Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 17 tháng 04 năm 2024,
Nhà đầu tư Hoa Kỳ tìm kiếm sự khác biệt để chọn rót vốn vào Việt Nam
Dù thấy những cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam, song nhà đầu tư Hoa Kỳ vẫn tìm sự khác biệt so với những quốc gia cạnh tranh thu hút vốn đầu tư nước ngoài với Việt Nam.
.
Ông Eric Johnson, Luật sư cao cấp của Công ty Luật Freshfields Bruckhaus văn phòng Việt Nam, thành viên Ban Quản trị AmCham Hà Nội

Bối cảnh mới

Trong bối cảnh toàn cầu đang chống chọi với sự tàn phá của đại dịch, thành công của Việt Nam trong việc chống Covid-19 đã được quốc tế ghi nhận. Mặc dù giống như hầu hết các quốc gia khác trên thế giới, Việt Nam đang trải qua những tác động tiêu cực về kinh tế do cuộc khủng hoảng Covid-19, nhưng vẫn duy trì triển vọng tăng trưởng kinh tế cao, được củng cố bởi môi trường kinh tế và chính trị ổn định, tầng lớp trung lưu thành thị mới nổi, dân số trẻ và năng động, tỷ lệ sử dụng Internet và thiết bị di động cao.

Thời gian tới, khi nền kinh tế Việt Nam phục hồi sau đại dịch, dòng vốn của các nhà đầu tư chiến lược và tài chính Hoa Kỳ rót vào doanh nghiệp Việt Nam sẽ đóng vai trò quan trọng, giống như trong hơn 25 năm qua kể từ khi quan hệ ngoại giao giữa hai nước được thiết lập.

Vẫn còn nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư chiến lược và tài chính Hoa Kỳ tham gia cùng quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam. Các công ty đầu tư vốn tư nhân (Private equity - PE) Hoa Kỳ chiếm một phần đáng kể trong hoạt động giao dịch của các nhà đầu tư Hoa Kỳ nói chung những năm gần đây và xu hướng này có thể sẽ tiếp tục.

Trong tương lai, vấn đề định giá cao trước đây có thể bị đảo ngược phần nào do tác động nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay. Một phàn nàn khác của các nhà đầu tư PE Hoa Kỳ đang tìm cơ hội đầu tư vào Việt Nam là việc thiếu các tài sản chất lượng với quy mô vừa đủ để giải quyết bài toán thời gian và nỗ lực triển khai vốn.

Vấn đề này có thể được giảm thiểu trong những năm tới, khi các khoản đầu tư PE do các công ty nhỏ hơn trong khu vực thực hiện trong vòng 5 - 7 năm qua sẽ được bán ra, vì họ tập trung vào việc thanh lý các quỹ hiện có và trả lại vốn cho các nhà đầu tư của họ. Điều này sẽ mang lại cơ hội hấp dẫn cho một số công ty Hoa Kỳ lớn trên toàn cầu đang tìm cách tiếp cận thị trường Việt Nam.

Dưới đây là một số lĩnh vực quan tâm và có nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư Hoa Kỳ, cũng như những khuyến nghị để Chính phủ Việt Nam có thể thu hút dòng vốn đầu tư này trong tương lai.

Nền kinh tế số

Đại dịch đã đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số và tạo ra nhiều cơ hội cho các công ty hoạt động trong nền kinh tế số sôi động của Việt Nam. Trong khi các nền tảng thương mại điện tử và fintech ngày càng trở nên phổ biến trong cuộc sống hàng ngày, thì đại dịch đã khuyến khích sự đổi mới và áp dụng công nghệ ngày càng tăng cao trong một số lĩnh vực khác, bao gồm giáo dục và chăm sóc sức khỏe.

Việt Nam đã có bước tiến tích cực về các quy định trong không gian công nghệ, như quyết định gần đây của Ngân hàng Nhà nước không áp dụng giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài đối với công ty fintech thanh toán. Tuy nhiên, sự chắp vá của các uy định áp dụng cho nhiều ngành công nghiệp mới nổi này vẫn chưa thực sự theo kịp xu hướng đổi mới sáng tạo của khu vực tư nhân. Điều này đặc biệt đúng đối với các doanh nghiệp giáo dục, chăm sóc sức khỏe hỗ trợ công nghệ.

Hoa Kỳ là quê hương của nhiều công ty công nghệ sáng tạo lớn nhất thế giới, nhiều nhà đầu tư mạo hiểm và nhà đầu tư PE lớn nhất và giàu kinh nghiệm nhất. Vốn, bí quyết và mạng lưới mà các nhà đầu tư này có thể mang lại có tiềm năng thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế số Việt Nam. Tuy nhiên, sự không chắc chắn hiện tại xung quanh tính khả thi và hợp pháp của nhiều mô hình kinh doanh cốt lõi của nhiều công ty hiện nay lại không làm các nhà giao dịch Hoa Kỳ cảm thấy mặn mà, nên họ đã tìm kiếm cơ hội khác với các khuôn khổ pháp lý cụ thể hơn.

Với tầm quan trọng của nền kinh tế số đối với sự phục hồi và phát triển kinh tế Việt Nam, Chính phủ cần giải quyết tình trạng chắp vá các quy định hiện hành bằng cách ưu tiên đổi mới và đầu tư vào lĩnh vực này. Cần thí điểm các cơ chế trong lĩnh vực giáo dục và chăm sóc sức khỏe, cũng như nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục pháp lý nhằm thu hút vốn và bí quyết. Đây sẽ là một bước đi đúng hướng.

Hiệu quả quản trị - thách thức và cơ hội

Việt Nam đã tiến bộ trong việc cải thiện sự thuận tiện khi kinh doanh (the ease of doing business) cho các nhà đầu tư nước ngoài những năm gần đây. Các luật mới về chứng khoán, đầu tư và doanh nghiệp đang từng bước được triển khai theo hướng này, mặc dù những bước tiến vẫn còn khiêm tốn so với kỳ vọng.

Tuy nhiên, mối quan tâm thường xuyên của các nhà đầu tư Hoa Kỳ khi xem xét các cơ hội kinh doanh tại Việt Nam là các yêu cầu phê duyệt theo quy định của Việt Nam có thể mở rộng như thế nào, ngay cả đối với các hoạt động thông thường của công ty, khi so sánh với những gì mà các nhà đầu tư này đã quen làm ở Hoa Kỳ và các khu vực pháp lý khác.

Giống như bất kỳ quốc gia nào, Hoa Kỳ yêu cầu sự chấp thuận pháp lý nhất định liên quan đến các giao dịch M&A, khi mà thương vụ có thể ảnh hưởng đến một số chính sách nhạy cảm của quốc gia, như chống độc quyền hoặc an ninh quốc gia. Tuy nhiên, đối với các hoạt động thông thường của công ty liên quan đến các giao dịch M&A tư nhân không nhạy cảm, như thành lập công ty, sáp nhập công ty, thay đổi giám đốc/cán bộ/đại diện pháp luật, phát hành riêng lẻ chứng khoán mới hoặc bán chứng khoán hiện có (cho dù là nhà đầu tư trong nước hay nước ngoài), thì thường không yêu cầu phê duyệt quy định đặc biệt. Công ty chỉ cần thực hiện các hành động phù hợp với các văn bản quản lý và sau đó có thể tiến hành giao dịch.

Tại Việt Nam, ngay cả những hành động cơ bản nhất của doanh nghiệp, chưa nói đến việc thành lập công ty nước ngoài, phát hành chứng khoán hoặc bán cổ phiếu hiện có, đều có thể yêu cầu phê duyệt hoặc đăng ký theo quy định, thường là những yêu cầu phê duyệt trong thực tế. Những phê duyệt này có thể mất vài tuần hoặc vài tháng để hoàn thành, vì các đơn đăng ký phải được các cơ quan có thẩm quyền xem xét và cho ý kiến. Tuy nhiên, cơ quan có thẩm quyền thường có cách giải thích khác nhau dựa trên các quy tắc mơ hồ và đôi khi mâu thuẫn giữa các địa phương, thậm chí giữa các thẩm định viên khác nhau trong cùng địa phương.

Thông thường, rất khó để phân biệt một lợi ích quốc gia rõ ràng được phục vụ bởi sự giám sát kỹ lưỡng như vậy đối với các vấn đề thông thường và không gây tranh cãi. Thêm vào đó là sự bảo thủ của các ngân hàng được giao nhiệm vụ thực thi các quy tắc khi tiền đổi chủ hoặc chuyển ra nước ngoài và những hoạt động đơn giản của công ty cũng có thể trở nên rắc rối và tốn thời gian. Điều này sẽ làm nản lòng các nhà đầu tư.

Thực tế trên không có nghĩa là các nhà đầu tư nước ngoài nên mong đợi các thủ tục đầu tư sẽ giống quy định ở quê hương họ hay chỉ duy nhất Việt Nam có các quy tắc và thủ tục có vẻ quá nặng nề đối với các nhà đầu tư nước ngoài vốn không quen các quy tắc và thông lệ địa phương. Và trong nhiều trường hợp, nếu không phải là hầu hết các trường hợp, với đủ kiên nhẫn và kiên trì, nhà đầu tư có thể vượt qua các rào cản về thủ tục và tiến hành thực hiện giao dịch.

Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều dư địa để cải thiện và cải cách. Chính phủ nên biến những thách thức này thành cơ hội để tăng sức hấp dẫn của Việt Nam như một điểm đến đầu tư nước ngoài.

Ví dụ, việc tăng tốc các sáng kiến chính phủ điện tử đang được Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ thảo luận sẽ là một bước tiến nhảy vọt. Ngoài ra, Chính phủ nên tìm cách loại bỏ các thủ tục phê duyệt rườm rà và không cần thiết nếu có thể và thay thế bằng các thủ tục đăng ký có thể tự thực hiện để hợp lý hóa đầu tư và củng cố danh tiếng của Việt Nam như một thị trường hấp dẫn để đầu tư.

Khi giảm đáng kể gánh nặng chi phí và thời gian hiện nay đối với đầu tư nước ngoài, Việt Nam sẽ tạo ra sự khác biệt với những quốc gia khác đang cạnh tranh thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài với Việt Nam, cũng như thúc đẩy sự phát triển kinh tế của Việt Nam.

Làn gió mới

Những lợi ích tiềm năng đối với Việt Nam từ việc dịch chuyển chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc đã được ghi nhận đầy đủ. Trên thực tế, chúng tôi đã thấy những lợi ích này đang dần được hiện thực hóa khi Việt Nam tiếp nhận một số dịch chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc trong 18 tháng qua - một xu hướng có thể sẽ tiếp tục.

Thương mại tăng trưởng sẽ tạo ra một số cơ hội cho các nhà đầu tư Hoa Kỳ trong lĩnh vực hàng hóa và dịch vụ công nghiệp như hậu cần và bất động sản công nghiệp. Cơ sở hạ tầng và năng lượng cũng là những lĩnh vực tiềm năng có thể tạo cơ hội cho đầu tư của Hoa Kỳ, bất chấp những thách thức hiện tại liên quan đến triển khai các dự án này.

Trong tương lai, triển vọng về một hiệp định thương mại tự do giữa Hoa Kỳ và Việt Nam có thể làm sâu sắc thêm mối quan hệ giữa hai nước và được xây dựng dựa trên tiến độ đã được thống nhất trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Hiệp định Thương mại tự do Hoa Kỳ - Việt Nam cũng có thể làm tăng đáng kể dòng vốn đầu tư nước ngoài, bao gồm cả hoạt động M&A của các công ty Hoa Kỳ, tùy thuộc vào các điều khoản đã thỏa thuận.

Nhìn về phía trước

Thế giới đang đối mặt với những thách thức nghiêm trọng và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, với thành công của Việt Nam trong việc xử lý đại dịch Covid-19 và các nền tảng kinh tế vĩ mô vững chắc, Việt Nam vẫn có thể là điểm đến đầu tư rất hấp dẫn đối với các nhà đầu tư chiến lược và tài chính Hoa Kỳ bằng cách tiếp tục thực hiện những bước tiến mạnh mẽ để khai thác sức mạnh của đầu tư nước ngoài nhằm hỗ trợ sự phát triển liên tục và tăng trưởng của nền kinh tế.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Thành công của nhà đầu tư Hoa Kỳ cũng là thành công của chúng tôi
Sáng 30/5, giờ New York (tối 30/5, giờ Hà Nội), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự tọa đàm bàn tròn về hợp tác đầu tư Việt Nam-Hoa Kỳ. Sự...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư