Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 12 tháng 10 năm 2024,
Nhà đầu tư Nhật Bản đề xuất xây dựng nhà máy đốt rác phát điện 20 triệu USD tại Đà Nẵng
Anh Trung - 04/08/2016 13:11
 
Tại buổi làm việc với Phó chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn vào ngày 3/8 vừa qua, ông Yasuto Ando, Giám đốc Điều hành phụ trách khu vực châu Á –Thái Bình Dương của Tập đoàn Kỹ thuật JFE (Nhật Bản) đã đề xuất xúc tiến nguồn vốn theo cơ chế tín chỉ chung (JCM) của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Nhật Bản để triển khai thí điểm Dự án xây dựng nhà máy đốt rác phát điện tại Đà Nẵng với công suất xử lý dự kiến là 60 tấn/ngày.

Trước đó, vào năm 2014, JFE Nhật Bản chính là đơn vị tư vấn thực hiện Nghiên cứu khả thi dự án Quản lý chất thải rắn tại bãi rác Khánh Sơn (phường Hoà Khánh Nam, Q. Liên Chiểu, Đà Nẵng) do JICA tài trợ.

Trong Nghiên cứu khả thi này, công nghệ được JFE đề xuất cho dự án là công nghệ đốt rác và phát điện với công suất xử lý dự kiến 1.000 tấn/ngày, chi phí đầu tư cơ bản và vận hành nhà máy trong thời hạn 20 năm là 122 triệu USD. 

Tuy nhiên, vào thời điểm đó, mức phí xử lý 25 USD/tấn được JFE đề xuất là khá cao và thành phố Đà Nẵng gặp khó khăn trong việc huy động vốn cho dự án này.

Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn (bên phải) tặng quà lưu niệm cho ông Yasuto Ando
Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn (bên phải) tặng quà lưu niệm cho ông Yasuto Ando

Tại buổi làm việc với Phó chủ tịch Nguyễn Ngọc Tuấn, phía JFE đã đề xuất xúc tiến nguồn vốn theo cơ chế tín chỉ chung JCM của Bộ TN&MT Nhật Bản để triển khai thí điểm dự án nêu trên với quy mô nhỏ hơn so với đề xuất trước đây. Theo đó, công suất xử lý của dự án dự kiến là 60 tấn/ngày nhằm đảm bảo tính khả thi.

Như vậy, thay vì 122 triệu USD trong vòng 20 năm như ban đầu, dự án sẽ được điều chỉnh lại và có tổng mức đầu tư dự kiến vào khoảng 20 triệu USD (hơn 440 tỷ đồng), trong đó 50% (10 triệu USD) sẽ xin Bộ TM&MT Nhật Bản hỗ trợ không hoàn lại thông qua cơ chế tín chỉ chung (JCM) để mua sắm máy móc thiết bị ban đầu, 10 triệu USD còn lại là kinh phí đối ứng của Đà Nẵng, có thể là thành phố trực tiếp vay vốn ODA hoặc Công ty CP Môi trường Đô thị Đà Nẵng (URENCO) – đơn vị trực tiếp vận hành nhà máy – vay và sau này thành phố sẽ trả dần thông qua khoản thu phí xử lý rác thải của người dân.

Cũng theo ông Yasuto Ando, JFE Nhật Bản mới đây đã ký kết thỏa thuận và đề xuất dự án thí điểm nêu trên theo cơ chế JCM với Bộ TN&MT Nhật Bản. Nếu được thông qua, dự kiến Bộ TN&MT Nhật Bản sẽ phê duyệt cấp vốn cho dự án vào tháng 3/2017. Ông Yasuto Ando cũng cho hay, trong quá trình xin vốn JCM, sự cam kết của chính quyền TP Đà Nẵng đóng vai trò hết sức quan trọng, do vậy đề nghị thành phố hỗ trợ và có thư bày tỏ quan tâm với Bộ TN&MT Nhật Bản.

Liên quan đến dự án này, Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Tuấn cho hay, xử lý rác thải rắn được Đà Nẵng xác định là vấn đề hết sức cấp bách. Do vậy, thành phố rất quan tâm đến dự án thí điểm do JFE đề xuất.

Theo nhận định của Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Tuấn, nếu xin được cơ chế JCM cho dự án này thì sẽ mang lại lợi ích cho cả Đà Nẵng và JFE do mức phí xử lý rác sẽ được giảm một cách đáng kể. Do vậy, thành phố thống nhất về mặt nguyên tắc sẽ phối hợp chặt chẽ với JFE để triển khai các bước tiếp nhằm xúc tiến vốn JCM cho dự án.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Đà Nẵng cần cân nhắc kỹ vay - trả vốn ODA, vốn vay ưu đãi
Đoàn công tác của Chính phủ do Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh dẫn đầu đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng ngày 30/7 về tình hình...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư