Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Ngành mía đường Việt Nam có nguy cơ tụt hậu
Hồng Phúc - 25/08/2017 09:15
 
Thiếu luật, thiếu lộ trình phát triển... khiến ngành mía đường Việt Nam đang thua kém nhiều mặt so với các nước trên thế giới, đặc biệt là nước láng giềng Thái Lan.
Ngành mía đường Việt Nam có nguy cơ tụt hậu xa so với Thái Lan và Philippines. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất của  Thành Thành Công
Ngành mía đường Việt Nam có nguy cơ tụt hậu xa so với Thái Lan và Philippines. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất của Thành Thành Công

Nguy cơ tụt hậu càng xa

Thái Lan có khoảng 1,5 triệu ha diện tích trồng mía, gấp 5 lần Việt Nam, nhưng đạt sản lượng đường gấp 8 lần. Ngành mía đường nước này đạt giá trị khoảng 6,355 tỷ USD mỗi năm, đóng góp 1,6% GDP, với khoảng 600.000 lao động trực tiếp. Còn Philippines có 450.000 ha mía, mỗi vụ sản xuất được 2,5 triệu tấn đường. Giá trị của ngành mía đường Philippines đạt hơn 2 tỷ USD, đóng góp 0,7% GDP, với 700.000 lao động trực tiếp.

Trong khi đó, tại Việt Nam, với 300.000 ha trồng mía, sản xuất khoảng 1,5 triệu tấn đường/vụ, mía đường là loại hàng hóa nhạy cảm, đóng góp khoảng 0,5% GDP, với giá trị khoảng 975 triệu USD, có sự tham gia của khoảng 1 triệu lao động trực tiếp.

Tại Hội nghị Mía đường quốc tế do Công ty cổ phần Mía đường Thành Thành Công tổ chức mới đây, ông Phạm Hồng Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty đặt câu hỏi trước khoảng 500 khách tham dự đến từ 16 quốc gia, trong đó có Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam rằng, tại sao Việt Nam chưa hỗ trợ ngành mía đường như Thái Lan, Philippines...?.

Theo ông Dương, Thái Lan, Philippines… có nhiều hình thức hỗ trợ ngành mía đường gồm hỗ trợ công khai như đưa ra mức giá cố định, phân chia thị phần/hạn ngạch, trợ cấp xuất khẩu... và hỗ trợ không chính thức như thu nhập, trợ cấp đầu vào... Trong khi đó, dù ngành mía đường được hình thành từ đầu thế kỷ XX, nhưng đến nay, Việt Nam chưa có Luật Mía đường như tại Thái Lan (luật này có từ năm 1984, giúp ngành mía đường Thái Lan hiện đạt mức tăng trưởng 334% so với trước khi có luật)...

“Ngành mía đường Việt Nam đạt mức tăng trưởng 134% từ năm 1997 đến nay, nhưng có nguy cơ tụt hậu càng xa so với Thái Lan và Philippines”, ông Phạm Hồng Dương khẳng định. Theo ông, ngành mía đường Việt Nam đang thiếu một kế hoạch bài bản cho phát triển lâu dài.

Cơ chế phân phối lợi nhuận tại Thái Lan rất minh bạch, nhà máy có 30% và nông dân 70%, với giá mua tối thiểu tại Thái Lan niên vụ 2016 - 2017 là 1,050 baht/tấn (30 USD/tấn). Chính phủ nước này cũng bảo trợ chặt chẽ thị trường nội địa với giá bán sỉ là 14.300 đồng/kg, giá bán lẻ là 16.800 đồng/kg (VAT). Trong khi tại Việt Nam, các mức giá thay đổi tùy theo thị trường.

Cơ hội rộng mở

Ông Prasert Tapaneyangkul, cố vấn Tập đoàn Cristalla (Thái Lan) cho biết, từ năm 2011-2016, châu Á là thị trường tiêu thụ 54,44% sản lượng đường của Thái Lan, với 3,9 triệu tấn. Ông dự đoán, châu Á sẽ cần nhiều đường hơn khi là châu lục lớn nhất thế giới cả về diện tích, dân số và có nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất. “Đường của Thái Lan không đủ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ ở châu Á. Và cơ hội cho những nước như Việt Nam sẽ rất rộng mở”, ông Prasert Tapaneyangkul nói.

Hiện tại, thuế xuất nhập khẩu đường giữa các nước trong khu vực ASEAN là 5% và sau năm 2018 sẽ về mức 0%. Đây được xem là thách thức lớn cho ngành mía đường Việt Nam, vì nếu giá đường nội địa không giảm, thì sẽ rất khó cạnh tranh với đường nhập từ Thái Lan.

Bên cạnh đó, Philiippines và Thái Lan có hơn 18 và 31 hiệp hội người trồng mía, 3 hiệp hội nhà máy đường với nhiệm vụ thực thi và giám sát Luật Mía đường. Trong khi đó, Việt Nam chỉ có một hiệp hội mía đường với vai trò phối hợp đánh giá.

Trong bối cảnh hiện nay, đa số các diễn giả tại Hội nghị Mía đường quốc tế lần này đều đồng tình với việc cần thiết phải ban hành một kế hoạch phát triển bài bản cho ngành mía đường Việt Nam. Là người đứng đầu một đơn vị đang chi phối hơn 30% thị phần ngành đường trong nước, ông Phạm Hồng Dương cho rằng, hiệp hội duy nhất trong ngành mía đường Việt Nam cần xây dựng chiến lược phát triển đến năm 2025, tầm nhìn 2030; liên minh, liên kết với hiệp hội mía đường các nước và đẩy mạnh đa dạng hóa thành phần.

Ông Dương còn nhắc đến việc tăng cường M&A để tập hợp thành doanh nghiệp đủ mạnh nhằm nhanh chóng bắt kịp thị trường. “Cây mía không phải là cây xóa đói giảm nghèo, nhưng nếu có kế hoạch phát triển bài bản, nó sẽ là cây làm giàu”, ông Dương khẳng định.

Lasuco đầu tư 142 tỷ đồng phát triển vùng mía nguyên liệu
Đại diện Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn (Lasuco) cho biết, niên vụ 2016-2017 doanh nghiệp này đã đầu tư 142 tỷ đồng để phát triển vùng mía...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư