Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 25 tháng 01 năm 2025,
Nguyễn Xuân Giang, sáng lập FaceDance: Người tạo Flappy Bird thứ hai của Việt Nam
Hồng Phúc - 19/10/2017 10:01
 
FaceDance Challenge được ví có thể trở thành Flappy Bird thứ hai của Việt Nam khi sau chưa đầy 3 tháng ra mắt đã có 7 triệu lượt tải trên toàn cầu (trừ Trung Quốc). So với kế hoạch của đội ngũ sáng lập do Nguyễn Xuân Giang đứng đầu, thành công đã đến sớm hơn 2 tháng.
Nguyễn Xuân Giang, sáng lập FaceDance
Nguyễn Xuân Giang, nhà sáng lập FaceDance

Du mục kỹ thuật số

FaceDance Challenge được Nguyễn Xuân Giang và các cộng sự phát hành phiên bản lần đầu vào tháng 6/2017, sau 5 tháng xây dựng, nhưng phải gỡ xuống, cập nhật và chính thức ra mắt vào một tháng sau đó. 

“Tôi không nghĩ FaceDance thành công trước tháng 9”, Xuân Giang chia sẻ thật.

Sau khi phát hành lần hai khoảng một tuần, Giang đang ở Quảng Bình. Do không có sóng điện thoại ở trong hang, mọi tin về kỷ lục của FaceDance Challenge chỉ đến với người sáng lập bằng tin nhắn để lại.

Giao diện FaceDance Challenge
Giao diện FaceDance Challenge

Xuân Giang vốn thích kiểu du mục kỹ thuật số (Digital Nomad), nghĩa là sự tự do, có thể đi du lịch, lang thang khắp nơi và làm việc cùng chiếc máy tính ở bất kỳ đâu. “Mình cũng không chắc tuần sau công ty còn tồn tại hay không và cũng không có kế hoạch 3 tháng tới, thậm chí tháng sau sẽ như thế nào. Mọi thứ xảy ra rất nhanh trong khởi nghiệp, Công ty có thể là một cái gì đó tối hôm qua và cũng có thể không là gì vào sáng hôm sau”, sáng lập FaceDance chia sẻ.

Nhưng sau chuyến đi Quảng Bình đó của Xuân Giang hai tuần, FaceDance nhận được đầu tư từ một công ty Singapore với mức định giá khoảng 3,1 triệu USD.

Thành quả của FaceDance cũng đáng khích lệ khi đã có 7 triệu lượt tải trên toàn cầu (không tính Trung Quốc). Trong đó, Philippines là quốc gia chiếm tỷ lệ lớn nhất, khoảng 500.000 lượt. Hai đài truyền hình lớn nhất Philippines cũng đã dùng trò chơi này. Ở Việt Nam có 300.000 lượt tải.

Sự hấp dẫn của FaceDance ở chỗ, cách chơi khá đơn giản. Người dùng chỉ cần biểu cảm mắt và miệng như biểu tượng mẫu. Càng giống, điểm càng cao. Sau đó, họ có thể chia sẻ video đó trên mạng xã hội.

“Công nghệ nhận diện gương mặt rất khó, nhưng quan trọng nhất vẫn là cải tiến cho phù hợp với hàng loạt loại máy cấu hình khác nhau. Vì FaceDance chạy cùng một lúc 4 việc: phát nhạc, nhận diện gương mặt, chấm điểm so sánh với hình mẫu theo thời gian thực, lưu lại video bằng cách chụp 30 hình/giây để xuất bản video nên tạm thời 80% người dùng các dòng máy có thể chơi được”, Xuân Giang nói.

Không ít nhà đầu tư đang bắn tin, muốn hợp tác với FaceDance, nhưng nhóm đang cân nhắc. Bởi lẽ, điều họ cần hơn vào lúc này không phải là vốn, mà là kinh nghiệm phát triển thị trường...

“Đây là những thứ đội ngũ FaceDance còn đang thiếu hụt”, Nguyễn Xuân Giang nói.

Sẵn sàng để thất bại

Giang sinh ra tại Bình Định, học chuyên ngành vật lý - tin học tại Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM,  khởi nghiệp lần đầu vào năm 2009 khi bước sang tuổi 22 trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

Giang đã từng làm phần mềm tối ưu hóa công cụ tìm kiếm Phanmemseo.vn hay “Instagram” dành cho thị trường Việt Nam là Winkjoy, nhưng thất bại bởi ra đời cùng thời điểm với Zalo do VNG xây dựng. Một dự án khác mang lại nguồn tiền đáng kể là ứng dụng chỉnh sửa ảnh vào năm 2015.

“Có tiền thật, nhưng tôi thích làm sản phẩm gì đó mà chưa ai làm”, Giang nói.

Start-up trong FaceDance được Xuân Giang chia thành 2 phần: Start là quá trình Giang đưa ra ý tưởng để cộng sự xây dựng sản phẩm. Còn Up là giai đoạn hiện nay, phát triển cũng như thương mại sản phẩm.

FaceDance hiện có 11 kỹ thuật viên và một số bạn bè bên ngoài hỗ trợ. Giang cũng không ngần ngại công khai thông tin những nhân sự cốt lõi trong hệ thống. Được biết, không ít công ty đưa ra mức lương cao hơn để mời, nhưng họ đã không ra đi.

“Đội ngũ của chúng tôi toàn người trẻ, thích thách thức và chinh phục nó. Có thể, họ lấy tầm nhìn làm định hướng ở lại”, Giang thẳng thắn.

Cách điều hành của Nguyễn Xuân Giang cũng trong kế hoạch sẵn sàng thất bại của người sáng lập FaceDance.

Bởi, FaceDance đang trong giai đoạn chạy đua hoàn thiện, tối ưu sản phẩm trước khi có sự nhân bản từ các doanh nghiệp khác. Họ cần nhân sự, tuyển mới và giữ người, tuy việc này đều khó. Nhưng, trong bối cảnh này, cách đề cao những nhân sự có tư duy mở, sẵn sàng kết hợp cùng đội ngũ và có thái độ phản ứng phù hợp với mọi việc thay vì kỹ thuật - điều có thể rèn giũa, có thể là cách hành xử khôn khéo.

Lời mời mới nhất FaceDance đang nhận được là một hãng mỹ phẩm của Nhật mong muốn có thể hợp tác, sử dụng trò chơi trong TVC của hãng tại thị trường Indonesia trong ba tháng.

“Dù ý tưởng hay, nhưng chúng tôi chưa tham gia vì không đủ nhân sự.  Một số người có vẻ không thích chúng tôi, vì bị từ chối lời đề nghị hợp tác, gặp gỡ. Nhưng, không còn cách nào khác, chúng tôi cần tập trung để phát triển sản phẩm từng giai đoạn, không thể phân tán”, Xuân Giang nói.

Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam  hợp tác thực hiện chuyên mục này

Start-up cần làm gì để không rơi vào tình trạng "chưa đến chợ đã tiêu hiết tiền"?
Người start-up thường kỳ vọng cao hơn thực tế, nên nếu không có kế hoạch chi tiêu hợp lý rất dễ rơi vào tình trạng "chưa đến chợ đã tiêu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư