Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Ngộ độc methanol nguy hiểm ra sao?
D.Ngân - 15/03/2023 19:05
 
Thông tin từ Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, từ cuối tháng 2/2023, bệnh viện tiếp nhận các bệnh nhân bị nhiễm độc methanol đến từ Bắc Ninh.

Các trường hợp này đều là công nhân của Công ty TNHH HSTECH Vina - Đây là doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện tử, trong đó có một loại linh kiện bằng kim loại được sản xuất từ công đoạn cắt bằng dao.

Thông tin từ Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, từ cuối tháng 2/2023, bệnh viện tiếp nhận các bệnh nhân bị nhiễm độc methanol đến từ Bắc Ninh.

Trong công đoạn này, máy có phun cồn ethanol để làm mát dao cắt. Đồng thời, một số linh kiện sau đó không sạch sẽ được các công nhân chấm lau sạch bằng cồn ethanol. Khoảng một tuần cuối tháng 2/2023, doanh nghiệp này chuyển sử dụng sang lô cồn ethanol mới.

Vào những ngày cuối của tháng 2/2023, các công nhân bắt đầu thấy mệt, đau đầu nên xin về nghỉ. Nặng nhất trong số đó là chị N.T.H. (42 tuổi, nữ, ở Thuận Thành, Bắc Ninh).

Bệnh nhân bắt đầu bị bệnh từ ngày 27/2 với triệu chứng mờ mắt, đau đầu, buồn nôn, sau đó lơ mơ dần. Bệnh nhân được đưa đến Bệnh viện Thuận Thành, sau đó được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai.

Ngày 28/2, chị H. nhập Trung tâm Chống độc trong tình trạng hôn mê, tụt huyết áp, nhiễm toan chuyển hóa nặng, nồng độ methanol trong máu là 123,16mg/dL, não tổn thương nặng hai bên.

Dù đã được điều trị các bác sĩ khẩn trương cấp cứu, hồi sức, giải độc, lọc máu, tuy nhiên não tổn thương nặng không hồi phục nên gia đình đã xin về và chị H. đã qua đời.

Bệnh nhân nặng thứ hai là T.V.N., 17 tuổi (nam), dân tộc Dao, quê Cao Bằng, vào viện ngày 24/2. Bốn ngày trước khi vào viện, bệnh nhân thấy khó thở, mệt, mờ mắt, lơ mơ, hôn mê, ngừng thở. Bệnh nhân được đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh cấp cứu.

Sau đó, bệnh nhân được chuyển tới Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng hôn mê, tụt huyết áp, nhiễm toan chuyển hóa nặng, tổn thương não nặng hai bên, nồng độ methanol trong máu là 125 mg/dL, không có ethanol.

Bệnh nhân đã được cấp cứu điều trị hồi sức giải độc lọc máu, hiện tri giác có cải thiện nhưng não vẫn tổn thương và phù não nhiều, tổn thương mắt.

Cùng phân xưởng với chị H. có bệnh nhân P. A.T., 18 tuổi, nam giới, dân tộc Mông, ở Phù Yên, Sơn La. Hai ngày trước khi vào viện, bệnh nhân thấy mờ mắt.

Khi được chuyển tới Trung tâm Chống độc, bệnh nhân T. trong tình trạng tỉnh táo, các dấu hiệu sống ổn định, đồng tử giãn hai bên, mất thị lực gần hoàn toàn (chỉ còn phân biệt được sáng tối), máu nhiễm toan chuyển hóa nặng, nồng độ methanol máu là 10,48 mg/dL. Khám chuyên khoa mắt thấy tổn thương thị giác hai bên, bệnh nhân chỉ còn thấy lờ mờ.

Không may mắn như bệnh nhân P.A.T., người em P.A.S., 16 tuổi (nam), nhập viện trong tình trạng đồng tử giãn hai bên. Khám chuyên khoa mắt thấy giảm thị lực nặng hai bên và có tổn thương thần kinh thị giác hai bên, khí máu có tình trạng nhiễm toan chuyển hóa rõ, nồng độ methanol trong máu âm tính.

Bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm độc methanol nặng giai đoạn muộn có tổn thương mắt nặng (mù mắt). Ngoài ra, Trung tâm Chống độc còn điều trị cho hai bệnh nhân khác bị tổn thương mắt mức độ nhẹ hơn và một bệnh nhân nhiễm độc methanol có nồng độ methanol máu cao nhưng đến sớm khi chưa có triệu chứng được kịp thời điều trị nên đã hồi phục tốt.

Tính đến nay, tổng số công nhân được khám, xét nghiệm, cấp cứu tại Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh là 108 người, trong đó 37 người bị nhiễm methanol với các mức độ khác nhau.

Cụ thể, 22 người nhiễm methanol chưa có triệu chứng, 8 người nhiễm độc methanol mức độ nhẹ chỉ có thay đổi nhẹ trên khí máu động mạch, chưa có tổn thương cơ quan, chưa có triệu chứng lâm sàng, 7 người nhiễm độc methanol mức độ nặng hoặc nguy kịch, trong đó tử vong 1 người, 4 người tiên lượng di chứng giảm nặng hoặc mất khả năng nhìn, 1 người di chứng nặng với não (rối loạn ý thức, rối loạn vận động,…).

TS. Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, loại cồn công ty sử dụng được một người nhà bệnh nhân gửi tới Trung tâm Chống độc xét nghiệm.

Kết quả cho thấy, nồng độ methanol là 77,83%, không có ethanol. Các công nhân ở đây đã nhiễm độc methanol qua đường hô hấp do hít phải không khí có nhiễm methanol và có thể một phần qua da khi da tiếp xúc trực tiếp với cồn.

Bác sĩ Nguyên cho biết, ngay từ khi có những bệnh nhân đầu tiên, Trung tâm Chống độc đã xác định đây là vụ nhiễm độc methanol trong môi trường lao động và qua các kênh khác nhau, đã khẩn cấp báo cáo cho Bộ Y tế và các cơ quan chức năng.

Đồng thời, Trung tâm cũng yêu cầu nhà máy khẩn cấp tổ chức cho các công nhân đi khám, kiểm tra và nhập viện cấp cứu những người có biểu hiện bất thường.

Trung tâm đã phối hợp liên tục với Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh thực hiện chiến lược đánh giá sàng lọc nhanh các công nhân, phát hiện và điều trị ngay tại chỗ những người có triệu chứng nhiễm độc.

Tất cả các công nhân khám ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh đều được lấy máu gửi về và làm xét nghiệm định lượng nồng độ cồn methanol tại Trung tâm Chống độc ngay trong đêm đầu tiên bằng phương pháp sắc ký khí.

Đây là phương pháp xét nghiệm hiện đại nhất với cồn methanol và có giá trị khẳng định. Qua đó, 88 công nhân đã được khám, theo dõi và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh, chỉ có 20 người xuống khám và điều trị tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, bao gồm tất cả 7 người bị nhiễm độc nặng hoặc nguy kịch trong vụ việc.

Cũng theo bác sĩ Nguyên, cách đây vài năm, Trung tâm Chống độc cũng đã tiếp nhận điều trị một bệnh nhân trẻ bị nhiễm độc methanol trong một xưởng sản xuất cồn khô, do tiếp xúc qua da và đường hô hấp, bệnh nhân này cũng bị nhiễm độc nặng, không tử vong nhưng bị tổn thương mắt và di chứng.

Trung tâm cũng đã thông báo cơ quan chức năng. Tuy nhiên, trên đây là vụ nhiễm độc methanol qua đường hô hấp và qua da trong điều kiện lao động đầu tiên được phát hiện, ảnh hưởng tới nhiều người.

Vụ việc cảnh báo sự có mặt và nguy cơ gây nhiễm độc của hóa chất cồn công nghiệp methanol trong nhiều lĩnh vực, nhiều sản phẩm khác nhau của cuộc sống, rất cần sự quản lý chặt chẽ và xử lý nghiêm của các cơ quan chức năng, đồng thời tăng cường hiểu biết, ý thức, cảnh giác, tuân thủ an toàn trong lao động sản xuất và sử dụng hóa chất.

Theo chuyên gia của Bệnh viện Bạch Mai, methanol có nhiều tên gọi khác nhau. Mỗi sản phẩm hoặc địa chỉ có chứa methanol lại có thể đề tên gọi khác dẫn tới người sử dụng hoặc người tiếp xúc nhầm lẫn hoặc bỏ qua.

Methanol có thể xuất hiện trên nhiều mặt hàng, vật dụng trong cuộc sống với các tên gọi khác nhau như Mê-thi-líc, Alcohol methylique, Methyl alcohol, Methyl hydrate, Methyl hydroxide, Wood alcohol, Wood spirit, CH3-OH.

Ở các nước phát triển, các sản phẩm methanol dùng trong gia dụng được cho thêm chất màu để có màu xanh nước biển để dễ nhận biết. Methanol cũng tồn tại ở các sản phẩm cồn khô dùng làm nhiên liệu. Methanol dễ dàng bay hơi ở nhiệt độ phòng và có thể gây nhiễm độc qua đường hô hấp.

Nguồn gốc methanol chủ yếu từ sản xuất công nghiệp. Các nguồn gốc khác tạo ra lượng rất ít methanol và không đủ tạo ra nguy cơ nhiễm độc/ngộ độc.

Methanol được dùng làm dung môi tẩy sơn, véc ni, trong sơn, dung môi công nghiệp, chất tẩy rửa, làm sạch, lau chùi, các loại nhiên liệu thay thế cho động cơ, làm nguyên liệu cho sản xuất nhiều hóa chất, sản phẩm khác nhau.

Methanol là hóa chất rất độc, không được uống, tác dụng sát trùng cũng rất kém, không được dùng làm cồn sát trùng (một lý do nữa là có thể gây nhiễm độc khi bôi trực tiếp trên da).

Các biểu hiện của ngộ độc/nhiễm độc methanol cấp tính: Mờ mắt, giảm thị lực, mù, đau đầu, buồn nôn, nôn, rối loạn ý thức, hôn mê, co giật, tổn thương não, nhiễm toan chuyển hóa, sốc, tổn thương đa tạng, tử vong. Di chứng gồm mù mắt, giảm thị lực, hôn mê, rối loạn vận động,…

Ngộ độc/nhiễm độc methanol mạn tính: Đau đầu, chóng mặt, choáng váng, mất ngủ, viêm kết mạc, nhìn mờ, mù. Trên thai nhi: các nghiên cứu trên động vật cho thấy methanol có thể gây dị tật trên xương, tim mạch, tiết niệu và thần kinh trung ương.

Cách phát hiện nhiễm độc/ngộ độc methanol: Các biểu hiện ngộ độc thường là muộn nên người dân cần chủ động đi khám khi có nghi ngờ. Người lao động tiếp xúc với methanol cần được khám sức khỏe thường xuyên, trong đó bắt buộc khám đánh giá kỹ về mắt và thần kinh trung ương.

Về ảnh hưởng của methanol theo Giám đốc Trung tâm Chống độc, methanol được hấp thu và gây ngộ độc dễ dàng qua đường tiêu hóa và qua da hoặc qua đường hô hấp. 

Do methanol được cơ thể chuyển hóa và thải trừ chậm, gây ngộ độc cũng chậm nên khi tiếp xúc mức độ ít nhưng kéo dài hoặc lặp lại sẽ tích lũy dần và gây ngộ độc nhiều ngày sau (hay gặp với người nghiện rượu, thường xuyên uống rượu không rõ nguồn gốc, người lao động trong môi trường tiếp xúc không an toàn với methanol). 

Hoặc người có thể tiếp xúc với methanol liều cao một lần nhưng không biết và tới 1-2 ngày sau mới biểu hiện nhiễm độc (hay gặp với trường hợp sử dụng sản phẩm giả có chứa methanol).

Methanol xâm nhập vào cơ thể dễ dàng qua da, đường hô hấp, tiêu hóa. Tất cả các loại khẩu trang, mặt nạ phòng độc đơn thuần, găng tay thấm nước đều không có tác dụng ngăn cản hoặc lọc được methanol. 

Người sử dụng có thể đi găng nhựa/cao su kín ngăn methanol hấp thu qua da nhưng vẫn có thể hít phải methanol qua đường hô hấp.

Trong môi trường không khí nhiễm methanol mức độ nguy cơ ảnh hưởng sử khỏe, chỉ có trang phục phòng hộ (quần áo liền mũ, găng và giầy/ủng) kín hoàn toàn kết hợp hệ thống cung cấp dưỡng khí độc lập bao gồm mặt nạ phòng độc kín được kết nối với nguồn dưỡng khí được bơm từ bên ngoài mới có thể đảm bảo an toàn cho người lao động.

Gia tăng tình trạng ngộ độc rượu chứa cồn công nghiệp methanol
Trong 2 tuần gần đây, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận ít nhất 8 bệnh nhân ngộ độc rượu chứa cồn công nghiệp methanol...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư