Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Nhà đầu tư bị chặn hủy/sửa lệnh, thanh khoản thị trường bứt phá lên hơn 1,41 tỷ USD
Thanh Thủy - 02/06/2021 21:47
 
Giá trị giao dịch tại HoSE tăng mạnh sau biện pháp chặn hủy/ sửa lệnh của các CTCK. Quyền lợi, "túi tiền" của nhà đầu tư đã bị đem ra "gánh" thay lỗi quản trị yếu kém của HoSE?

Bảng điện đứng hình, giao dịch bất thường trên sàn HoSE

Sau buổi chiều dừng giao dịch hôm qua, sàn HoSE mở cửa bình thường trở lại nhưng xuất hiện loạt hiện tượng bất thường với những khoảng thời gian giá trị giao dịch tăng vọt nhưng cũng có thời điểm giá trị khớp lệnh tụt mạnh.

Từ 10h sáng đến hết phiên sáng, không có bất kỳ giao dịch nào được hiện thị trên bảng điện tử. Tổng giá trị thị trường đứng ở mức gần 10.000 tỷ đồng.  Kết thúc phiên sáng, bảng điện hiển thị chỉ số VN-Index mất 2,78 điểm từ mức giá xanh trước đó. Khối lượng giao dịch vọt lên gần 18.000 tỷ đồng.

.
Bảng điện sàn HoSE đứng hình trong phiên sáng

Nhiều công ty chứng khoán đã thông báo tạm dừng sửa/ hủy lệnh ngay từ buổi sáng và tiếp tục áp dụng đến hết phiên. Nhờ vậy, sàn HoSE hấp thụ được lượng thanh khoản lớn dù tiếp tục rơi vào tình trạng nghẽn lệnh từ 14h03p. Giá trị giao dịch trong phiên lần đầu đạt 26.143 tỷ đồng, riêng khớp lệnh đạt là 24.159 tỷ đồng.

Tổng thanh khoản trên cả ba sàn nhờ vậy vọt lên 32.672 tỷ đồng, mức cao nhất trong lịch sử giao dịch sàn chứng khoán Việt Nam.

Dù việc dừng sửa/hủy lệnh giúp thị trường thanh khoản tăng thanh khoản mạnh, nhưng đây là điều vốn gây nhiều tranh cãi, bởi nó ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của nhà đầu tư và dù thế nào thì cũng là một trong những yếu tố làm méo mó thị trường, bởi nhà đầu tư bị hạn chế các lựa chọn của mình, từ đó có thể dẫn đến thua thiệt, mất vốn. Hơn nữa, không thể mang quyền lợi, "túi tiền" của nhà đầu tư ra để "gánh" thay những lỗi của hệ thống, lỗi do sự yếu kém trong quản trị của HoSE vốn đã kéo dài suốt thời gian qua mà cơ quan này chưa từng có một câu trả lời thỏa đáng cũng như chưa có cá nhân nào phải chịu trách nhiệm cho những thiệt hại này.

Đó là chưa kể, tình trạng này nếu còn kéo dài thì hình ảnh, uy tín của thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ ngày càng suy giảm trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.

Trong khi đó, một số công ty chứng khoán tiếp tục thông báo về việc hạn chế các giao dịch sửa/ hủy lệnh. Chứng khoán BIDV cho biết sẽ dừng nhận hủy/ sửa lệnh từ 9h15-9h30 và 11h25-13h05. Ngoài ra, có thể dừng đột xuất ở khung giờ khác.

chứng khoán BIDV áp dụng dừng hủy/ sửa lệnh trong một số khung giờ
Chứng khoán BIDV áp dụng dừng hủy/ sửa lệnh trong một số khung giờ

HPG đứng đầu về giá trị giao dịch, khối ngoại tiếp tục chốt lời khủng

Cả ba chỉ số đều đóng cửa trong sắc xanh, đồng thời, số lượng mã tăng giá cũng cao áp đảo so với số mã giảm giá. VN-Index tăng 3 điểm (+0,22%) lên 1.340,78 điểm. HNX-Index tăng 1,13% lên 322,05 điểm. Chỉ số sàn UPCoM tăng 0,58% lên 89,39 điểm.

Dòng cổ phiếu ngân hàng phân hóa. Một số cổ phiếu ngân hàng quy mô nhỏ tăng mạnh những ngày gần đây đã rơi sâu hôm nay như SGB  (-10,2%), VBB (-8,9%), KLB (-6,9%) và BVB (-6,7%). Trong khi đó, cổ phiếu của Vietcombank tiếp tục tăng 2,2% sau khi tăng 5,2% phiên hôm qua. Đây cũng là cổ phiếu kéo VN-Index tăng điểm nhiều nhất trong phiên 2/6.

Thông tin tích cực từ diễn biến giá dầu thế giới kéo cổ phiếu dòng dầu khí đồng loạt tăng mạnh. GAS và PVS tăng lần lượt 4,4% và 3,8%. Đây cũng là hai cổ phiếu kéo chỉ số thị trường tăng. Nhóm cổ phiếu chứng khoán vẫn duy trì được đà tăng dù đã có một số ít cổ phiếu quay đầu giảm. VND và PSI tăng kịch biên độ gần 10%.

Cổ phiếu HPG điều chỉnh giảm hơn 2,7% sau ba phiên tăng mạnh xuống còn 54.000 đồng/cổ phiếu. Cũng trong ngày hôm nay, giá trị bán ròng cổ phiếu HPG tăng vọt lên 956 tỷ đồng. Đây cũng là nhân tố chính kéo tổng giá trị bán ròng trên cả ba sàn đạt gần 1. 251 tỷ đồng.

Khối ngoại đã bán hàng chục triệu cổ phiếu HPG, thu về gần 3.500 tỷ đồng sau 9 phiên ròng ra bán gần đây.

HPG cũng là cổ phiếu đứng đầu về giá trị giao dịch trong phiên hôm nay với 2.185 tỷ đồng, tương đương hơn 40 triệu cổ phiếu đã được chuyển nhượng. Sàn HoSE còn 3 cổ phiếu khác cũng giao dịch trên nghìn tỷ gồm VPB (2.043 tỷ đồng), STB (1.639 tỷ đồng) và TCB (1.291 tỷ đồng).

Những “tội đồ” khiến "trái tim" HoSE phải ngưng hệ thống
Vốn là điều mong chờ của các sàn chứng khoán, nhưng với chiếc áo cũ không còn đủ rộng của HoSE, các cổ phiếu hút dòng tiền lại trở thành...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư