Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Nhà đầu tư thận trọng, chứng khoán Nhật - Hàn quay đầu giảm điểm
Lê Quân - 19/03/2021 22:04
 
Hầu hết các chỉ số chứng khoán lớn của châu Á đều đi xuống trong ngày giao dịch 19/3 khi nhà đầu tư trở nên thận trọng sau đợt bán tháo đêm qua trên thị trường Mỹ.
Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản đóng cửa giảm 1,41% còn 29.792,05 điểm trong ngày giao dịch 19/3. Ảnh tư liệu: AFP
Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản đóng cửa mất 1,41% trong ngày giao dịch 19/3. Ảnh tư liệu: AFP

Thị trường chứng khoán Australia kết thúc ngày giao dịch hôm nay trong sắc đỏ, dù chỉ số ASX 200 đã gồng mình cắt mức lỗ từ mức 1% xuống còn 0,56% và đóng cửa ở 6.708,20 điểm. Hai nhóm cổ phiếu "nặng ký" năng lượng và vật liệu lần lượt giảm 2,03% và 1,41%, trong khi cổ phiếu tài chính trượt 0,31%.

Sau ngày giao dịch khởi sắc khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) ra quyết định chính sách rất ôn hòa, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản hôm nay đảo chiều và để mất 1,41% còn 29.792,05 điểm, trong khi chỉ số Topix rớt 0,18% về 2.012,21 điểm.

Kết thúc phiên họp chính sách kéo dài 2 ngày, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đã công bố một loạt các biện pháp, trong đó có quyết định cho phép lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm dao động +/- 0,25% so với mức tiêu chuẩn.

Chỉ số Kospi của Hàn Quốc hôm nay giảm 0,86% xuống 3.039,53 điểm, trong khi chỉ số Kosdaq đã thoát lỗ và thậm chí tăng 0,24% lên 952,11 điểm. Cổ phiếu các các tên tuổi công nghệ lớn của Hàn Quốc hôm nay hứng chịu sóng bán tháo. Cổ phiếu Samsung Electronics và LG Electronics lần lượt giảm 1,21% và 1,61%, còn SK Hynix trượt sâu đến 2,82%.

Tại Hong Kong, chỉ số Hang Seng tuột mất 1,76% trong giờ giao dịch cuối ngày còn chỉ số Taiex của Đài Loan giảm 1,34% về 16.070,24 điểm. Chứng khoán Trung Quốc đại lục hôm nay cũng không tránh khỏi sắc đỏ, với chỉ số Shanghai Composite đóng cửa giảm 1,69% xuống 3.404,66 điểm và chỉ số Shenzhen Component rớt 2,56% xuống 13.606 điểm.

Chứng khoán Phố Wall gặp khó khăn trong phiên giao dịch đêm qua khi cổ phiếu công nghệ chịu tác động lớn của lợi suất trái phiếu kho bạc. Cả hai chỉ số Dow Jones và S&P 500 đêm qua đều sụt giảm khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng lên.

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ vốn biến động ngược chiều với giá. Lợi suất trái phiếu tăng lên thường báo hiệu niềm tin về sự phục hồi kinh tế tăng lên cùng mối lo lạm phát. Điều này khiến các cổ phiếu sinh lời cao trở nên kém hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư.

"Đêm qua là một phiên biến động trái chiều đối với các tài sản rủi ro khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng lên sau cuộc họp của FOMC (Ủy ban thị trường mở liên bang Mỹ)", các nhà phân tích tại ANZ Research bình luận. Họ lý giải Fed sẽ chờ đợi các số liệu tốt hơn trước khi đánh giá về các nguồn cho vay của họ. Điều này kéo theo kỳ vọng lạm phát tăng lên và đẩy lợi suất trái phiếu đi lên.

Tuy nhiên, một số mã cổ phiếu tài chính - ngân hàng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương hôm nay vẫn ghi nhận tăng điểm. Tại Australia, cổ phiếu của hai ngân hàng ANZ và Westpac lần lượt tăng nhẹ 0,32% và 0,33%. Trên thị trường Nhật Bản, cổ phiếu của Tập đoàn tài chính Mitsubishi UFJ tăng 1,92% còn cổ phiếu Sumitomo Mitsui, Mizuho Financial, và Nomura lần lượt tăng 1,95%, 1,39%, và 1,28%. Trong khi đó, cổ phiếu DBS của Singapore tăng 0,63% còn cổ phiếu của Ngân hàng OCBC nhích 0,26% trong phiên giao dịch chiều nay.

Geoff Howie, chuyên gia phân tích thị trường tại Sở giao dịch chứng khoán Singapore (SGX) cho biết: "Hiện tại, có thể thấy rõ tác động của lợi suất trái phiếu tăng khi so sánh biến động của các thị trường chứng khoán". "Tại châu Á - Thái Bình Dương, hai lĩnh vực lớn nhất theo định giá thị trường là dịch vụ tài chính và công nghệ. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng lên đang có lợi cho các ngân hàng và họ đang thu hút nhiều nguồn vốn từ các tổ chức", ông Howie nói thêm.

Trên thị trường tiền tệ, đồng bạc xanh chiều nay trượt giá 0,13% khi chỉ số đô la Mỹ so với các đồng tiền mạnh khác giảm về mức 91,738. "Fed không có kế hoạch tăng lãi suất cho đến năm 2023 nhưng sự phục hồi của đồng đô la và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ cho thấy các nhà đầu tư tiếp tục bị thu hút bởi triển vọng tích cực của nền kinh tế Mỹ", bà Kathy Lien, Giám đốc điều hành chiến lược ngoại hối tại Quỹ quản lý tài sản BK Asset Management nhận định.

Bà Kathy Lien dự đoán, Fed sẽ không thể ngăn đồng đô la Mỹ trượt giá bởi việc triển khai tiêm vaccine kháng Covid-19 và các khoản kích thích tài khóa sẽ giúp nền kinh tế Mỹ phục hồi mạnh mẽ trong quý II/2020 và nửa cuối năm.

Đồng yên Nhật Bản chiều nay mạnh lên và quy đổi 108,74 JPY "ăn" 1 USD, so với mức 109,12 JPY/USD thiết lập trước đó. Trong khi đó, đô la Australia cũng nhích giá 0,12% và trao tay 1 AUD đổi 0,7765 USD.

Sau phiên trượt sâu trước đó, giá dầu giao dịch theo giờ châu Á hôm nay đã hồi phục. Giá dầu thô Mỹ giao sau nhích 0,45% lên 60,27 USD/thùng còn giá dầu Brent giao kỳ hạn tăng 0,41% lên 63,54 USD/thùng. Đêm qua, giá dầu thô Mỹ và dầu Brent đều "bốc hơi" gần 7%.

Các nhà phân tích ANZ lý giải rằng giá dầu thô sụt giảm do lo ngại nhu cầu dầu mỏ sẽ suy yếu trong ngắn hạn. "Sau thông tin cập nhật gần đây từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), và OPEC, tăng trưởng nhu cầu dầu có vẻ vẫn thấp hơn nhiều so với các dự báo lạc quan trước đó. Đáng nói, điều này diễn ra trong bối cảnh các dữ liệu kinh tế ghi nhận những kết quả đối lập", các chuyên gia ANZ nêu, đồng thời cho rằng đồng đô la Mỹ mạnh lên cũng có thể kích thích khẩu vị của các nhà đầu tư trong lĩnh vực này.

Ngóng tín hiệu từ Fed, chứng khoán châu Á nhuộm đỏ
Sắc đỏ lấn át thị trường chứng khoán châu Á trong phiên giao dịch sáng 17/3 khi nhà đầu tư đợi tín hiệu bình thường hóa chính sách của Cục...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư