Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Nghệ An thành lập đoàn liên ngành kiểm tra toàn diện việc xả lũ của các nhà máy thủy điện
Việt Hương - 12/10/2018 14:10
 
Ngày 12/10, Văn phòng UBND tỉnh Nghệ An cho biết, đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh đã chính thức bắt đầu kiểm tra toàn diện việc xả lũ của các nhà máy thủy điện trên địa bàn.

Theo đó, Đoàn công tác do ông Nguyễn Sỹ Hưng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục trưởng Chi cục thủy lợi làm trưởng đoàn. Phó giám đốc, chuyên viên các sở Tài chính, Công thương, Kế hoạch đầu tư, Tài nguyên môi trường, Công an tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, Giám đốc các nhà máy thủy điện làm chuyên viên.  

Đoàn kiểm tra sẽ trực tiếp đánh giá mức độ thiệt hại do các nhà máy thủy điện xả lũ đối với vùng hạ du, làm rõ nguyên nhân và tồn tại trong quá trình vận hành, điều tiết lũ, công tác đền bù thiệt hại do việc xả lũ gây ra… 

Thủy điện Bản Vẽ xả lũ có mức ở kỷ lục 4.260 m3/s
Thủy điện Bản Vẽ xả lũ có mức ở kỷ lục 4.260 m3/s

Các thủy điện được kiểm tra lần này gồm: Bản Vẽ, Khe Bố, Nậm Nơn, Chi Khê, Nậm Mô, Bản Ang, Châu Thắng và Hủa Na.

Trước đó, theo báo cáo từ các huyện miền núi Tương Dương, Con Cuông… trong những ngày sau cơn bão số 4 (trung tuần tháng 9) một trong những nhà máy thủy điện lớn nhất Bắc miền Trung – Thủy điện Bản Vẽ tích nước với cao trình 199,91m, cao hơn mực nước được quy định là 7,4m. Có thời điểm thủy điện Bản Vẽ xả 4.263m³/giây và thủy điện Bản Ang 720m³/giây. Trong lúc đó, thủy điện Khe Bố xả chậm với lưu lượng ít hơn tổng lưu lượng nước xả về đã gây ngập trên cao trình tại các xã: Xá Lượng, Thạch Giám, Tam Thái và thị trấn Hòa Bình (huyện Tương Dương).

Theo Văn phòng UBND tỉnh, Đoàn kiểm tra liên ngành sẽ tiến hành kiểm tra trong thời gian 20 ngày và báo cáo kết quả về UBND tỉnh trước ngày 30/10. Bên cạnh đó, Đoàn kiểm tra xem xét kỹ lưỡng quy trình xả lũ của các nhà máy thủy điện, kiến nghị đề xuất cấp có thẩm quyền một số vấn đề về thủy điện. Nhất là việc điều tiết lũ trên các dòng sông, nhằm ảnh hưởng tối đa của thủy điện tới môi trường và cuộc sống của người dân.

Trước thông tin về công tác cảnh báo lũ qua trạm quan trắc của thủy điện Bản Vẽ rất hạn chế, không đủ thời gian để xử lý khi có lũ từ thượng nguồn về. Còn với thủy điện Khe Bố, không có trạm quan trắc ở thượng lưu và hạ lưu. Và đặc biệt, trong thời gian qua, do ảnh hưởng từ cơn bão số 3 và số 4, tỉnh Nghệ An bị thiệt hại nặng nề, đặc biệt là các huyện miền núi dọc quốc lộ 7A. Giao thông bị tê liệt, trường học, cơ sở hạ tầng bị hư hỏng nặng, hàng chục ngôi nhà bị đổ sập, cuốn trôi, hàng trăm hộ dân phải di dời khỏi vùng nguy hiểm. Hậu quả của việc điều tiết xả lũ với lưu lượng lớn đã gây hậu quả nặng nề cho vùng hạ du, UBND tỉnh Nghệ An đã phải xin ứng cứu hàng trăm tỷ đồng để khắc phục hậu quả.

Nghệ An: Lũ cuốn mố cầu Chôm Lôm, hàng trăm hộ dân bị cô lập
Ngày 1/9, nước thượng nguồn đổ về cuồn cuộn làm sập mố cầu dẫn lên cầu treo Chôm Lôm, bắc qua sông Lam thuộc địa bàn xã Lạng Khê, huyện Con...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư