Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 09 tháng 09 năm 2024,
Người dân Sốp Cộp làm giàu trên mảnh đất quê hương
Hà An - 04/09/2024 08:35
 
Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã, đang và tiếp tục chung sức, đồng lòng, tập trung huy động các nguồn lực tài chính, chuyển tải nhanh chóng, an toàn mọi nguồn vốn chính sách về khắp bản làng.
Người dân Sốp Cộp làm giàu trên mảnh đất quê hương

Ông Vũ Văn Quân, Phó chủ tịch UBND huyện Sốp Cộp (Sơn La) chia sẻ, để vùng cao biên giới có điều kiện phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội, trong những năm qua, địa phương nỗ lực triển khai thực hiện lồng ghép các chương trình như 30a, 135, 167 và tập trung huy động các nguồn lực, nguồn vốn, trong đó chú trọng đến nguồn vốn tín dụng chính sách, đầu tư kịp thời, hiệu quả cho công tác giảm nghèo nhanh, bền vững.

“Đặc biệt, từ năm 2014 đến nay, các cấp ủy Đảng huyện Sốp Cộp đã triển khai thực hiện mạnh mẽ Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Cụ thể, các cấp ủy Đảng trên địa bàn luôn quan tâm, chú trọng công tác lãnh đạo, chỉ đạo mọi hoạt động tín dụng chính sách. Cùng với đó, chính quyền từ huyện đến xã đã ưu tiên bổ sung nguồn vốn ngân sách chuyển sang NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác”, ông Quân khẳng định.

Giám đốc NHCSXH huyện Sốp Cộp, ông Nguyễn Thế Cần cho biết, suốt 22 năm qua, nhờ sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp chính quyền, cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các ban ngành, đoàn thể trên địa bàn, đã tiếp thêm động lực và hiệu quả cho hoạt động của NHCSXH huyện Sốp Cộp. Theo đó, tính đến ngày 30/6/2024, số vốn ngân sách trực thuộc đã chuyển sang NHCSXH là 4.406 triệu đồng, góp phần nâng tổng nguồn vốn lên 368.668 triệu đồng.

Nguồn vốn này đã được cán bộ tín dụng chính sách huyện Sốp Cộp chuyển kịp thời đến đúng địa chỉ và đối tượng thụ hưởng, góp phần giúp đồng bào các dân tộc thiểu số xây dựng những mô hình kinh tế có hiệu quả, phù hợp với từng địa bàn, qua đó khơi dậy ý chí tự lực của người dân, vượt qua khó khăn, đầu tư cho sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững, thậm chí từng bước làm giàu trên mảnh đất quê hương mình.

Cách đây không lâu, gia đình ông Tòng Văn Phong ở bản Pói Lanh (xã Mường Và) vẫn còn thuộc diện hộ nghèo, nhưng từ khi ông mạnh dạn vay 50 triệu đồng của NHCSXH để đầu tư nuôi bò sinh sản, nhờ chăm sóc chu đáo, đàn bò đã phát triển thành 5 con, giúp ông trả hết nợ vay và sửa nhà ở kiên cố. Mới đây, gia đình ông lại được vay tiếp 80 triệu đồng để mở rộng cơ sở chăn nuôi.

Cũng ở xã Mường Và, 90 hộ dân của bản Nà Mòn đã sử dụng vốn chính sách để chuyển đổi từ trồng lúa, sắn thu nhập thấp, sang trồng cam. Hộ ít thì vài chục gốc, hộ nhiều thì có đến 4 ha; năng suất bình quân đạt trên 10 tấn/ha. Nhờ đó, có hộ đồng bào dân tộc thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ cây cam.

Gia đình anh Lò Văn Thuần là một trong những hộ đầu tiên của bản chuyển đổi hiệu quả cơ cấu cây trồng. Anh Thuần cho biết, thời điểm ban đầu, gia đình chuyển gần 1 ha cây lương thực sang trồng cam, vừa trồng, vừa học hỏi kỹ thuật, kinh nghiệm. Cũng có lúc nản lòng, thoái chí, nhưng may trời không phụ lòng người, trung bình mỗi năm gia đình thu hoạch gần 10 tấn quả. Giờ đây, gia đình đã thành lập Hợp tác xã, với 11 thành viên, trồng 12 ha cam. Quá trình chăm sóc vẫn luôn chú trọng việc ứng dụng sản xuất sạch, sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc từ hữu cơ, sinh học để chăm sóc cây cam.

“Nhờ đó mà cây luôn sinh trưởng tốt, quả to, mẫu mã đẹp, ít hạt, mọng nước, hương vị thơm ngon, giá bán duy trì ổn định 30.000 - 35.000 đồng/kg. Hàng năm, ngay từ đầu vụ, các thương lái đã đặt trước để thu mua cam. Vụ cam vừa rồi còn không có hàng mà bán. Bà con có thu nhập ổn định từ cây cam, ai cũng vui, phấn khởi”, anh Thuần nói.

Đạt được những thành tích đó, theo Giám đốc NHCSXH huyện Sốp Cộp, trước hết, cấp ủy, chính quyền huyện xác định việc thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW và Đề án giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên. Trên cơ sở đó, NHCSXH tiếp tục chung sức, đồng lòng, tập trung huy động các nguồn lực tài chính, chuyển tải nhanh chóng, an toàn mọi nguồn vốn chính sách về khắp bản làng, đến đúng đối tượng thụ hưởng, góp phần đạt được thắng lợi trong các kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới trên miền cao biên giới.

Ngân hàng Chính sách xã hội: Bệ đỡ cho thanh niên khởi nghiệp
Tổng nguồn vốn hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp được ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh Bắc Ninh hiện là 90 tỷ đồng, mức lãi suất...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư