Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Nguyễn Thùy Linh Cát, CEO Công ty Thời trang Nguyên Sa: “Lớp áo” mới của phụ nữ hiện đại
Hồng Phúc - 08/03/2018 07:05
 
Sau gần 4 năm, cái tên Nguyễn Thùy Linh Cát dường như “mất tích” trong cộng đồng khởi nghiệp, dù chuỗi cửa hàng thời trang nam của Công ty Thời trang Nguyên Sa (Catsashop) do cô sáng lập vẫn tăng trưởng đều đặn. Sự trở lại đường đua lần này của Linh Cát được kỳ vọng sẽ đánh dấu bước phát triển mới với những kế hoạch “lột xác” toàn diện.

Không giới hạn

Dễ dàng nhận ra Linh Cát trong một quán cà phê nổi tiếng, bởi gương mặt cô không khác mấy so với năm 2013, khi hàng loạt phương tiện truyền thông đăng tải câu chuyện khởi nghiệp của cô với số vốn 150 triệu đồng và thu nhập trên 100 triệu đồng/tháng.

Quãng thời gian gần 4 năm qua của Linh Cát gắn với nhiều biến cố, từ ly hôn, rồi trở thành mẹ đơn thân, đến việc đóng cửa hàng loạt cửa hàng Catsashop bởi sự không đồng bộ.

.
Nguyễn Thùy Linh Cát, CEO Công ty Thời trang Nguyên Sa.

Linh Cát biết rằng sẽ phải nỗ lực rất nhiều để “lột xác” bản thân và hệ thống Catsashop cho sự tăng trưởng mới. Việc lọt vào danh sách 30 người trẻ dưới 30 tuổi nổi bật tại Việt Nam cũng như điểm tựa từ người con trai 2 tuổi kháu khỉnh trở thành động lực chính cho Linh Cát hiện nay.

“Mọi giới hạn đều do con người đặt ra và để phá vỡ chúng. Tôi đã phải vượt qua nhiều điều tiếng để trở thành một bà mẹ đơn thân độc lập”, Linh Cát nói một cách tự tin với những lựa chọn của mình.

Độc lập, tự tin và dám nghĩ, dám làm tạo nên cái tên Nguyễn Thùy Linh Cát. Chấp nhận đi ngược ý kiến đám đông là gia đình, bạn bè để bước chân vào lĩnh vực kinh doanh trong ngành thời trang nam. Bắt đầu kinh doanh với số vốn 150 triệu đồng, trong đó, phân nửa là vay mượn. Có thời điểm, số lượng cửa hàng sở hữu và nhượng quyền của Catsashop lên đến 40, nhưng sự thiếu đồng bộ và doanh thu dần sụt giảm khiến cô quyết định đóng cửa, cắt lỗ.

Đa số cửa hàng phải đóng thuộc nhóm được nhượng quyền. Chưa từng qua trường lớp đào tạo bài bản về hình thức kinh doanh này, Linh Cát lao vào nhượng quyền bằng những kiến thức tự học kèm theo nền tảng không vững chắc về vốn từ cửa hàng thứ 5.

Gần 2 năm trước, cô đã bỏ ra một số tiền không nhỏ để mua lại chuỗi 5 cửa hàng Nguyensashop. Linh Cát nói, nó như đứa con tinh thần bởi cô từng tham gia quá trình sáng lập. Khi hệ thống này thua lỗ, cô quyết mua lại như một cách để giữ thương hiệu. Sắp tới, 3 cửa hàng Nguyensashop sẽ được chuyển đổi thành Catsashop với nhiều thay đổi.

Chuẩn mực mới cho Catsashop

Những kịch bản “lột xác” cho bản thân và 26 cửa hàng Catsa đang được Linh Cát chuẩn bị kỹ càng. Cô kỳ vọng, sau đổi mới, với sự đồng bộ về nhận diện thương hiệu, hệ thống cửa hàng nhượng quyền sẽ đạt doanh thu ít nhất như cửa hàng mà Công ty sở hữu, thay vì chỉ bằng 2/3 như hiện tại.

Linh Cát luôn ấp ủ xây dựng một thương hiệu có thể nhượng quyền không chỉ giới hạn trong phạm vi khu vực.

“Năm 2019, chúng tôi sẽ lại tiếp tục nhượng quyền với những cách làm mới để đạt 50 cửa hàng trên toàn quốc vào cuối năm. Hiện giờ, tôi đã đủ kinh nghiệm, kiến thức, tài chính... để hoàn thành một hệ thống bài bản”, Linh Cát tự tin nói.

Hiện tại, đa số khách hàng khi bước vào Catsashop đều mua ít nhất một sản phẩm. Lợi điểm của hệ thống thời trang nam này gắn liền với giá rẻ, mẫu đơn giản, với nhóm khách hàng chính là sinh viên.

“Sản phẩm giá rẻ, nhưng chất lượng đảm bảo. Lợi nhuận của chúng tôi đến từ số lượng và có thể hệ thống sẽ bắt đầu kinh doanh một số mặt hàng giá cao hơn một chút, chỉ một chút thôi để dành cho những khách hàng trung thành từ thời đầu của Catsashop”, Linh Cát nói.

Tôi sáng lập, trở thành cổ đông lớn và tham gia điều hành tại 3 công ty, từ Catsashop đến chuỗi 5 cửa hàng chuyên bán bánh và trà là Whisk, cũng như đồng sáng lập Công ty cổ phần Công nghệ HIP.

“Tôi vẫn dành phần lớn thời gian cho Catsashop và cả 3 công ty có sự hỗ trợ lẫn nhau, nên tôi không quá áp lực trong công việc để còn tận hưởng cuộc sống cùng con trai”, Linh Cát nói rồi ôm cậu con trai 2 tuổi kháu khỉnh vào lòng.

Trò chuyện cùng Linh Cát:
Đâu là lý do chính khiến Linh Cát kinh doanh những mặt hàng liên quan đến nam giới?
Tôi là người kinh doanh, nghĩa là phải nghe theo tiếng gọi của thị trường. Thời điểm khởi nghiệp, do ít thương hiệu thời trang nam, mà giá lại cao, nên tôi thấy đó là thị trường tiềm năng và muốn thử sức.
Thị trường ngày ấy và hiện nay khác nhau như thế nào?
Trên thị trường đã xuất hiện hàng loạt thương hiệu nội địa và nước ngoài, nên cạnh tranh khá gay gắt.
Bạn có ý định làm thời trang nữ?
Tôi nghĩ, một cái làm chưa thực sự tốt, thì không nên lấn sân sang cái khác.
Dù bình đẳng giới, nhưng sự phân biệt nam - nữ trong kinh doanh còn hiển hiện trong quan niệm xã hội. Theo Linh Cát, những thách thức nào đang ngăn cản phụ nữ có thể phát huy hết tiềm năng của mình?
Tôi không cảm thấy sự phân biệt nam - nữ trong kinh doanh. Những thứ ngăn cản phụ nữ phát huy tiềm năng đó chính là việc tự tạo ra giới hạn cho mình.
Thương hiệu thời trang nam Belluni tiến ra miền Bắc
Cửa hàng thời trang thương hiệu Belluni của Tổng công ty 28 đã chính thức hiện diện tại địa chỉ 14A9 Lý Nam Đế, Hoàn Kiếm, Hà Nội thông qua lễ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư