Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 10 tháng 09 năm 2024,
“Ngắt cầu dao” theo phố Wall, chứng khoán Hàn Quốc mất 7%
Lê Quân (CNBC) - 19/03/2020 14:34
 
Chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương trượt đà tăng điểm trong phiên chiều nay 19/3 do tác động kinh tế của đại dịch Covid-19 tiếp tục đè nặng tâm lý nhà đầu tư.
Sàn giao dịch chứng khoán Hàn Quốc phải “ngắt cầu dao” trong 20 phút trong phiên giao dịch 19/3 sau khi chỉ số Kospi giảm tới 8%. Ảnh: AFP
Sở Giao dịch chứng khoán Hàn Quốc phải “ngắt cầu dao” 20 phút trong phiên giao dịch 19/3 sau khi chỉ số Kospi giảm tới 8%. Ảnh: AFP

Các chỉ số lớn trên thị trường chứng khoán khu vực đều rơi vào vùng tiêu cực, trong đó chứng khoán Hàn Quốc dẫn đầu làn sóng giảm điểm khi chỉ số Kospi sụt giảm tới 6,86%, còn chỉ số Kosdaq mất 7,5%. Sở Giao dịch chứng khoán Hàn Quốc trước đó phải “ngắt cầu dao”, ngừng giao dịch trong 20 phút sau khi Kospi giảm 8%.

Tại Philippines - thị trường đã tạm đóng cửa đầu tuần này, chỉ số PSE Composite chiều nay “bay hơi” tới 12,42% sau khi vừa hồi phục trong phiên trước đó. Cũng tại khu vực Đông Nam Á, chỉ số Jakarta Composite trượt 5,35%. Trước đó, Sở Giao dịch chứng khoán Indonesia cũng phải ngừng giao dịch do chỉ số Jakarta Composite giảm 5%.

Sắc đỏ cũng bao phủ chứng khoán Australia với chỉ số S&P/ASX 200 mất 3,53% dù trước đó tăng 2%. Thông tin thị trường lao động Australia được cho là nguyên nhân nhấn chìm chứng khoán nước này. Số liệu thị trường lao động được Cục Thống kê Australia công bố hôm nay 19/3 cho thấy tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 2 lên mức 5,1%.

Sóng giảm điểm cũng lan tới chứng khoán Trung Quốc đại lục chiều nay dù tình hình dịch Covid-19 tại nước này đã lắng dịu. Chỉ số Shanghai Composite mất hơn 2%, còn Shenzhen Composite giảm 1,461%. Trên thị trường Hong Kong, chỉ số Hang Seng giảm sâu hơn 4,25% trong phiên chiều nay.

Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản trượt 1,42%, còn chỉ số Topix ngược sóng và nhích 0,95%. Nhìn chung, chỉ số MSCI khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ngoại trừ Nhật Bản) trượt sâu 5,37%.

Sean Taylor, giám đốc đầu tư khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại tập đoàn quản lý tài sản DWS đánh giá, tình hình dịch bệnh hiện nay đang gây áp lực lên thị trường vốn, đặc biệt là thanh khoản.

Những diễn biến về đại dịch Covid-19 trên toàn cầu cần được theo dõi sát sao. Theo số liệu mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), số ca nhiễm Covid-19 trên toàn cầu đã tăng lên 207.860 người. Đại dịch đã cướp đi sinh mạng của 8.657 người. Các nhà đầu tư nên thận trọng và duy trì thanh khoản, chuyên gia Taylor khuyến cáo.

Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA) hôm nay công bố gói cứu trợ toàn diện, trong đó sẽ cắt giảm tỷ lệ tiền mặt còn 0,25% để hỗ trợ nền kinh tế trước tác động của đại dịch.

“Đến lúc nào đó, dịch Covid-19 sẽ được ngăn chặn và nền kinh tế Australia sẽ phục hồi. Tạm thời, ưu tiên hàng đầu của Ngân hàng Dự trữ Australia là hỗ trợ việc làm, thu nhập của người dân và doanh nghiệp để khi dịch bệnh lắng xuống, kinh tế Australia có thể phục hồi mạnh mẽ”, Thống đốc Ngân hàng Dự trữ Australia Philip Lowe cho biết.

Trong khi đó, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vừa yêu cầu Cơ quan khẩn cấp của mình để thành lập các quỹ đầu tư hỗ trợ thị trường tiền tệ. Theo đó, Quỹ hỗ trợ thanh khoản đầu tư thị trường tiền tệ mới thành lập sẽ cung cấp các khoản vay để các tổ chức tài chính mua tài sản từ các quỹ đầu tư hỗ trợ thị trường tiền tệ quy mô lớn.

Chứng khoán phố Wall đêm qua ghi nhận phiên thứ 2 “ngắt cầu dao” trong tuần giao dịch, với chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones “bay” 1.338,46 điểm và đóng cửa còn 19.898,92. Đây là lần đầu tiên chỉ số Dow Jones đóng cửa dưới mức 20.000 kể từ tháng 2/2017. Trong khi đó, S&P 500 mất 5,2% còn 2.398,10 điểm, giảm gần 30% so với mốc đỉnh thiết lập tháng trước. Chỉ số Nasdaq Composite giảm tới 4,7% để chốt phiên với 6.989,84 điểm.

Trên thị trường tiền tệ, chỉ số đô la Mỹ so với các đồng tiền mạnh khác tăng từ mốc 100 thiết lập hôm qua lên 101,356. Đồng yên Nhật Bản trượt giá từ mức 106 JPY/USD thiết lập hồi đầu tuần về 109,14 JPY/USD. Đô la Australia tiếp tục mất giá còn 1 AUD đổi 0,5579 USD.

Giá dầu trên thị trường châu Á chiều nay đã hồi nhẹ sau phiên lao đáy hôm 18/3. Giá dầu thô Brent giao kỳ hạn quốc tế tăng 2,69% lên 25,55 USD/thùng còn dầu thô WTI của Mỹ lên giá 8,49% và giao dịch 22,10 USD/thùng.

Chứng khoán châu Á chông chênh, S&P/ASX 200 phục hồi mạnh
Sau phiên giao dịch "đỏ lửa" hôm qua và nhiều phiên lao dốc trước đó, một số chỉ số lớn trên thị trường chứng khoán châu Á đã ghi nhận sắc...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư