Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Nhà chức trách tiếp tục cảnh báo tiến độ cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt
Anh Minh - 06/05/2022 09:00
 
Sau tròn 1 năm khởi công, giá trị sản lượng tại Dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông, đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt mới đạt khoảng 270,56/8.595 tỷ đồng, bằng 3,1% giá trị các hợp đồng xây lắp.
Cao tốc Bắc Nam đoạn qua xã Diễn Phú, huyện Diễn Châu dần hình thành. Ảnh: Trân Châu - báo Nghệ An.
Cao tốc Bắc Nam đoạn qua xã Diễn Phú, huyện Diễn Châu dần hình thành. Ảnh: Trân Châu - báo Nghệ An.

Bộ GTVT vừa có Thông báo số 179/TB – BGTVT thông báo kết luận của Thứ trưởng Lê Anh Tuấn tại buổi kiểm tra hiện trường và họp kiểm điểm tình hình triển khai thực hiện Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt (BOT) thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020.

Tại thời điểm đoàn kiểm tra (23/4), tình hình triển khai thi công trên công trường có sự chuyển biến nhưng chưa nhiều và sản lượng đạt được khoảng 270,56/8.595 tỷ đồng, tương đương 3,1% giá trị các hợp đồng xây lắp); chưa đáp ứng tiến độ yêu cầu.

Lãnh đạo Bộ GTVT đánh giá, sau khi nhà đầu tư/doanh nghiệp dự án ký kết hợp đồng tín dụng (12/2/2022) các nhà thầu đã có kế hoạch triển khai thi công và chủ yếu đang tập trung công tác huy động, chuẩn bị mặt bằng, thi công đường công vụ, đào bóc hữu cơ nền đường, khoan cọc nhồi một số cầu trên tuyến… nên sản lượng thi công rất thấp dẫn đến chưa giải ngân nguồn vốn vay và nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước (VGF) theo quy định hợp đồng.

Nguyên nhân chính là do năng lực tài chính của các nhà đầu tư (cũng là nhà thầu) còn yếu, sự điều hành của doanh nghiệp dự án còn yếu, thiếu sự phối hợp của các nhà thầu trong công tác tổ chức thi công, phân chia phạm vi các gói thầu chưa hợp lý (phạm vi nhỏ lẻ, manh mún, không có tính liên tục và kết nối). Đến nay Doanh nghiệp dự án chưa ký kết hợp đồng chính thức và đang thực hiện theo hợp đồng nguyên tắc nên việc triển khai thi công của các nhà thầu rất chậm, cầm chừng.

Để đẩy nhanh tiến độ, ông Lê Anh Tuấn yêu cầu nhà đầu tư/doanh nghiệp dự án khẩn trương chỉ đạo các nhà thầu huy động nhân lực, máy móc, thiết bị, bổ sung đủ các mũi thi công trên công trường theo đúng kế hoạch (108 mũi thi công), tranh thủ thời tiết thuận lợi, chỉ đạo các nhà thầu làm tăng ca để bù lại tiến độ bị chậm (đặc biệt là nhà thầu Tổng Công ty Trường Sơn, Vina2, Đại Hiệp, Thái Sơn).

Đồng thời, nhà đầu tư/doanh nghiệp dự án phải sớm cân đối khối lượng của các nhà thầu có tiến độ thi công chậm để xem xét điều chỉnh cho các nhà thầu khác thi công nhằm đảm bảo tiến độ yêu cầu.

Nhà đầu tư cũng được yêu cầu rà soát một số điều khoản của hợp đồng về tiến độ huy động vốn, biểu chi phí đầu tư, các thủ tục pháp lý về việc tăng vốn chủ sở hữu từ 20% lên 30% và giảm vốn vay, có văn bản chính thức gửi Ban quản lý dự án 6 xem xét rà soát để báo cáo Bộ GTVT xem xét điều chỉnh nhằm đảm bảo thủ tục theo quy định đáp ứng công tác giải ngân phần vốn VGF và vốn vay dự án.

Bộ GTVT yêu cầu đại diện cơ quan Nhà nước có thẩm quyền – Ban quản lý dự án 6 thường xuyên chủ trì họp với các nhà đầu tư/doanh nghiệp Dự án để xác định chi tiết kế hoạch cung cấp nguồn tài chính, tiến độ thi công đã phê duyệt đảm bảo giải ngân theo kế hoạch; đôn đốc doanh nghiệp dự án chỉ đạo các nhà thầu khẩn trương bổ sung các mũi thi công còn thiếu (40 mũi thi công).

Đặc biệt, Ban quản lý dự án 6 sẽ phải căn cứ tiến độ tổng thể, chi tiết và kế hoạch hàng tháng của doanh nghiệp dự án chấp thuận để giám sát, kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện của các nhà thầu trên công trường, báo cáo Bộ GTVT kết quả thực hiện từng tuần. Đồng thời rà soát các quy định trong hợp đồng BOT để xử lý nhà đầu tư/doanh nghiệp dự án về việc vi phạm tiến độ (nếu có).

Ban Quản lý dự án 6 phải xâp dựng biện pháp giám sát đặc biệt về tiến độ của dự án trong 2 tháng (tháng 5, 6/2022) theo hướng giám sát các nhiệm vụ thi công gắn liền với nhiệm vụ giải ngân để kiểm tra, theo dõi hàng tuần, hàng tháng.

“Trong quá trình theo dõi, nếu doanh nghiệp dự án không chỉ đạo các nhà thầu thực hiện theo đúng tiến độ đã cam kết, yêu cầu Ban quản lý dự án 6 tham mưu Bộ GTVT phát văn bản cảnh báo chậm tiến độ dự án, làm cơ sở để xem xét đối chiếu các điều khoản trong hợp đồng, tham mưu Bộ GTVT chấm dứt hợp đồng (nếu có)”, ông Lê Anh Tuấn chỉ đạo.

Cần phải nói thêm rằng, Dự án cao tốc  đoạn Diễn Châu – Bãi Vọt là một trong ba dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 triển khai theo hình thức PPP với liên danh nhà đầu tư được lựa chọn là iên danh Công ty TNHH Hòa Hiệp - Công ty Cổ phần Tập đoàn CIENCO4 - Công ty TNHH Đầu tư Núi Hồng - Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn - Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng VINA2.

Đây cũng là dự án PPP thành phần có quy mô xây dựng lớn nhất (xây dựng 49,3 km cao tốc quy mô 4 làn xe qua địa phận Nghệ An, Hà Tĩnh); tổng mức đầu tư lên 11.157 tỷ đồng.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư