu công nghiệp Hoà Xá, Mỹ Trung, Bảo Minh đã đi vào hoạt động, thu hút được 170 dự án trong và ngoài nước, vốn đăng ký trên 7.000 tỷ đồng và trên 400 triệu USD, góp phần tích cực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Giá trị sản xuất của các khu công nghiệp chiếm gần 20% và  giá trị xuất khẩu chiếm khoảng 22% toàn tỉnh. Các cụm công nghiệp được đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, thu hút 459 dự án đầu tư với tổng vốn đã thực hiện gần 3.000 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho trên 18.000 lao động.

Tỉnh ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư, tạo môi trường đầu tư hấp dẫn. Nhờ đó, những năm qua, Nam Định đã có bước tiến lớn trong thu hút đầu tư, môi trường đầu tư được cải thiện đáng kể, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) không ngừng tăng cao, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đã tin tưởng và đến với Nam Định.  Tổng vốn FDI toàn tỉnh trên 600 triệu USD, trong đó năm 2014 có 9 dự án FDI đầu tư mới và bổ sung vốn với tổng vốn 135 triệu USD, năm 2015 thu hút FDI gần 200 triệu USD. Doanh thu của các doanh nghiệp FDI năm 2015 đạt 365 triệu USD, nộp ngân sách trên 5 triệu USD, tạo việc làm cho 24.000 lao động. Thu hút đầu tư trong nước liên tục tăng qua các năm, năm 2015 có 28 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký là 3.360 tỷ đồng. Kết quả sản xuất công nghiệp tăng trưởng khá, một số sản phẩm công nghiệp đã tạo dựng được thương hiệu và uy tín trên thị trường. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 22,3%/năm.

Mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2015 - 2020 đã được Đại hội Đảng bộ lần thứ XIX của tỉnh đề ra là: “Tạo đột phá trong phát triển kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá; triển khai toàn diện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới, phấn đấu đến năm 2020 đạt tiêu chí tỉnh nông thôn mới. Tập trung xây dựng Thành phố Nam Định để hình thành rõ nét một số chức năng trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng...”. 

Tỉnh Nam Định tiếp tục nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; chú trọng cải cách hành chính, từng bước xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, năng động, hiệu lực và hiệu quả; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận và hoàn thành nhanh chóng các thủ tục về đất đai và đầu tư. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch không còn phù hợp; xây dựng mới các quy hoạch còn thiếu. Tập trung đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm, tạo động lực phát triển như: Khu công nghiệp Rạng Đông (giai đoạn 1) quy mô 600 ha, Nhà máy Nhiệt điện Nam Định (tại huyện Hải Hậu) công suất 2.400 MW, cầu Thịnh Long, tuyến đường trục phát triển kết nối Vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; tuyến đường bộ ven biển… Kêu gọi đầu tư xây dựng hoàn thiện hạ tầng Khu công nghiệp Mỹ Trung, xây dựng mới hạ tầng Khu công nghiệp Mỹ Thuận và các khu, cụm công nghiệp khác theo quy hoạch để tạo quỹ đất cho các nhà đầu tư thứ cấp.

Đẩy mạnh công tác xúc tiến, thu hút đầu tư, trong đó có đầu tư về nông thôn; ưu tiên thu hút các doanh nghiệp công nghệ cao, vốn lớn, tạo nguồn thu cho ngân sách... Đa dạng hoá và nâng cao chất lượng các loại hình dịch vụ, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng khách sạn, siêu thị, trung tâm thương mại, khu giải trí… phục vụ yêu cầu phát triển của tỉnh.

Với phương châm “Môi trường đổi mới, hướng tới nhà đầu tư”, tỉnh Nam Định cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, góp phần thực hiện thành công mục tiêu nhiệm vụ mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra, đưa Nam Định bước vào thời kỳ phát triển mới, kinh tế tăng trưởng cao và bền vững, đời sống nhân dân ngày một nâng lên.

Ngành Kế hoạch và đầu tư Ninh Thuận với dấu ấn sau chặng đường 40 năm
Từ một tỉnh nghèo, Ninh Thuận đang vươn lên mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội trong những năm gần đây. Với lợi thế vị trí địa lý và...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư