Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Ngày vận hành trở lại Nhà máy Ethanol Dung Quất, Quảng Ngãi vẫn rất xa
Thế Hải - 25/09/2017 14:22
 
Kế hoạch khởi động lại Nhà máy Ethanol Quãng Ngãi của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) vẫn chưa mấy khả quan khi vấn đề lớn nhất là vốn chưa lo được, cùng với đó là nỗi lo mất vốn của cổ đông.
Theo PVN, khó khăn về thu xếp chi phí để khắc phục, sửa chữa hệ thống xử lý nước thải để có thể vận hành 100% công suất thiết kế nên Nhà máy chỉ có thể hoạt động ở mức 60% công suất thiết kế.
Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi vẫn đang gặp khó khăn cho việc vận hành trở lại.

Cùng với nhiệm vụ xử lý dứt điểm một số dự án đầu tư nhưng kéo dài, thua lỗ như đóng tàu Dung Quất, 3 dự án nhiên liệu sinh học, xơ sợi Đình Vũ, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) từng khẳng định sẽ khởi động lại hai Nhà máy Ethanol Bình Phước và Quảng Ngãi.

Khẳng định này đã được đưa ra vào ngày 19/7/2017, khi Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng dẫn đầu Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ làm việc tại PVN.

Nhưng tại thời điểm này, Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi vẫn chưa có dấu hiệu gì sáng hơn cho việc sẽ vận hành trở lại.

Thông tin mới nhất từ Bộ Công thương về hiện trạng Nhà máy, hiện Nhà máy Ethanol Quảng Ngãi vẫn chưa vận hành sản xuất lại được do hàng ‘núi” khó khăn chất chồng.

Đó là khó khăn về thu xếp chi phí để khắc phục, sửa chữa hệ thống xử lý nước thải để có thể vận hành 100% công suất thiết kế nên Nhà máy chỉ có thể hoạt động ở mức 60% công suất thiết kế.

Thêm nữa, do giá xăng dầu hiện nay đang ở mức thấp nên các cổ đông BSR, PVOil lo ngại có thể rủi ro mất vốn do sản xuất kinh doanh thua lỗ.

Trước đó, ngày 29 tháng 6 năm 2017, Đoàn công tác của Bộ Công Thương do Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với đại diện PVN, BSR, PVOil, BSR-BF và một số đơn vị liên quan xem xét tình hình thực tế tại Nhà máy và đã có Công văn chỉ đạo PVN khẩn trương xem xét, xây dựng phương án tái khởi Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Dung Quất và Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước để có thể cung cấp sản phẩm ethanol (E100) ra thị trường từ ngày 01 tháng 01 năm 2018.

Đến nay đã có 4 nhà đầu tư đăng ký tham gia và 1 nhà đầu tư đã nộp Hồ sơ đề xuất hợp tác kinh doanh.

Theo kế hoạch, thời hạn các nhà đầu tư nộp hồ sơ đề xuất là đến 02 tháng 10 năm 2017, sau đó BSR-BF sẽ tổ chức đánh giá lựa chọn nhà đầu tư trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Có 2 đối tác mong muốn tham gia hợp tác vận hành lại Nhà máy là Công ty Tùng Lâm và Công ty TNHH Điện hơi công nghiệp Tín Thành (Công ty Tín Thành). PVN đang chỉ đạo các cổ đông (BSR, PVOil) và BSR-BF lập đầu bài mời nhà đầu tư tham gia hợp tác sản xuất kinh doanh.

Việc khởi động lại 2 dự án ethanol hiện đang đắp chiếu là một thử thách lớn với PVN.

Nhà máy nhiên liệu sinh học Ethanol Quảng Ngãi được khởi công xây dựng tháng 9/2009 với vốn đầu tư 1.887 tỷ đồng trên diện tích 24,6 ha tại huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, nhưng đội vốn lên 2.100 tỷ đồng.

 Đây là nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học có quy mô đầu tư lớn nhất miền Trung hiện nay, chủ yếu sản xuất cồn Ethanol 99,8% từ sắn lát, công suất 100 triệu lít một năm.

Sau 18 tháng thi công, ngày 3/2/2012 nhà máy chính thức cho ra mắt dòng ethanol đầu tiên.

Tuy nhiên, từ tháng 5/2015, nhà máy phải ngừng sản xuất vì sản phẩm không bán được ra thị trường do giá thị trường thấp hơn so với giá bán của nhà máy khoảng 2.000 đồng/lít.

Thanh tra Chính phủ cũng đã có kết luận về hàng loạt sai phạm tại dự án này.

Cụ thể, khi chưa thành lập Công ty CP NLSH dầu khí miền Trung (BSR-BF), chủ đầu tư nhà máy, PVN đã giao cho Tổng công ty CP Dịch vụ tổng hợp dầu khí (Petrosetco) chủ trì xây dựng báo cáo, nghiên cứu tìm điềm đặt nhà máy.

Petrosetco khi lựa chọn điểm xây dựng đã không khảo sát việc đền bù giải phóng mặt bằng, gây lãng phí tiền tỉ do phải chuyển vị trí nhà máy sang nơi khác.

Việc triển khai dự án còn làm trái Luật Đấu thầu khi chỉ định nhà thầu là Tổng công ty Dịch vụ kỹ thuật và Xây lắp dầu khí thực hiện mà không tổ chức đấu thầu theo luật (dự án này có trên 30% vốn nhà nước).

Đây cũng là nhà thầu chưa có kinh nghiệm, dẫn đến dự án bị chậm 24 tháng, phát sinh 345 tỷ đồng.

Trong khi đó, quan điểm của Chính phủ, Nhà nước sẽ không dùng tiền ngân sách để xử lý các dự án thua lỗ.

PVN sẽ khởi động lại hai Nhà máy Ethanol Bình Phước và Dung Quất
Cùng với nhiệm vụ xử lý dứt điểm một số dự án đầu tư nhưng kéo dài, thua lỗ như đóng tàu Dung Quất, 3 dự án nhiên liệu sinh học, xơ sợi...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư