Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 25 tháng 11 năm 2024,
Ngập ngừng trước khi đưa ra quyết định đầu tư lớn
Nguyên Đức - 15/04/2023 08:12
 
Mặc dù tiếp tục có những đánh giá tích cực về môi trường đầu tư của Việt Nam, song các nhà đầu tư nước ngoài dường như vẫn e dè trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay.
Dòng vốn đầu tư vào Việt Nam chưa đạt như kỳ vọng. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty NMS Nhật Bản. Ảnh: Đức Thanh

Môi trường đầu tư ghi điểm

Có khá nhiều “điểm cộng” đã được ghi đối với môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam trong năm qua. Báo cáo Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 mà Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố đã cho thấy điều này.

“Các doanh nghiệp nước ngoài tiếp tục có đánh giá tích cực về chất lượng môi trường kinh doanh của Việt Nam, với gánh nặng thực thi quy định đã giảm đáng kể so với những năm trước đó”,  ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế VCCI nói.

Nhiều chỉ số được đề cập trong Báo cáo có thể chứng minh điều này. Chẳng hạn, tỷ lệ doanh nghiệp phải dành hơn 5% thời gian của cấp quản lý để thực hiện các thủ tục hành chính giảm mạnh từ con số 60,6% năm 2021, xuống còn 49,3% trong năm 2022. Cùng với đó, chỉ có 17,4% doanh nghiệp FDI được hỏi cho biết, phải trả chi phí không chính thức cho cán bộ thanh, kiểm tra, giảm đáng kể so với mức 25,4% của năm 2021.

Nhóm nghiên cứu PCI 2022 cũng chỉ ra rằng, thời gian cần thiết để thông quan hàng hóa nhập khẩu đã trở lại mức bình thường trong năm 2022. Một điều không kém phần quan trọng, đó là chỉ có 5,3% số doanh nghiệp FDI phản ánh bị thanh, kiểm tra quá mức (từ 4 cuộc trở lên).

“Điều này thể hiện xu hướng giảm dần số cuộc thanh, kiểm tra kể từ năm 2016, khi tỷ lệ doanh nghiệp bị thanh, kiểm tra quá mức, lên đến 33,5%”, Báo cáo PCI 2022 chỉ rõ.

Môi trường kinh doanh được cải thiện, những khó khăn do Covid-19 đã dần qua đi. Đó là lý do vì sao, hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp FDI tiếp tục được cải thiện.

Theo Báo cáo PCI 2022, các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam đã có sự phục hồi vững chắc hơn sau đại dịch. Tỷ lệ doanh nghiệp FDI báo lãi tăng từ 38,7% (năm 2021), lên 42,8% trong năm 2022; tỷ lệ doanh nghiệp báo lỗ giảm từ mức cao kỷ lục 47,9% (năm 2021), xuống còn 44,9% năm kế tiếp; tỷ lệ doanh nghiệp FDI mở rộng quy mô lao động tăng rõ rệt, từ 50,6% trong năm 2021, lên gần 55,8% trong năm 2022.

“Nhưng các doanh nghiệp FDI vẫn thận trọng khi mở rộng quy mô đầu tư”, ông Đậu Anh Tuấn nói và lý giải, những bất ổn kinh tế toàn cầu khiến doanh nghiệp FDI tại Việt Nam tỏ ra e dè khi mở rộng đầu tư.

Số liệu khảo sát được nhóm nghiên cứu PCI 2022 thực hiện cho thấy, chỉ 33% doanh nghiệp FDI có dự định gia tăng quy mô trong năm tới, thấp hơn đáng kể so với mức 47,7% của năm 2021. Cùng với đó, tỷ lệ doanh nghiệp FDI đã mở rộng quy mô đầu tư trong năm 2022 chỉ là 6,2%, thấp hơn so với mức 8,4% và 7,8% của năm 2020 và 2021.

Các nhận định này trong Báo cáo PCI 2022 cũng tương đồng với số liệu thống kê về tình hình thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam. Năm 2022, Việt Nam thu hút được gần 27,72 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, giảm 11% so với cùng kỳ năm trước. Quý I/2023, thu hút gần 5,45 tỷ USD, giảm 38,8% so với cùng kỳ năm 2022. Kể cả đã tính thương vụ 1,5 tỷ USD mà Sumitomo Mitsui Banking Corporation (Nhật Bản) chi ra để mua cổ phần của VPBank, thì mức giảm vẫn là 19,3%.

Bất ổn kinh tế toàn cầu khiến doanh nghiệp FDI tại Việt Nam e dè khi mở rộng đầu tư, thể hiện qua tỷ lệ 33% doanh nghiệp FDI có dự định gia tăng quy mô trong năm tới, thấp hơn so với mức 47,7% của năm 2021.

Dòng vốn vẫn “ngập ngừng”

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhiều lần lý giải nguyên nhân khiến đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sụt giảm. Theo đó, Covid-19 gây ảnh hưởng nặng nề tới kinh tế, dòng đầu tư toàn cầu chưa kịp phục hồi, thì giờ đây khó khăn kép lại ập đến.

Xung đột địa chính trị, mối lo suy thoái kinh tế thế giới đã khiến các điều kiện tài chính thắt chặt hơn, dòng đầu tư toàn cầu tiếp tục gặp khó. Lại thêm chuyện các ngân hàng ở Mỹ phá sản, ngân hàng ở châu Âu khủng hoảng, nên việc huy động vốn của các công ty công nghệ, start-up toàn cầu khó khăn và bị đánh giá rủi ro hơn...

Nhưng không chỉ là khó khăn chung, có những vấn đề nằm ở nội tại nền kinh tế và môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam.

Báo cáo Chính phủ mới đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nhấn mạnh đến sự cẩn trọng của các nhà đầu tư nước ngoài khi quyết định đầu tư các dự án quy mô lớn, do lo ngại vấn đề thuế tối thiểu toàn cầu và phản ứng chính sách của Việt Nam.

Đã là giữa tháng 4/2023, thời gian không còn nhiều cho tới thời điểm 1/1/2024, khi một số quốc gia, trong đó có các đối tác đầu tư lớn của Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, EU…, sẽ thực thi thuế tối thiểu toàn cầu, song tới thời điểm này, các đối sách cụ thể vẫn chưa được đưa ra.

Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã yêu cầu Bộ Tài chính hoàn thiện báo cáo về vấn đề này, trong đó phải tập trung nêu bật được 5 vấn đề cốt lõi, gồm: quá trình hình thành và nội hàm thuế suất tối thiểu toàn cầu; khẳng định rõ việc Việt Nam cần hay không cần, nên hay không nên tham gia; làm rõ hơn chính sách thuế của Việt Nam trong thời gian vừa qua; phân tích, đánh giá thật đầy đủ, toàn diện tác động của thuế suất tối thiểu toàn cầu đối với Việt Nam, trong đó tập trung đánh giá tác động đến ngân sách nhà nước, nhà đầu tư, thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam; giải pháp ứng phó của Việt Nam trước tác động của thuế suất tối thiểu toàn cầu, nhất là giải pháp đối với những đối tượng bị tác động cần cụ thể rõ ràng, phân tích kỹ tác động.

Trong khi vấn đề thuế tối thiểu toàn cầu cần được đánh giá một cách kỹ lưỡng và có chiến lược ứng phó dài hơi, thì còn nhiều vấn đề liên quan đến môi trường đầu tư, kinh doanh cần tiếp tục được cải thiện.

“Các doanh nghiệp nước ngoài tiếp tục lên tiếng về việc gặp khó khăn trong tuyển dụng và giữ chân người lao động. Cần tiếp tục giảm chi phí không chính thức, bởi hiện vẫn có tới 38,5% và 19,2% doanh nghiệp được hỏi phải trả chi phí không chính thức phát sinh trong thủ tục hải quan và đất đai”, ông Đậu Anh Tuấn nói.

Chưa kể, các vấn đề về thực hiện thủ tục thuế và phòng cháy chữa cháy cũng khiến không ít doanh nghiệp nước ngoài gặp khó. Foxconn gần đây cũng đã nhắc tới những khó khăn này, dẫn tới dự án mở rộng đầu tư của họ ở Bắc Giang chưa thể sớm được triển khai.

Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cũng vừa công bố kết quả khảo sát Chỉ số BCI quý I/2023. Mặc dù vẫn khẳng định, Việt Nam là một trong 3 trọng điểm đầu tư, song các nhà đầu tư châu Âu cũng chỉ ra họ đã chật vật thế nào với các quy định thiếu minh bạch, các thủ tục hành chính chưa hiệu quả, những khó khăn khi xin thị thực, xin giấy phép lao động.

“Cần cải thiện sự ổn định chính trị, khung pháp lý, chế độ thuế và thuế quan để gia tăng sức hấp dẫn của Việt Nam với tư cách là một điểm đến đầu tư năng động”, EuroCham nhấn mạnh.

Lo thu hút FDI sụt giảm
Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam sụt giảm lại một lần nữa trở thành vấn đề “nóng” được đề cập trong các phiên...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư