Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Nguyên nhân thiếu xăng/dầu ở Lâm Đồng là gì?
Nhiệt Băng - 25/10/2022 17:09
 
Trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng xuất hiện tình trạng nhiều cửa hàng đóng cửa, hết xăng còn dầu, hết dầu còn xăng hoặc hết xăng và hết cả dầu.

Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng vừa báo cáo nhanh đến Bộ Công thương tình hình kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn tỉnh này.

Theo thống kê của Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng, ngày 24/10/2022, trên địa bàn tỉnh có 13 cửa hàng xăng, dầu không hoạt động. Đặc biệt, xuất hiện tình trạng nhiều cửa hàng đóng cửa, hết xăng còn dầu, hết dầu còn xăng hoặc hết xăng, hết dầu.

Cụ thể, 12/332 cửa hàng hết xăng, còn dầu (khoảng 2 - 3 ngày sau mới có hàng trở lại); 1/332 cửa hàng hết dầu (đến chiều 24/10 thì có hàng trở lại); 2/332 cửa hàng hết dầu, hết xăng (doanh nghiệp đang thanh lý hợp đồng với thương nhân cung cấp cũ để ký hợp đồng với thương nhân cung cấp mới).

Lý do dẫn đến tình trạng thiếu xăng/dầu là thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối cung cấp hàng nhỏ giọt. Mặt khác, thương nhân cung cấp xăng dầu đưa ra mức chiết khấu quá thấp (nhiều thời điểm bằng 0 đồng), các đại lý xăng dầu thua lỗ nên chưa chủ động nhập hàng.

Từ đầu năm đến ngày 15/10/2022, 143 doanh nghiệp xăng, xăng ở tỉnh này bị thanh tra, kiểm tra. Cụ thể, các lực lượng chức năng (gồm Đoàn liên ngành 389, Sở Công thương, Sở Khoa học và Công nghệ, quản lý thị trường) đã phát hiện 32 vụ vi phạm, với số tiền xử phạt hơn 627.874.000 đồng, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp 61.179.235 đồng, còn 80 triệu đồng các doanh nghiệp vi phạm vẫn chưa nộp.

Các hành vi vi phạm chủ yếu là niêm yết giá hàng hóa, điều kiện kinh doanh; không đăng ký thời gian bán hàng với cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền; không bán hành khi chưa được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản theo quy định; chất lượng xăng dầu không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng; nhân viên bán hàng không có nghiệp vụ, ngưng bán hàng không được chấp thuận của Sở Công thương…

Riêng Công ty TNHH Hải Âu Phát bị xử phạt 80 triệu đồng về hành vi mua bán xăng dầu ngoài hệ thống như chưa chấp hành nộp phạt.

Trước thực trạng trên, Sở Công thương đề nghị Bộ Công thương chỉ đạo các thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối xăng dầu đảm bảo nguồn cung bình quân hàng tháng cho các đại lý bán lẻ xăng dầu nhằm đáp ứng nhu cầu của nhân dân.

Có doanh nghiệp xăng dầu đứt nguồn cung đến 14 ngày

Trước đó, vào ngày 13/10/2022, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có khoảng 15-20% cửa hàng xăng dầu vẫn mở cửa kinh doanh nhưng thông báo hết xăng, còn dầu hoặc hết dầu, còn xăng. Cũng trong ngày này, một số cửa hàng thông báo hết cả xăng và dầu. Tình trạng này xảy ra trong khoảng thời gian ngắn từ 2-3 ngày. Lý do, theo Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng là do các đại lý không chủ động nhập hàng hoặc doanh nghiệp đầu mối, doanh nghiệp phân phối không cung cấp hàng hoặc cung cấp hàng nhỏ giọt.

Riêng Công ty Đầu mối xuất nhập khẩu xăng dầu Xuyên Việt Oil đứt nguồn cung hơn 14 ngày, ảnh hưởng đến 3 cửa hàng của Công ty cổ phần Dịch vụ thương mại phải đóng cửa khoảng 20 ngày (trong đó 2 cửa hàng ở huyện Di Linh, 1 cửa hàng ở huyện Đạ Huoai).

Tại báo cáo đến Bộ Công thương vào ngày 13/10/2022, Sở Công thương cho rằng, không có tình trạng găm hàng trục lợi mà do hoa hồng được hưởng thấp, có khi bằng không. Một số cửa hàng chưa chủ động nhập hàng kịp thời để đảm bảo lượng xăng dầu liên tục phục vụ người tiêu dùng. Mặt khác, các doanh nghiệp đầu mối hiện nay cung cấp hàng rất nhỏ giọt cho doanh nghiệp phân phối, nên doanh nghiệp phân phối cung cấp hàng cho các đại lý bán lẻ rất ít, chưa tới 50% so với sản lượng cung ứng trung bình hàng tháng cho các đại lý.

Đánh giá lại những yếu kém, lỗ hổng trong dự trữ, cung ứng xăng dầu
Tập đoàn Petrolimex và các công ty thành viên cần nghiêm túc đánh giá lại việc thực hiện nhiệm vụ dự trữ xăng dầu, dự trữ quốc gia, thực...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư