Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 15 tháng 09 năm 2024,
Nhà báo và nghệ thuật chắt thông tin
Gia Huy - 21/06/2016 09:12
 
Tại các hội nghị, hội thảo, có rất nhiều thông tin được đưa ra. Nhiều tài liệu dày hàng trăm trang, để thể hiện ra bài báo trên dưới 1.000 chữ mà vẫn đầy đủ thông tin, nhà báo phải biết chắt lọc từ “mớ bòng bong” này.

Nhà báo Thành Luân, phóng viên Báo Đại Đoàn Kết kể về kinh nghiệm chắt lọc thông tin từ những tập báo cáo. Một lần, anh có trong tay tài liệu dày hơn 50 trang, do một tổ chức về môi trường nước ngoài công bố, nói về vấn đề ô nhiễm môi trường tại TP.HCM. Thông tin rất phong phú, nhiều chỗ dùng bảng biểu và các thuật ngữ chuyên môn. Viết về vấn đề này trong một bài báo 1.200 từ thật không đơn giản. “Để có bài báo hay từ mớ thông tin đó, thì điều quan trọng là phải biết vấn đề mà báo cáo đưa ra là gì, nó ảnh hưởng thế nào tới người dân và vấn đề của xã hội quan tâm. Từ đó, đưa những số liệu trong báo cáo lên, rồi phân tích vấn đề để bạn đọc dễ hiểu”, nhà báo Thành Luân nói. Được biết, bài viết này của Thành Luân đã được Hội Nhà báo TP.HCM trao giải.

Trong thế giới thông tin đa chiều, nhà báo cần phải biết chắt lọc thông tin
Trong thế giới thông tin đa chiều, nhà báo cần phải biết chắt lọc thông tin

Một ví dụ điển hình về nghệ thuật chắt lọc thông tin là trong kỳ Đại hội Đảng các cấp năm 2015 vừa qua, báo cáo của các địa phương thường rất dày, nhiều báo cáo tới hàng trăm trang, đề cập tổng thể các vấn đề kinh tế - xã hội, văn hóa, giáo dục, an ninh quốc phòng… Nhiều tờ báo, nhất là khối báo kinh tế, đã chắt lọc từ nguồn thông tin ngồn ngộn đó, để viết nên những bài báo sắc sảo, đưa ra nhận định chính xác về tình hình kinh tế các địa phương.

Chắt lọc thông tin qua tài liệu chính thống tuy có vất vả, nhưng an toàn, vì thông tin đó tin cậy, còn với những thông tin do bạn đọc hoặc các nguồn khác phản ánh, nếu nhà báo không tỉnh táo xử lý, dễ vướng phải tin đồn sai sự thật.

Trong thế giới thông tin ngồn ngộn, đa chiều, nếu nhà báo biết chắt lọc, đánh giá, phân tích, đi sâu tìm hiểu vấn đề thì sẽ thu được nhiều thông tin chính xác, làm tài liệu viết bài.

Cách đây ít lâu, qua thông tin mà bạn đọc phản ánh tại các diễn đàn mạng về việc một dự án bất động sản tại huyện Nhà Bè (TP.HCM), được chủ đầu tư bán cho khách hàng đã 15 năm, nhưng vẫn không cho khách hàng xây dựng. Phóng viên Báo Đầu tư đã liên hệ thu thập thông tin từ phía những người dân, rồi sao các văn bản giấy tờ như hợp đồng mua nhà, văn bản hứa cho người dân xây nhà của chủ đầu tư và những công văn trả lời từ các cơ quan chức năng để viết bài phản ánh.

Ngay sau khi bài viết được đăng tải, phía chủ đầu tư đã có động thái làm thủ tục để người dân được sớm xây nhà trên phần đất mình mua. Các hộ dân rất xúc động và cảm ơn Báo Đầu tư đã vào cuộc kịp thời, giúp họ một việc quan trọng mà hàng chục năm trời bị vướng mắc.

Nhà báo Nguyễn Xuân Thủy, Ủy viên Ban biên tập Báo Tiền Phong chia sẻ, có rất nhiều bài báo hay, chất lượng, được nhà báo chắt lọc từ thông tin trong những báo cáo, trên mạng xã hội hay chỉ là thông tin từ mớ bòng bong bình luận dưới những bài báo mạng. “Một nhà báo nhạy bén là nhà báo nhìn được những con số biết nói về vấn đề kinh tế - xã hội từ báo cáo cả trăm trang, hay chỉ là vài dòng bình luận trong đống bình luận sau một bài báo mạng, thậm chí chỉ là một dòng chia sẻ trên mạng xã hội. Từ đó, nhà báo dựa vào đó phân tích, chắt lọc thông tin thì chắc chắn sẽ có bài báo hay tới độc giả”, nhà báo Xuân Thủy nói.

Khi Bác Hồ "xung phong phê bình" báo chí
Không chỉ là người sáng lập nền báo chí cách mạng Việt Nam, Bác Hồ còn là một nhà báo đa tài, am hiểu sâu sắc về nghề báo. Những góp ý của Bác...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư