Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Nguồn cung đường năm 2016 giảm 200.000 tấn
Thế Hải - 08/06/2016 17:10
 
Do sản lượng mía giảm 10%, nhu cầu phục vụ sản xuất, tiêu dùng lại tăng 100.000 tấn, dự kiến tổng nguồn cung đường trong năm 2016 sẽ giảm khoảng 200.000 tấn.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, căn cứ kết quả làm việc tại các nhà máy sản xuất đường, các doanh nghiệp sản xuất sử dụng đường để chế biến sản phẩm và cân đối cung cầu đường năm 2016, dự kiến tổng nguồn cung giảm khoảng 200.000 tấn do sản lượng mía giảm khoảng 10%, trong khi nhu cầu phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng tăng khoảng 100.000 tấn.

Theo đó, từ đầu năm 2016, giá đường liên tục tăng cao (đặc biệt từ sau Tết Nguyên đán) đến tháng 4 tổng mức tăng khoảng 10-15% so với đầu vụ và tăng khoảng 20-30% so với cùng kỳ năm trước.

Giải pháp cho nguồn cung đường thiếu hụt là nhập khẩu đường.
Các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc mua đường với số lượng lớn để phục vụ nhu cầu cho sản xuất vì nguồn cung đường giảm.

Đến tháng 5, giá đường vẫn tiếp tục xu hướng tăng của tháng trước, trong tháng này giá bán buôn đường kính trắng và đường tinh luyện tiếp tục tăng mạnh, đối với đường kính trắng giá tăng nhiều nhất ở miền Trung tăng 1.400 đ/kg, TP.HCM tăng 1.000-1.200 đ/kg và miền Bắc tăng 500-1.000 đ/kg, đối với đường tinh luyện TP.HCM có mức tăng nhiều nhất khoảng 1.200 đ/kg, miền Bắc khoảng 700 đ/kg.

Cụ thể: giá bán đường kính trắng cả nước dao động 16.000-16.900 đ/kg (tăng 700 đ/kg so với tháng trước), giá đường tinh luyện ở mức 17.000-18.200 đ/kg (tăng 1.200 đ/kg so với tháng trước)

Trước đó, các doanh nghiệp sản xuất chế biến thực phẩm, công ty thương mại và nhà máy sản xuất chế biến đường đã có văn bản đề nghị Bộ Công Thương sớm xem xét cấp hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường  năm 2016 để phục vụ sản xuất và cung ứng cho thị trường.

Bộ Công Thương đã kiến nghị Chính phủ cho phép nhập khẩu 200.000 tấn đường để đảm bảo nguồn cung đường tiêu thụ nội địa trong những tháng tới.

Theo phản ánh của các doanh nghiệp sử dụng đường để sản xuất cho thấy, họ gặp khó khăn trong việc mua đường với số lượng lớn để phục vụ nhu cầu cho sản xuất, một số doanh nghiệp bị hủy hợp đồng đã ký từ đầu năm do các công ty thương mại không giao đường với lý do không lấy được đường từ nhà máy đường.

Còn theo phản ánh của các công ty sử dụng đường và các nhà máy sản xuất đường là có hiện tượng “găm hàng” tại một số doanh nghiệp thương mại kinh doanh đường.

Bộ Công Thương cho biết, đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn và các Bộ, ngành triển khai thực hiện đấu giá thí điểm hạn ngạch thuế quan nhập khẩu 85.000 tấn đường theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 2345/VPCP-KTTH ngày 6/4/2016 để bổ sung nguồn cung cho thị trường.

Đồng thời, chỉ đạo tạm dừng việc xuất khẩu đường qua cửa khẩu phụ, lối mở. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ NN&PTNT theo dõi tình hình diễn biến thị trường đường để có biện pháp phù hợp.

Ngoài ra, để bình ổn thị trường đường đảm bảo nguyên liệu cho các doanh nghiệp sản xuất và đảm bảo đường phục vụ cho tiêu dùng, lãnh đạo 2 Bộ: Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đã tổ chức cuộc họp bàn và thống nhất nội dung báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất các biện pháp trong đó có nội dung nhập khẩu đường theo hạn ngạch thuế quan nhằm ổn định thị trường đường và phù hợp với tình hình sản xuất mía đường trong nước.

Được biết, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 1/6/2016, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý trước mắt cho phép nhập khẩu 100.000 tấn đường để góp phần bổ sung nguồn cung cho thị trường phục vụ nhu cầu tiêu dùng và sản xuất trong nước.

Cấp hạn ngạch nhập khẩu đường cho hàng loạt doanh nghiệp
Bộ Công thương vừa cấp hạn ngạch nhập khẩu đường trong khuôn khổ hạn ngạch thuế quan năm 2013 cho hàng loạt doanh nghiệp với thời hạn thực...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư