Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Nhà đầu tư chứng khoán vật lộn với chỉ số vì lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng
Lê Quân - 22/03/2021 15:20
 
Các nhà đầu tư châu Á vẫn giữ vững tâm lý trong ngày giao dịch đầu tuần 22/3 khi đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ rớt giá mạnh và nguy cơ bán tháo cổ phiếu công nghệ vẫn hiện hữu.
Chỉ số Nikkei của Nhật Bản để mất 1,91% trong phiên giao dịch sáng 22/3. Ảnh tư liệu: AFP
Chỉ số Nikkei rớt gần 2% trong phiên giao dịch sáng 22/3. Ảnh tư liệu: AFP

Các thị trường chứng khoán lớn ở châu Á - Thái Bình Dương sáng 22/3 biến động trái chiều khi các nhà đầu tư dè chừng giao dịch để quan sát biến động của đồng lira sau khi một quyết định nhân sự đầy bất ngờ tại Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ.

Sau những chao đảo ban đầu, tâm lý thị trường có vẻ ổn định hơn và chỉ số MSCI khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ngoại trừ Nhật Bản) sáng nay đã tăng 0,37%.

Chứng khoán Nhật Bản sáng nay giảm mạnh nhất khu vực, với chỉ số Nikkei để mất 1,91% và được dự đoán có thể trượt sâu hơn theo đà rớt giá của đồng lira. Trong khi đó, chỉ số Topix giảm 0,95%.

Trên thị trường Hàn Quốc, chỉ số Kospi trượt nhẹ 0,23%. Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc có khởi đầu tuần giao dịch khởi sắc với chỉ số Shanghai Composite tăng hơn 1% còn Shenzhen Component đạt mức tăng cao hơn với 1,259%. Chứng khoán Australia sáng nay cũng đón sắc xanh với chỉ số S&P/ASX 200 tăng 0,47%.

Hợp đồng tương lai chỉ số Nasdaq sáng nay nhích 0,1%, trong khi hợp đồng tương lai chỉ số S&P 500 trượt 0,1% sau khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm vài điểm cơ bản xuống 1,71%.

Diễn biến trên cho thấy giới đầu tư đã không vội vàng bán tháo để đảm bảo an toàn mà họ vẫn đang vật lộn để đối phó với sự gia tăng gần đây của lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ, khiến giá cổ phiếu ở một số lĩnh vực, đặc biệt là công nghệ được dự báo sẽ còn sụt giảm kéo dài.

Cuối tuần trước, trái phiếu kho bạc Mỹ đã trải qua thêm một đợt chao đảo khác khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) quyết định tiếp tục áp dụng "tỷ lệ đòn bẩy bổ sung" (SLR) đối với các ngân hàng Mỹ. Điều này có thể làm giảm nhu cầu của các ngân hàng đối với trái phiếu kho bạc Mỹ. Theo quy định mức tối thiểu mà các ngân hàng Mỹ phải duy trì chỉ số SLR là 3%, tuy nhiên đối với các ngân hàng lớn được xác định có thể ảnh hưởng đến rủi ro hệ thống tài chính toàn cầu, thì chỉ số cần phải duy trì thêm 1 bước đệm 2% cao hơn so với mức tối thiểu.

Với việc giữ nguyên quan điểm nới lỏng tiền tệ, duy trì lãi suất thấp đến năm 2023, cộng với nền kinh tế Mỹ đang hồi phục nhanh và lợi suất trái phiếu được điều chỉnh giảm, Fed cho biết sẽ kết thúc áp dụng chính sách nới lỏng vốn đối với các ngân hàng lớn vào cuối tháng này như kế hoạch.

Trước đó, để ứng phó với đại dịch Covid-19, Fed cho phép các ngân hàng tăng dự trữ trái phiếu kho bạc Mỹ và tiền gửi mà không phải trích lập dự phòng để phòng rủi ro thua lỗ. Tuy nhiên, quy định này sẽ kết thúc theo kế hoạch vào ngày 31/3 tới, theo tuyên bố của Fed vào ngày 19/3. Đồng thời, Fed cho biết cơ quan này sẽ sớm có những điều chỉnh mới đối với tỷ lệ SLR nhằm tăng dự trữ của các ngân hàng.

Những tuyên bố của Fed cuối tuần trước được cho là sẽ gây ra những đợt rung lắc mạnh trên thị trường chứng khoán.

Trên thị trường tiền tệ, đồng bạc xanh sáng nay tăng giá 12% so với đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ lên mức 1 USD "ăn" 8,100 TRY, nhưng vẫn chưa chạm đỉnh 1 USD/8,4850 TRY. Đồng lira trượt giá sau khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan gây chấn động thị trường bằng quyết định thay thế Thống đốc Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ - người vốn theo phe "diều hâu" trong Forex. Động thái nhân sự ở Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ dẫn đến suy đoán rằng giới chức nước này sẽ can thiệp để ngăn chặn xu hướng đồng lira mất giá.

"Quyết định của ông Erdogan về sa thải Thống đốc Agbal - người đã tìm cách thúc đẩy ổn định giá cả và nhận thức về sự độc lập của cơ quan này - đã làm dấy lên câu hỏi liệu Thống đốc mới có tìm cách hạ lãi suất trong khi vẫn nhắm đến mục tiêu chống lạm phát tăng cao không", ông Rodrigo Catril, chuyên gia ngoại hối tại Ngân hàng Quốc gia Australia (NAB) bình luận.

Trong khi đồng lira rớt giá mạnh thì đồng yên Nhật lại vững giá còn đồng euro và đô la Australia đều nhích giá, còn chỉ số đô la Mỹ so với các đồng tiền mạnh khác cũng đã nhỉnh lên mức 92,080. Đồng yên sớm ổn định ở mức 108,86 JPY đổi 1 USD sau những lo ngại của các nhà đầu tư bán lẻ Nhật Bản rằng đồng lira có thể trượt dài và những rủi ro giao dịch khi đồng lira tiếp tục hứng chịu một đợt bán tháo khác.

Tuy vậy, các nhà phân tích tại Ngân hàng Citi vẫn hoài ngờ rằng đợt trượt giá của đồng lira này sẽ tạo áp lực rộng lớn lên các thị trường mới nổi, nhưng họ cũng nhắc lại rằng lần trượt giá gần đây nhất của đồng lira trong năm 2020 lại có tác động lan tỏa thấp.

"Về tác động đối với các lĩnh vực khác của các thị trường mới nổi, chúng tôi tin rằng điều đó sẽ khá hạn chế", đại diện Citi nhận định.

Đối với thị trường vàng, hiện có rất ít dấu hiệu về nhu cầu trú ẩn an toàn đối với tài sản này. Giá vàng trượt 0,3% xuống 1.739 USD/ounce.

Giá dầu tiếp tục sụt giảm sau khi "bốc hơi" gần 7% trong tuần trước khi những lo ngại nhu cầu dầu mỏ toàn cầu sụt giảm đã hối thúc các nhà đầu cơ nhanh tay chốt lời sau một đợt tăng giá dài. Giá dầu Brent giao kỳ hạn sáng nay trượt 53 cent xuống 64,00 USD/thùng, còn giá dầu thô Mỹ giao sau giảm 55 cent về mức 60,87 USD/thùng.

Chứng khoán 19/3: VN-Index rời mốc 1.200 điểm, khối ngoại vẫn ròng rã bán
Giao dịch của khối ngoại tăng vọt trong ngày cuối cùng trong kỳ cơ cấu danh mục của hai quỹ ETF ngoại. Xu hướng bán ròng vẫn duy trì trong suốt cả...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư