Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 04 tháng 01 năm 2025,
Hội nghị công tác tài chính-ngân sách nhà nước 2024:
Ngành tài chính sẽ tạo điều kiện huy động mọi nguồn lực cho phát triển
Tùng Linh - 31/12/2024 21:27
 
Người đứng đầu ngành Tài chính khẳng định sẽ điều hành chính sách tài khóa linh hoạt, tạo điều kiện tập trung thu hút, huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nhà nước cho phát triển kinh tế - xã hội.

“Một năm bội thu”

Chiều 31/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị tổng kết đánh giá công tác điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025. Hội nghị được kết nối trực tuyến tới các điểm cầu tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Hội nghị đã nghe báo cáo kết quả công tác điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính-ngân sách nhà nước năm 2024 và phương hướng triển khai nhiệm vụ năm 2025 trên các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tài chính. Đại diện các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương tham gia phát biểu, thảo luận xung quanh các kết quả đạt được, đề xuất, kiến nghị với Bộ Tài chính trong năm 2025.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính chúc mừng ngành tài chính có một năm bội thu khi hoàn thành tốt các mặt công tác năm 2024, nhất là hoàn thành xuất sắc công tác thu chi, tăng thu, tiết kiệm chi. Một điểm nhấn trong năm qua là ngành tài chính đã tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, đặc biệt là trình Quốc hội một luật sửa 9 luật, trình Chính phủ ban hành 23 nghị định và ban hành theo thẩm quyền 86 thông tư hướng dẫn.

Cùng đó, kết quả thu ngân sách đạt trên 2 triệu tỷ đồng, vượt kế hoạch khoảng 19-20%, tăng thu ít nhất 300 nghìn tỷ đồng. Thủ tướng  đánh giá cao việc ngành tài chính tiết kiệm chi 10% chi thường xuyên ngay đầu năm và tiếp tục tiết kiệm 5%, qua đó dành được dành nguồn lực để xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi toàn quốc. Chính sách tài khóa chủ động, mở rộng hợp lý, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm để ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng. Các chỉ tiêu về nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia, bội chi trong giới hạn cho phép.

Thủ tướng cũng đánh giá cao việc Bộ Tài chính đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin để hiện đại hóa ngành tài chính, xây dựng hải quan thông minh… tiếp tục có thêm năm thứ 10 liên tiếp nằm trong top đầu 3 bộ, cơ quan dẫn đầu chỉ số cải cách hành chính.

Bên cạnh các kết quả đạt được, Thủ tướng cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong năm qua. Trong đó, việc phối hợp với các bộ, ngành, địa phương cần nhanh hơn, chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn, thể hiện chính kiến và trách nhiệm của bộ cao hơn. Giải ngân vốn đầu tư công, vốn đầu tư của các chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm, chưa có nhiều chuyển biến, cần mổ xẻ tìm nguyên nhân. Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh điểm nghẽn lớn nhất vẫn là thể chế khi nhiều thủ tục còn rườm rà. Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần mạnh dạn cắt giảm hơn nữa các thủ tục hành chính, phân cấp phân quyền mạnh hơn, địa phương quyết, địa phương làm, tự chịu trách nhiệm.

Ngoài ra, một số tồn tại khác cũng được chỉ ra như việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương tài chính có nơi, có lúc còn chưa nghiêm; quy định về tài sản công vẫn còn những điểm nghẽn cần làm ngay, rà soát và sửa Nghị định để phát huy tối đa các nguồn lực. Đối với việc cơ cấu lại, đổi mới khu vực doanh nghiệp nhà nước, quản lý và sử dụng hiệu quả tài sản công và tài chính công khu vực nhà nước trên 4 triệu tỷ đồng tại doanh nghiệp, Thủ tướng đánh giá đây là bài toán khó. Do đó, cần khẩn trương sửa Luật 69 để "cởi trói" cho doanh nghiệp, tăng cường trách nhiệm hội đồng thành viên.

Cơ bản đồng tình với các nhiệm vụ, giải pháp mà ngành tài chính đã đề ra, Thủ tướng nhấn mạnh thêm một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó, khái quát, Thủ tướng chỉ đạo ngành tài chính năm 2025 phải nắm chắc tình hình, phản ứng chính sách kịp thời, linh hoạt, hiệu quả để huy động mọi nguồn lực phát triển, thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng, phấn đấu đạt tăng trưởng ít nhất 8%, đồng thời ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn. Bộ Tài chính tích cực tăng thu tiết kiệm chi, đầu tư có trọng tâm trọng điểm, tập trung cho dự án lớn, có khả năng xoay chuyển tình hình và chuyển đổi trạng thái nhất là dự án cao tốc, đường sắt tốc độ cao, đường sắt kết nối quốc tế, dự án năng lượng xanh sạch…

Cùng đó, cần kiểm soát nợ công, đảm bảo thu đủ chi, đảm bảo an ninh quốc phòng, an ninh tiền tệ quốc gia. Thứ ba, cần đoàn kết trong nội bộ trong việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số; đoàn kết thống nhất trong sắp xếp bộ máy, nhường nhịn, hi sinh, nỗ lực và tạo sự đồng thuận thống nhất trong nội bộ. Đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, đặc biệt thúc đẩy khoa học đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số ngành tài chính; giữ tư tưởng thông trong việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy.

Ngành tài chính sẽ tạo điều kiện tập trung thu hút, huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nhà nước 

.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm 2024 và triển khai kế hoạch năm 2025 của ngành Tài chính. Ảnh: Hữu Thọ/ MOF

Tại Hội nghị, người đứng đầu ngành tài chính cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ hơn nữa bộ ngành địa phương và cơ quan liên quan để quán triệt cụ thể hoá ý kiến chỉ đạo bằng giải pháp cụ thể, quyết tâm hoàn thành mục tiêu Chính phủ giao.  Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết năm 2025 được ngành Tài chính xác định đây là giai đoạn quan trọng với nhiều cơ hội và thách thức. 

Nhận thức vai trò của ngành trong kỷ nguyên mới, Bộ tài chính sẽ bám sát tình hình thực tế, phương châm hành động của Chính phủ để thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, ngành Tài chính sẽ tập trung công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về tài chính, ngân sách nhà nước; đẩy mạnh cải cách hành chính, phân cấp, phân quyền ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Đặc biệt tập trung hoàn thiện và trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9 các dự án luật quan trọng như Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi, dự án án Luật quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp và một số luật khác sau hợp nhất, sáp nhập…

Thứ hai, Bộ Tài chính phấn đấu thu ngân sách đạt mức cao nhất, đồng thời đẩy mạnh chống thất thu thuế, chuyển giá, trốn nợ thuế; quản lý có hiệu quả các khoản thu mới phát từ các giao dịch thương mại; quyết liệt xử lý, đôn đốc thu hồi nợ thuế... và tiết kiệm 10% chi thường xuyên, cắt giảm các nhiệm vụ chi chưa cần thiết, tăng chi đầu tư phát triển, đảm bảo quốc phòng, an ninh, chi khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh và các nhiệm vụ đột xuất. 

Cùng đó, ngành Tài chính sẽ điều hành chính sách tài khóa linh hoạt, tạo điều kiện tập trung thu hút, huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nhà nước cho phát triển kinh tế xã hội. Ngân sách nhà nước đóng vai trò là "vốn mồi" dẫn dắt, thu hút các nguồn vốn khác nhằm đảm bảo nguồn lực cho đầu tư phát triển mạnh mẽ, đột phá, bền vững kinh tế xã hội.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh sẽ tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, nâng cao hiệu quả quản lý, phân bổ, sử dụng ngân sách nhà nước tài sản công gắn với các mục tiêu về tái cơ cấu nền kinh tế  phát triển bền vững; tăng cường quản lý giá cả. Phát triển đồng bộ, mạnh mẽ các thị trường tài chính, bảo hiểm, nâng hạng thị trường chứng khoán trong năm 2025. 

Người đứng đầu ngành Tài chính cũng cho biết, công tác sắp xếp, tinh giản bộ máy theo kết luận của Ban Chỉ đạo Trung ương và Ban Chỉ đạo của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ sẽ thực hiện có hiệu quả, sớm đưa bộ máy mới đi vào hoạt động, đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Sau hợp nhất, số lượng đầu mối giảm trên 31,4%; cơ bản không duy trì mô hình Tổng cục. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức của ngành tài chính đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

“Ngành Tài chính sẽ tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, cùng nhau chung sức, đồng lòng, nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức, quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tài chính ngân sách nhà nước", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cũng nhấn mạnh quyết tâm trước các nhiệm vụ được giao ngày càng lớn và nặng nề của ngành. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 80
Sáng 26/12, Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an đã tổ chức Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 80. Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và phát biểu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư