Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 12 tháng 11 năm 2024,
Nguyễn Dạ Quyên, đồng sáng lập Lại Đây Refill Station: Hạnh phúc khi biết mình sống vì điều gì
Anh Hoa - 18/11/2018 13:40
 
Nếu không thể là một phần của giải pháp khắc phục, thì hãy đừng làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn. Dự án Lại Đây Refill Station mà Nguyễn Dạ Quyên đồng sáng lập mang ý nghĩa như thế. Dự án này là một trong những điều khiến cô thấy hạnh phúc hơn vào mỗi sớm mai thức giấc, vì biết mình đang sống vì điều gì…

Đi chợ kiểu mới

Hơn 200 sản phẩm và giải pháp cho lối sống bền vững, thân thiện với môi trường, sống xanh vừa hiện diện tại trạm dừng Lại Đây Refill Station ở 83 - Xuân Thuỷ (phường Thảo Điền, quận 2, TP.HCM). Tại đây, sản phẩm không được đóng gói sẵn mà chính người tiêu dùng mang chai lọ, giỏ đựng từ nhà đến để mang về. Với cách “đi chợ kiểu mới” này, khách hàng sẽ được giảm 2% trên tổng hóa đơn mua hàng vì nỗ lực hạn chế nhựa và rác thải không cần thiết từ việc mua sắm. 

Nguyễn Dạ Quyên (bên trái) và đồng sáng lập còn lại của Lại Đây Refill Station
Nguyễn Dạ Quyên (bên trái) và đồng sáng lập còn lại của Lại Đây Refill Station

Dự án Lại Đây Refill Station đã gây nhiều tiếng vang với giới truyền thông và cả giới chuyên môn do Nguyễn Dạ Quyên bắt tay làm cùng cô em 9x nổi như cồn trong giới start-up Sài Thành - Tống Khánh Linh (Helly Tống). Chị quyết định chọn Helly Tống là cộng sự đồng sáng lập không phải vì độ nổi tiếng của cô gái trẻ ấy, mà đơn giản là để đi xa, để lan tỏa lối sống xanh, xây dựng và phát triển một hệ sinh thái cho lối sống bền vững với những thế hệ tương lai. 

Nguyễn Dạ Quyên được cho là “của hiếm” ở Việt Nam tin rằng, để khắc phục tình trạng xấu đi từng ngày, từng phút, từng giây của Trái đất, thì chính những người đang gây ra điều đó như chúng ta phải thay đổi thói quen tiêu dùng hằng ngày. “Nếu không thể là một phần của giải pháp khắc phục, giải quyết vấn đề, thì hãy đừng làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn”, Quyên nói.

Trong rất nhiều ý tưởng kinh doanh, Quyên chọn Lại Đây Refill Station, bởi nó thể hiện trách nhiệm với thế hệ tương lai bằng những gì chị có thể làm trong tầm tay của mình. Dự án ra đời với một niềm tin rằng, bằng những hành động nhỏ, bạn vẫn tạo nên những thay đổi lớn, nếu bắt đầu ngay từ hôm nay. 

“Tôi không muốn chứng kiến cảnh chai nhựa được thải ra mỗi ngày, nhưng 70 đến 450 năm mới phân huỷ. Đáng sợ hơn là, nếu mọi việc cứ diễn ra như hiện nay, thì thế hệ tương lai không có cơ hội được sinh ra trong một môi trường trong sạch mà họ đáng được hưởng”, Quyên cho biết.

Biết mình sống vì điều gì

Dù là họa sĩ có tiếng hay kinh doanh thành công trong lĩnh vực logistics, thực hiện Dự án Lại Đây Refill Station, hay bất cứ dự án nào khác trong tương lai, với Quyên, đó đều là những cung bậc, sắc màu khiến cuộc sống có ý nghĩa hơn, hạnh phúc hơn, để mỗi sớm mai thức giấc, cô biết mình đang sống vì điều gì. 

“Đó đơn giản là tinh thần Ikigai của người Nhật. Theo đó, tôi biết được mình đam mê điều gì, mình giỏi trong lĩnh vực gì, thế giới xung quanh cần gì từ mình và mình có thể có thu nhập từ những việc gì. Ikigai như những vòng tròn nhiều sắc màu lồng vào nhau, mà càng lồng được nhiều vòng tròn “kỳ vọng” từng mảng khác nhau, thì thấy mình có thật nhiều năng lượng tích cực mỗi ngày”, Quyên nói.

Kinh doanh đã là thử thách, lại kinh doanh về xanh, thân thiện môi trường, thì chắc chắn sẽ còn nhiều “chông gai” hơn. Nhưng với Quyên, càng nhiều “chông gai”, càng thêm nhiều cơ hội trải nghiệm, học hỏi, khiến cuộc sống lại càng thêm thú vị. 

Làm về những mảng như trách nhiệm xã hội, môi trường, chắc chắn sẽ không “ăn xổi” được. Muốn lan toả lối sống bền vững, thì chiến lược và kế hoạch kinh doanh của Lại Đây Refill Station phải có tâm và tầm. “Thách thức lớn nhất nằm ở việc nhận thức, thói quen của người tiêu dùng, đặc biệt khi ở Việt Nam, các sản phẩm nhựa đang rất tiện dụng và miễn phí cho người tiêu dùng”, Quyên nói.

Trước đây, cô chưa bao giờ nghĩ mình dám “đụng chạm” vào những đề tài như phát triển bền vững, biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường…, vì thấy nó không ảnh hưởng tới hòa bình thế giới. Thế rồi, theo thời gian, chính các phim phóng sự, nghiên cứu và sách về các đề tài không hoặc ít liên quan đến tiền đã thu hút và thức tỉnh cô. 

Đỉnh điểm là cuốn “Plastic: A Toxic Love Story” (Nhựa: Một chuyện tình độc hại) của Susan Freinkel đã khiến cô tá hỏa thấy xung quanh mình đều có sự hiện hữu của thứ chất thải chết người này. Nhựa thật tiện cho hôm nay, nhưng lại cực kỳ bất tiện cho tương lai vì hàng trăm năm sau mới phân rã thành những mảnh vi nhựa. “Đã quyết làm thì sẽ cực, nhưng tôi tin đây là một việc đúng đắn, có ý nghĩa, cần làm và phải làm”, Quyên nói.

75% sản phẩm “made in Việt Nam” 

Mô hình chiết sản phẩm vào chai lọ cũ để làm đầy trở lại (refill) không mới ở Việt Nam. Trước đó, người tiêu dùng đã biết các mô hình refill nước uống theo kiểu làm đầy bên trong và đổi vỏ. Nhưng Lại Đây Refill Station mới là nơi đầu tiên ở Việt Nam tổng hợp nhiều loại sản phẩm sinh hoạt thường nhật, với mục tiêu hàng đầu là giảm lượng bao bì nhựa, vì Việt Nam chưa có hệ thống thực sự xử lý, phân loại, tái chế, tái sử dụng nhựa như các nước khác. 

Quyên học hỏi mô hình này qua các trải nghiệm mua sắm tiêu dùng tại Pháp, Tây Ban Nha, Đức, Mỹ, Australia… Cô tự tin đây là mô hình tiêu dùng bền vững trong top 5 ở châu Á, nếu xét về thứ tự lịch sử hình thành, sau Thái Lan, Singapore, Hồng Kông… Quyên và Helly Tống cũng cảm và hiểu được rõ rệt hơn hiện trạng, giới hạn của các cơ sở kinh doanh, làng nghề tại Việt Nam. 

Lại Đây Refill Station không chỉ cam kết mang đến những sản phẩm có chất lượng tốt và thân thiện với môi trường, mà còn đảm bảo các sản phẩm được giới thiệu có nguồn gốc xuất xứ, thông tin chất lượng rõ ràng, minh bạch. Đặc biệt, sản phẩm hợp tác thương mại sẽ phải giảm triệt để bao bì đóng gói và nói không toàn toàn với bao bì nhựa dùng một lần rồi bỏ. 

Ngoài ra, các nhà cung cấp gần nhất sẽ được ưu tiên lựa chọn. Đặc biệt, những sản phẩm “made in Việt Nam” với thiết kế mẫu mã phù hợp với phong cách sống bền vững trên thế giới cũng được ưu tiên. Ngay từ đầu, Quyên xác định 100% nguồn gốc sản phẩm từ Việt Nam, nhưng do hạn chế về công nghệ, kỹ thuật với một số sản phẩm, nên tỷ lệ sản phẩm xuất xứ từ Việt Nam tại Lại Đây Refill Station là 75%, 25% còn lại từ các nước khác.

Trong 4 năm qua, chị đã tổ chức nhiều triển lãm tranh, ảnh tại Việt Nam, Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp… và từng đoạt Giải thưởng Sáng tạo châu Á 2014 tại Nhật Bản. Những buổi triển lãm của chị thường có nét độc đáo đáng nhớ, như Triển lãm “Pot-Au-Phở” diễn ra ở TP. HHCM hồi tháng 4 -5/2018, với những bức ảnh trắng đen ghi lại sinh hoạt đời thường của người Việt và “bật mí” về mối liên hệ độc đáo trong ngôn ngữ Việt - Pháp. Chị là doanh nhân, nghệ sỹ đương đại khá đa năng, nhưng chưa thấy chị có dấu hiệu dừng lại?

Mỗi con người đều là một nhân tố bí ẩn, tiềm tàng những khả năng riêng liên quan đến nghệ thuật. Điều đó khiến tôi cần làm mới chính mình và không được ngại thử thách ở những đề tài, thể loại mới.

Điều gì kích thích chị “phiêu” trong mỗi tác phẩm nhiếp ảnh, vẽ?

Với nghệ thuật, không có gì là không thể, cũng như không có một nguyên tắc cứng nhắc và không có chuyện đúng - sai.

Với chị, tư duy nghệ sĩ được bộc lộ như thế nào?

Luôn nghĩ rằng mình sẽ trở thành nghệ sĩ, phải dành thời gian cho nghệ thuật, thực hành và sáng tạo tác phẩm không ngừng nghỉ.

Sáng lập Creative Gara Phạm Quý Phúc: Hãy để trẻ em tự tay làm nên những giấc mơ
Không chỉ là nơi giúp trẻ em tự tay làm nên những giấc mơ của mình, xưởng mộc nhí Creative Gara còn là nơi có thể đánh thức cả những “đứa...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư