Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Ngành kế hoạch và đầu tư: Quyết liệt vượt khó khăn, chủ động định tương lai
Hà Nguyễn - 29/07/2020 08:56
 
Một cách chủ động và quyết liệt, toàn ngành kế hoạch và đầu tư đã họp bàn với các địa phương để tìm cách tiếp tục vượt qua khó khăn, thách thức của năm 2020.

Đồng thời xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cho năm 2021, cũng như cho cả giai đoạn 2021 - 2025.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng yêu cầu toàn ngành, cũng như các địa phương phải quyết liệt vào cuộc, đeo bám từng công trình, Dự án. Ảnh: Đức Thanh
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng yêu cầu toàn ngành, cũng như các địa phương phải quyết liệt vào cuộc, đeo bám từng công trình, dự án. Ảnh: Đức Thanh

Vừa trở về từ chuyến công tác tới hai tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã cấp tốc tổ chức hội nghị trực tuyến giữa ngành kế hoạch và đầu tư với lãnh đạo các địa phương, để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy vốn đầu tư toàn xã hội, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

“Đây là thời điểm quan trọng, khi chúng ta phải đồng thời thực hiện rất nhiều nhiệm vụ, không được chậm trễ. Phải làm sao để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đạt mức cao nhất có thể các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, cũng như của Kế hoạch 5 năm 2016 - 2020, tạo đà cho năm 2021 và các năm tiếp theo”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Tình hình đã khó khăn, nay càng khó khăn hơn, khi Covid-19 đang quay trở lại và bùng phát ở Đà Nẵng. Chính vì vậy, vị Tư lệnh ngành kế hoạch và đầu tư đã nhấn mạnh, toàn ngành phải tập trung cao độ để nghiên cứu, tham mưu những chính sách đủ mạnh để giải tỏa điểm nghẽn, thu hút đầu tư, khai phóng nguồn lực, vừa tháo gỡ khó khăn cho giai đoạn trước mắt, để nhanh chóng hồi phục kinh tế, nhưng đồng thời cũng chủ động chuẩn bị kế sách cho giai đoạn phát triển hậu Covid-19, khi kinh tế thế giới được cấu trúc lại.

Khó khăn nối tiếp khó khăn

Đang căng mình chống Covid-19 vừa quay trở lại, nên lãnh đạo tỉnh và Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Đà Nẵng đã xin phép không tham gia Hội nghị giao ban trực tuyến ngành kế hoạch và đầu tư năm 2020, được tổ chức ngày hôm qua (28/7). Dù không có bất cứ tiếng nói nào của thành phố này tại Hội nghị, nhưng tất cả đều hiểu rằng, tình hình đang khó khăn như thế nào.

Trong 6 tháng đầu năm, chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, kinh tế Đà Nẵng - vốn phụ thuộc khá lớn vào dịch vụ, du lịch, đã tăng trưởng âm 3,61%. Nay, khi các hoạt động kinh doanh, đặc biệt là phát triển du lịch chỉ vừa hồi phục trở lại, thì Covid-19 lại bất ngờ bùng phát một lần nữa. Đà Nẵng lần thứ hai phải thực hiện lệnh giãn cách xã hội. Điều đó cũng có nghĩa, kinh tế - xã hội Đà Nẵng sẽ tiếp tục gặp khó.

Đà Nẵng dù không lên tiếng, nhưng Thừa Thiên Huế - địa phương lân cận lại rất sốt ruột. Ông Phan Thiên Định, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế khi phát biểu tại Hội nghị giao ban ngành kế hoạch và đầu tư đã nói rằng, ông rất lo lắng khi Thừa Thiên Huế nằm ở gần “tâm dịch” Đà Nẵng.

Dễ hiểu vì sao ông Định nói điều đó, bởi Thừa Thiên Huế là một địa phương phát triển cũng dựa nhiều vào ngành dịch vụ, du lịch.

Chưa thể trông vào sự hồi phục của ngành dịch vụ, du lịch, giống như nhiều địa phương trong cả nước, Thừa Thiên Huế đang nỗ lực thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Nhưng lũy kế đến nay, giải ngân tất cả các nguồn vốn mới đạt 35,7%, trong đó giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi mới đạt 12,7%.

Trong khi đó, tỉnh Đồng Nai dù đạt tốc độ tăng trưởng GRDP 5,8% trong 6 tháng đầu năm - mức tăng trưởng cao nếu so với tốc độ tăng trưởng 1,81% của cả nước, nhưng lại chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công.

Cụ thể, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, giải ngân vốn đầu tư công của Đồng Nai đến hết ngày 15/7/2020 đạt 22,9% kế hoạch đối với ngân sách tỉnh; 11,2% đối với ngân sách huyện. Khá hơn, giải ngân vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ các chương trình mục tiêu quốc gia đạt 48,42% kế hoạch.

Tuy nhiên, nhiệm vụ giải ngân đối với Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành thì Đồng Nai lại thực hiện rất chậm. Theo Nghị quyết của Quốc hội, việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư đối với dự án này phải được tiến hành một lần và hoàn thành trước năm 2021. UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã cam kết giải ngân toàn bộ số vốn được giao trong năm 2020. Tuy nhiên, đến nay, mới có 1.827,4 tỷ đồng được giải ngân, đạt 10,04%.

Sốt ruột với tình trạng chậm trễ này, cách đây ít ngày, đích thân Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tới Đồng Nai để “đốc thúc” giải ngân. Tỉnh này cũng đã cam kết thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt để giải ngân vốn kế hoạch năm 2020, nhưng tình hình rõ ràng là không dễ.

Nếu giải ngân vốn đầu tư công không đạt kế hoạch và tiếp tục chậm trễ như nửa đầu năm, kinh tế - xã hội sẽ còn gặp nhiều khó khăn. Trong 6 tháng đầu năm, đã có 12 địa phương tăng trưởng âm.

Quyết liệt gỡ vướng mắc

Một thông tin tích cực, được Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao, là dù tình hình còn có nhiều khó khăn, nhưng các địa phương đã thể hiện rất rõ sự quyết liệt của mình và cam kết giải ngân hết vốn đầu tư công trong năm nay, đồng thời tiếp tục tháo gỡ vướng mắc cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Trong đó, đáng chú ý, TP.HCM, đầu tàu kinh tế của cả nước, đã cam kết tới ngày 15/10, giải ngân 80% vốn kế hoạch, cả năm giải ngân 95%. “Thành phố đã thực hiện nhiều biện pháp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, giao cơ quan chủ quản, chủ đầu tư phân loại dự án, nắm vững tiến trình từng dự án để có giải pháp cụ thể thích hợp đối với từng giai đoạn thực hiện của từng dự án. Hằng tháng, kiểm tra tiến độ thực địa các dự án, nghe báo cáo và tháo gỡ khó khăn ngay tại công trường”, bà Lê Thị Huỳnh Mai, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM nói.

Nhưng như thế dường như vẫn chưa đủ. Điều mà Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng yêu cầu toàn ngành, cũng như các địa phương, đó là phải quyết liệt vào cuộc, đeo bám từng công trình, từng dự án, từng nguồn vốn, kịp thời điều chuyển vốn từ dự án trì trệ sang dự án giải ngân nhanh, chủ động tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư toàn xã hội…

“Không chỉ là giải ngân vốn đầu tư công, chúng ta cần quan tâm đến cả các công trình, dự án của nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư tư nhân trong nước. Vốn đầu tư công chỉ chiếm 1/3 vốn đầu tư toàn xã hội. Thúc đẩy đầu tư các nguồn vốn ngoài nhà nước cũng chính là phương cách hữu hiệu để phục hồi kinh tế”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Nhiệm vụ cũng đã được người đứng đầu ngành kế hoạch và đầu tư giao các cán bộ của ngành là tiếp tục bám sát tình hình, dựa trên diễn biến của Covid-19, để có những tham mưu chính sách trúng, đúng và kịp thời.

“Nếu chọn được con đường đi đúng, thì chúng ta sẽ đi nhanh nhất, hiệu quả nhất. Phải lưu ý, khi xây dựng quy hoạch phải quan tâm đến tầm nhìn xa, quan tâm đến liên kết vùng để

làm sao tận dụng tốt nhất cơ hội của mình, khai thác hết được tiềm năng, lợi thế cho sự phát triển bứt phá, mạnh mẽ trong tương lai”.

Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Trên thực tế, theo thông tin của ông Đỗ Thành Trung, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), ngay khi bước vào thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 2020, trước bối cảnh Covid-19 xuất hiện, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động theo dõi, cập nhật sát tình hình, kịp thời phân tích đặc điểm, tính chất của dịch bệnh và ảnh hưởng của nó, dự báo xu hướng tác động của dịch bệnh; đánh giá ảnh hưởng và tác động của Covid-19 tới phát triển kinh tế - xã hội, tới các ngành, lĩnh vực và tăng trưởng kinh tế.

Trên cơ sở đó, Bộ đã chủ động phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương, địa phương tham mưu trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhiều giải pháp hiệu quả, kịp thời trong công tác chỉ đạo, điều hành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020. Đồng thời, tham mưu Chính phủ có các giải pháp quyết liệt để phòng chống, kiểm soát dịch bệnh, hạn chế tối đa tác động đến nền kinh tế, chủ động có ngay các giải pháp để hỗ trợ, duy trì hoạt động của một số ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng. Nhiều nghị quyết liên quan đến vấn đề này đã được Chính phủ ban hành.

Cùng với tinh thần chủ động và quyết liệt như thế, ngay sau các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhanh chóng thành lập các đoàn công tác để tới từng dự án, vào từng doanh nghiệp, xuống từng địa phương để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân, vừa chống suy giảm kinh tế, vừa để chuẩn bị cho giai đoạn phát triển trong tương lai.

Chỉ trong tháng 7/2020, Đoàn công tác của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tới Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Thanh Hóa, Nghệ An để nắm tình hình, thúc đẩy giải ngân, tháo gỡ khó khăn. Dự kiến trong tháng 8, sẽ tiếp tục có các đoàn công tác như vậy tới các dự án, các địa phương. Một tinh thần quyết liệt vì sự hồi phục của nền kinh tế hậu Covid-19.

Chủ động định tương lai

Không chỉ để giải quyết các khó khăn, vướng mắc trước mắt, một điều quan trọng luôn được Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, hiện là thời điểm quan trọng, là “thời cơ ngàn năm có một” để Việt Nam nói chung, các địa phương nói riêng, chủ động hoạch định tương lai cho mình.

Để hoạch định tương lai cho đất nước, ngay khi Covid-19 còn diễn biến phức tạp, Bộ cũng đã chủ động nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Ban Cán sự Đảng Chính phủ trình Bộ Chính trị Đề án Chủ trương khắc phục tác động của đại dịch Covid-19 để phục hồi và phát triển kinh tế đất nước.

Những giải pháp được nghiên cứu, đề xuất trong Đề án trình Bộ Chính trị là những giải pháp vừa mang tính cấp bách vừa mang tính căn cơ để hạn chế tối đa ảnh hưởng dịch bệnh vừa kịp thời tận dụng các cơ hội từ đại dịch Covid-19 nhằm thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi và cơ cấu lại nền kinh tế phù hợp với xu thế mới, tình hình mới và cơ hội mới trong năm 2020 và những năm tiếp theo.

Trong khi đó, với các địa phương, trong các chuyến công tác tới địa phương và tại Hội nghị giao ban ngành Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đều nhấn mạnh việc các địa phương phải tập trung xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn tới, với tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược. Trong đó, nhiệm vụ xây dựng quy hoạch là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất, bởi không có quy hoạch thì không thể xây dựng được con đường phát triển của giai đoạn tới.

Để chủ động tương lai, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nhấn mạnh việc phải tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tập trung thu hút đầu tư để tận dụng cơ hội từ làn sóng đầu tư đang dịch chuyển…

Và tất nhiên, ở vào thời điểm hiện tại, phải chủ động xây dựng các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, và 5 năm tới, có tính đến các yếu tố về dịch bệnh, về cạnh tranh thương mại và đầu tư phức tạp trên toàn cầu.

“Tình hình là khó khăn, nhưng cũng sẽ tạo cơ hội cho những ai chủ động chọn con đường đi cho mình”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã nói như vậy và giao nhiệm vụ cho toàn ngành phải nỗ lực, quyết liệt cùng địa phương tháo gỡ khó khăn vướng mắc; năng động, sáng tạo trong tham mưu chính sách, sao cho đúng, trúng và kịp thời; tiếp tục cải cách và đổi mới, thực sự trở thành một bộ của sự “kiến tạo và phát triển”, tất cả là vì sự phát triển chung của đất nước.

Ngành Kế hoạch và Đầu tư giữ vững ngọn lửa đổi mới, thi đua sáng tạo, thực chất
Sáng 29/3, tại trụ sở 6B Hoàng Diệu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức Hội nghị Đại biểu cán bộ, công chức, viên chức và Tổng kết công...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư