Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 11 tháng 09 năm 2024,
Nhà đầu tư cá nhân và tổ chức vẫn ngại rót vốn vào trái phiếu
T.L - 11/09/2024 14:42
 
Việc các ngân hàng thương mại "một mình một chợ" trong phát hành và nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp cho thấy, niềm tin vẫn chưa trở lại với thị trường trái phiếu, kể cả với nhà đầu tư cá nhân và tổ chức.

Thống kê của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam cho biết, tính đến ngày công bố thông tin 30/8/2024, có 43 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong tháng 8/2024, với tổng trị giá gần 38.000 tỷ đồng và 2 đợt phát hành ra công chúng trị giá 11.000 tỷ đồng. Lũy kế từ đầu năm đến nay, có 227 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 215.583 tỷ đồng và 13 đợt phát hành ra công chúng trị giá 22.773 tỷ đồng.

Trong tháng 8/2024, các doanh nghiệp đã mua lại 11.023 tỷ đồng trái phiếu trước hạn, giảm 45% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong phần còn lại của năm 2024, ước tính sẽ có gần 106.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn, trong đó phần lớn là trái phiếu bất động sản với 43.352 tỷ đồng, tương đương gần 41%.

Về tình hình công bố thông tin bất thường, trong tháng 8/2024, có 10 mã trái phiếu chậm trả lãi tổng giá trị 197,5 tỷ đồng và 1 mã trái phiếu chậm trả gốc 998 tỷ đồng.

Về cơ cấu, ngân hàng vẫn áp đảo về giá trị phát hành 8 tháng đầu năm, chiếm tỷ lệ 72,18%, tiếp đó là nhóm ngành bất động sản với 18,54%. Ngoài ra là một số nhóm ngành khác như chứng khoán, xây dựng, vận tải… Trái phiếu của doanh nghiệp sản xuất hầu như vắng bóng trên thị trường.

Theo chuyên gia phân tích Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam, trong giai đoạn hiện nay, các tổ chức tín dụng phát hành trái phiếu lớn là nhằm huy động vốn để phục vụ  nhu cầu tăng trưởng tín dụng khi kênh tiền gửi tăng trưởng chưa cân xứng với tín dụng.

Các doanh nghiệp bất động sản cũng gia tăng phát hành trái phiếu doanh nghiệp, một phần nhằm tái cơ cấu tài chính, cũng như tài trợ cho các dự án mới, đặc biệt khi nguồn cung đang tương đối thấp.

Theo Bộ Tài chính, trái phiếu doanh nghiệp tuy ghi nhận mức phát hành tăng mạnh, tuy nhiên, lượng lớn vẫn được nắm giữ bởi các ngân hàng thương mại với khoảng 63.2%, cho thấy niềm tin của nhà đầu tư riêng lẻ vẫn chưa hoàn toàn hồi phục đối với thị trường này, trong khi các kênh trú ẩn cũng vẫn nhậnđược sự ưa chuộng nhất định. So về tỷ trọng nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp của các ngân hàng trên bảng cân đối, thì mảng ngân hàng đầu tư vẫn tương đối hạn chế, phản ánh lập trường thận trọng của không chỉ nhà đầu tư cá nhân mà còn là của các ngân hàng thương mại.

Sắp tới, các kế hoạch phát hành nổi bật có Tổng công ty Phát triển Đô Thị Kinh Bắc - CTCP (KBC), với phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ trong quý III/2024, tổng giá trị tối đa 1.000 tỷ đồng. Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có tài sản đảm bảo, mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu. Trái phiếu có kỳ hạn 2 năm với lãi suất cố định 10,5%/năm.

Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) với phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ được chia làm 15 đợt trong năm 2024. Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, và không tài sản đảm bảo với giá trị tối đa 15.000 tỷ đồng. Mệnh giá 100 triệu đồng/ trái phiếu, kỳ hạn tối đa 5 năm.

Chợ trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ: Giảm nhà đầu tư cá nhân để tránh hậu họa
Các chuyên gia kinh tế cảnh báo, nên giảm dần tỷ trọng nhà đầu tư cá nhân tham gia đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ, nếu không...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư