Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 22 tháng 07 năm 2024,
Người bệnh tiểu đường cần chú ý điều gì?
D.Ngân - 23/04/2023 17:33
 
Ngoài chế độ ăn uống, điều trị theo phác đồ theo các bác sĩ người mắc bệnh tiểu đường cần chú ý khi bị côn trùng đốt.

Sau khi bị côn trùng đốt, bệnh nhân có tiền sử bệnh tiểu đường rơi vào trạng thái sốc nhiễm khuẩn từ mô mềm bàn tay và cẳng tay trái gây biến chứng suy tim, suy thận cấp tính… Nếu không được cấp cứu kịp thời, bệnh nhân sẽ đối diện với tử vong.

Để kiểm soát bệnh đái tháo đường hiệu quả, người bệnh cần sử dụng thuốc hạ đường huyết thường xuyên.

Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM vừa tiếp nhận ông T.T.N. (56 tuổi, Bình Định) trong tình trạng lơ mơ, khó thở, huyết áp tụt còn 80/50mgHg (bình thường 120/80mmHg), sốt 38,5 độ C.

Bệnh nhân bị côn trùng chích vào tay gây phồng rộp, hoại tử da, sốc nhiễm khuẩn. Lúc vào viện, vùng mu bàn tay và cẳng tay trái sưng đỏ như trái bắp chuối, lở loét, chảy dịch mủ, lốm đốm đen do da hoại tử.

Theo lời kể của gia đình, nhiều năm nay, ông N. uống thuốc và ăn uống ít tinh bột, nhiều rau xanh, đạm… theo hướng dẫn của bác sĩ. Thế nhưng, hơn 3 tháng trở lại đây, ông không uống thuốc đều đặn, thường ăn chè, bánh ngọt.

Cách nhập viện 1 tuần, đang đi trong sân, ông bị côn trùng chích vào cẳng tay trái. Ông nghĩ bình thường nên thoa dầu gió, ra tiệm mua thuốc về uống. 

Tuy nhiên, vết thương không lành mà mỗi lúc sưng tấy, đau nhức thêm, phồng rộp, hoại tử da.

Bác sĩ chuyên khoa I Trần Đông Hải, Khoa Nội tiết-Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho biết, nguyên nhân hầu hết người bệnh đái tháo đường nhất là đường huyết không kiểm soát tốt, đều suy giảm hệ miễn dịch nên cơ thể suy yếu trước sự tấn công của virus, vi khuẩn.

Đồng thời, đường huyết không ổn định thường xuyên làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch, hạn chế máu đến nuôi các chi (tay, chân).

Ngoài ra, người bệnh tiểu đường không kiểm soát tốt đường huyết dễ bị bệnh thần kinh ngoại biên, dẫn đến không cảm giác được tổn thương khi có côn trùng chích, vật nhọn đâm vào.

Do đó, người bệnh tiểu đường khi bị bất kỳ vết thương nào như do côn trùng chích, vết trầy xước… hoặc viêm da, mụn nhọt nếu không kiểm soát đường huyết và chăm sóc vết thương đúng cách dễ bị nhiễm khuẩn, hoại tử, cắt cụt chi… thậm chí gây nhiễm trùng huyết dẫn đến tử vong.

Bác sĩ Hải khuyến cáo người bệnh tiểu đường nên chăm sóc, vệ sinh kỹ bàn chân, bàn tay, không đi chân trần, chọn giày thoải mái, vệ sinh giày thường xuyên để loại bỏ vi khuẩn, nấm mốc.

Người bệnh cần dùng thuốc đúng chỉ định của bác sĩ, ăn nhiều chất xơ và protein (rau cải, xà lách, súp lơ, thịt, cá, trứng…), hạn chế thực phẩm nhiều tinh bột (cơm, bún…), tập thể dục đều đặn 30 phút mỗi ngày để kiểm soát tốt đường huyết.

Khi bị côn trùng chích, vết trầy xước, tổn thương trên da nên vệ sinh bằng nước muối loãng. 

Nếu sau 1-2 ngày, vết thương không khô, không đóng mài nên khám bác sĩ chuyên khoa nội tiết-đái tháo đường để đánh giá toàn diện đường huyết và tình trạng vết thương, từ đó có biện pháp chăm sóc, điều trị kịp thời.

Cũng về bệnh tiểu đường, hiện nay trên một số trang mạng xã hội quảng cáo về việc điều trị thành công bệnh này khiến nhiều người dân tin theo dẫn đến tiền thì mật nhưng bệnh lại càng nặng.

Theo TS. Lê Quang Toàn, Trưởng Khoa Đái tháo đường, Bệnh viện Nội tiết Trung ương, bệnh tiểu đường, theo y học còn gọi là bệnh đái tháo đường, là một bệnh rối loạn chuyển hóa mạn tính rất phổ biến. 

Khi mắc bệnh đái tháo đường, cơ thể bạn mất đi khả năng sử dụng hoặc sản xuất ra hormone insulin một cách thích hợp.

Mắc bệnh đái tháo đường có nghĩa là bạn có lượng đường trong máu quá cao do nhiều nguyên nhân. Tình trạng này có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng cho cơ thể, bao gồm cả mắt, thận, thần kinh và tim.

TS. Lê Quang Toàn cho biết, cho đến thời điểm hiện nay, vẫn chưa có nghiên cứu khoa học nào tìm ra phương pháp chữa khỏi hoàn toàn bệnh đái tháo đường như các cơ sở khám chữa bệnh đang quảng cáo.

Ở giai đoạn đầu bệnh còn nhẹ, sử dụng một số loại thuốc đông y có thể giúp giảm đường huyết. 

Khi người bệnh đến khám ở các phòng mạch và cơ sở khám chữa bệnh thì thấy đường huyết ở ngưỡng bình thường và nghĩ rằng đã điều trị bệnh khỏi hẳn. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn không đúng.

Người bệnh có lượng đường trong máu bình thường là do sử dụng thuốc - không phải vì bệnh đái tháo đường đã biến mất. Khi đó, họ cần tiếp tục sử dụng thuốc kết hợp với luyện tập và ăn uống hợp lý, nếu không glucose máu sẽ tăng trở lại.

TS. Lê Quang Toàn cho biết thêm, ở người bệnh đái tháo đường, các tế bào đảo tụy suy giảm chức năng dẫn đến giảm tiết insulin hoặc lượng hormon này không được sử dụng hiệu quả. 

Trong đó, insulin tham gia vào quá trình chuyển hóa glucose, vận chuyển đường vào trong tế bào sinh năng lượng. Kết quả của sự thiếu hụt insulin là lượng đường trong máu tăng cao. 

Chức năng tuyến tụy sẽ suy giảm theo thời gian. Đến một lúc nào đó, người bệnh tiểu đường dùng thuốc mà không thể đáp ứng mà phải tiêm insulin. Đây là bằng chứng cho thấy bệnh đái tháo đường vẫn chưa thể khỏi.

Để kiểm soát bệnh đái tháo đường hiệu quả, TS.BS Lê Quang Toàn khuyến cáo người bệnh cần sử dụng thuốc hạ đường huyết thường xuyên.

Nếu đã được kê toa thuốc hạ đường huyết, nên dùng thuốc theo đúng chỉ định và tái khám định kỳ để được điều chỉnh liều lượng nếu cần.

Bên cạnh đó, cần kiểm soát chế độ ăn bởi ăn gì, uống gì cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới nồng độ đường máu. Do đó, chế độ ăn nên hạn chế thực phẩm nhiều đường, tinh bột, bánh kẹo ngọt, nước uống có gas… nên ăn nhiều rau xanh, các loại quả hạch, ngũ cốc nguyên hạt…

Tập thể dục thường xuyên: Ngồi nhiều, ít vận động làm tăng kháng insulin, khiến đường máu sẽ khó ổn định. Do đó, người bệnh nên cố gắng luyện tập hàng ngày như đi bộ, chạy bộ, đạp xe, chơi cầu lông, bơi lội… để làm giảm đường huyết.

Tin mới về y tế ngày 23/4: Bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới; Cấp cứu bệnh nhân phản vệ nguy kịch với "thuốc đông y gia truyền"
Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 426/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư