Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 30 tháng 07 năm 2024,
Nhà đầu tư ôm tiền tỷ tìm kênh rót vốn
Hà Tâm - 29/07/2024 08:27
 
Đa phần nhà đầu tư vẫn đang “ôm tiền” đứng ngoài quan sát thị trường khi có quá nhiều biến số khó lường trước mắt. Đầu tư vào đâu nửa cuối năm là câu hỏi được đặt ra nhiều nhất thời điểm này.
Giao dịch mua - bán trên thị trường vàng gần như đóng băng trong thời gian qua. Ảnh: Đức Thanh

Nhiều biến số đang chờ đợi nhà đầu tư

Tại Hội thảo “Tìm cơ hội đầu tư nửa cuối năm” do Báo Đầu tư tổ chức cuối tuần qua, ông Đạt Tống, Trưởng phòng cấp cao chiến lược thị trường, Exness Investment Bank cho rằng, có 2 rủi ro lớn có thể thay đổi toàn bộ thông tin vĩ mô kinh tế thế giới nửa cuối năm 2024 là kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ và sự phục hồi chậm của kinh tế Trung Quốc.

Mặc dù Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có tính độc lập cao, song theo các chuyên gia, hành động của Fed cũng sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều bởi sức ép chính trị. Theo đó, nếu Đảng Cộng hòa thắng, chính sách tiền tệ thắt chặt sẽ được duy trì, khả năng giảm lãi suất của Fed sẽ chậm lại. Nếu Đảng Dân chủ chiến thắng, thì ngược lại, chính sách tiền tệ sẽ nới lỏng hơn, lãi suất của Fed sẽ giảm nhanh hơn.

Ngoài động thái của Fed, thị trường thế giới đang ngóng đợi động thái chính sách của hàng loạt ngân hàng lớn như Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Ngân hàng Trung ương Anh, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản… Động thái điều chỉnh lãi suất của ngân hàng trung ương các nước đều sẽ gây ra biến động về các cặp tỷ giá.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng, trong kịch bản Fed giảm lãi suất, năm nay VND có thể mất giá 5%. Ngược lại, nếu Fed chậm giảm lãi suất, tỷ giá năm nay có thể tăng 5,5-6%.   

Hiện nền kinh tế nhiều quốc gia đang bước vào giai đoạn hồi phục. Trong đó, làn sóng trí tuệ nhân tạo (AI) được coi là điểm nhấn làm nên sự khác biệt về sự cải thiện năng suất, hiệu quả, mức độ hồi phục của các quốc gia. Tốc độ hồi phục của kinh tế thế giới và diễn biến lãi suất của Fed sẽ ảnh hưởng đến các kênh đầu tư trên toàn cầu.

Theo ông Đạt Tống, nửa cuối năm nay, vàng tiếp tục được hỗ trợ nhờ cầu mua mạnh mẽ từ khối ngân hàng trung ương, đặc biệt là nhóm BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi). Chưa kể, cầu vàng trang sức của các quốc gia ưa chuộng tiêu thụ vàng cũng gia tăng. Ngoài ra, các lớp tài sản được ưa chuộng nửa cuối năm nay được dự đoán là chứng khoán ở các nước đang phát triển, cổ phiếu thị trường châu Âu (đang được định giá rẻ), trái phiếu Mỹ…   

“Nhìn chung, cổ phiếu trên thị trường thế giới nửa cuối năm tập trung vào câu chuyện định giá, nơi nào có định giá hấp dẫn, nơi đó còn cơ hội”, ông Đạt Tống phân tích.

Tương tự, TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, vàng tiếp tục là kênh đầu tư hút vốn năm nay và năm sau. Cụ thể, từ nay đến cuối năm 2024, giá vàng có thể đạt 2.500 USD/ounce, thậm chí có thể lên tới 3.000 USD/ounce vào năm tới.

Theo nhận định của bà Lina Nguyễn, Giám đốc Phát triển kinh doanh, Exness Investment Bank, thời gian tới, các tổ chức tài chính, các quỹ đầu tư lớn của các nước phát triển như Anh, Mỹ, Thuỵ Sỹ… sẽ tiếp tục duy trì khẩu vị đầu tư với vàng. Nói cách khác, thời gian tới, vàng vẫn là tài sản đầu tiên nằm trong danh mục đầu tư của các nhà đầu tư tổ chức lớn. Tiếp theo là cổ phiếu, đặc biệt là nhóm có vốn hóa lớn, cổ phiếu ngành công nghệ.

Ngoài ra, tài sản số cũng đang hút mạnh dòng tiền. Thời gian gần đây, đã có hơn 1.200 tỷ USD đổ vào các quỹ ETF tài sản số. Tiền số được xem là đã bước qua thời kỳ ngủ đông, liên tiếp thu hút các nhà đầu tư tổ chức lớn.

Vàng, cổ phiếu, tài sản số sẽ hấp dẫn đầu tư?

Với thị trường Việt Nam, các chuyên gia đều nhận định khá tích cực. Ông Hoàng Xuân Trung, Trưởng phòng Khách hàng doanh nghiệp, Khối Nguồn vốn, Ngân hàng Citibank nhận định, năm nay, Việt Nam có thể tăng trưởng GDP 6,4%, CPI tăng 3,4%, tỷ giá cuối năm chỉ dao động quanh mức 25.300 VND/USD, Ngân hàng Nhà nước sẽ không điều chỉnh lãi suất điều hành… 

Bất chấp nền tảng kinh tế vĩ mô khởi sắc, các kênh đầu tư trong nước lại khá trầm lắng: thị trường vàng đóng băng, thị trường bất động sản và chứng khoán thanh khoản giảm sút, tiền số vẫn trong vùng xám chính sách, thị trường trái phiếu doanh nghiệp ảm đạm. Riêng tiền gửi ngân hàng tăng kỷ lục dù lãi suất thấp, do người dân thiếu kênh đầu tư.

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán VPS cho rằng, chưa có dấu hiệu tiền chảy từ chứng khoán sang các kênh đầu tư khác. Tiền vẫn nằm trong tài khoản, nhà đầu tư chỉ tạm dừng giao dịch khi thị trường chưa khởi sắc.

“Họ đang chờ đợi một sự kiện, một dấu hiệu rõ ràng hơn. Giai đoạn này đang trong vùng trũng thông tin. Tôi cho rằng, bước vào cuối quý III/2024, khi thông tin rõ ràng hơn, tâm lý nhà đầu tư sẽ lạc quan hơn. Nửa cuối năm 2024, nhà đầu tư hãy nhìn vào các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt, dòng tiền ổn định”, ông Khánh nhận xét.

Đầu tư vào đâu nửa cuối năm?

- TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế

Tôi cho rằng, nửa sau của năm 2024, thị trường chứng khoán sẽ ổn định và tốt hơn so với nửa đầu năm. Những mã chứng khoán liên quan đến khu công nghiệp, năng lượng tái tạo, giao thông, đặc biệt là ngân hàng sẽ có tính bền vững, hấp dẫn so với các mã cổ phiếu khác.

bất động sản của các loại hình nông nghiệp, đất nền, thương mại, nghỉ dưỡng, du lịch vẫn chưa thấy khởi sắc, nhưng bất động sản tại các đô thị và công nghiệp phát triển tốt nhất từ đầu năm 2024 và dự báo tiếp tục tiềm năng đến cuối năm 2024.

Vàng là lĩnh vực đầu tư có lẽ nên cẩn trọng nhất, vì không những chịu tác động bởi yếu tố thị trường, mà còn bị tác động mạnh mẽ bởi yếu tố chính sách. Đặc biệt, 2024 là năm mà Nhà nước rất quan tâm đến thị trường vàng và sẽ có những điều chỉnh mạnh mẽ.

Crypto - đồng tiền mã hóa vẫn được cơ quan quản lý “nhìn” với con mắt rất dè dặt, nhưng chưa có động thái mang tính cấm đoán, ngoài quy định là không dùng đồng tiền mã hóa trong thanh toán. Trong trường hợp có những biến động lớn về địa chính trị và kinh tế toàn cầu, tôi cho rằng, crypto sẽ lên ngôi và tạo một áp lực rất lớn lên Ngân hàng Nhà nước.

Trong khi đó, bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Nghiên cứu Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho rằng, thị trường chứng khoán nửa cuối năm nay sẽ lạc quan nhờ 4 yếu tố tích cực: gần thời điểm Fed hạ lãi suất; kinh tế khởi sắc; lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết đang phục hồi (dự kiến tăng 20% năm nay và tăng 15% năm tới); lãi suất được duy trì ở mức thấp trong bối cảnh các kênh đầu tư khác chưa phục hồi mạnh mẽ.

Theo bà Hiền, VN-Index có thể đạt 1.350 điểm cuối năm nay. Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn phải dè chừng rủi ro về lạm phát, tỷ giá và áp lực rút ròng của nhà đầu tư ngoại. 

Với vàng, dù giá được dự đoán tiếp tục tăng thời gian tới, song các chuyên gia cho rằng, kênh đầu tư này ở Việt Nam khó “nóng” nửa cuối năm. Lý do là giao dịch mua - bán trên thị trường vàng gần như đóng băng.

Trong khi đó, kênh đầu tư tiền số, tài sản số đang khởi sắc trở lại. Theo số liệu từ Chainalysis, có tới 120 tỷ USD tiền mã hóa được chuyển vào Việt Nam trong vòng 1 năm, tính tới tháng 6/2023, cao gấp gần 5 lần so với con số 25 tỷ USD vào Việt Nam qua kênh đầu tư nước ngoài.

TS. Phạm Anh Khôi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Fintech, Hiệp hội Blockchain Việt Nam cho rằng, hiện người Việt có khoảng 20 triệu tài khoản tài sản số, nhiều gấp 4 lần lượng tài khoản chứng khoán. Con số 120 tỷ USD nói trên chỉ là con số khiêm tốn so với thực tế đầu tư của người Việt. Mặc dù đây là kênh đầu tư lớn, song thiếu hành lang pháp lý, nên chưa được kiểm soát tốt, gây thất thu về thuế và kéo theo nhiều vấn đề khác như phòng chống rửa tiền, bảo vệ người dùng...

“Nếu chúng ta sớm có chính sách quản lý chặt chẽ, thì thay vì đi vào kinh tế ngầm chưa được kiểm soát, dòng tiền có thể trở thành một động lực tốt giúp thúc đẩy nền kinh tế. Tất nhiên, các nhà đầu tư khi tham gia lĩnh vực này cần chuẩn bị kiến thức và hiểu biết về thị trường tài chính, công nghệ và pháp lý, tham vấn các chuyên gia, tổ chức đầu ngành, liên tục đánh giá và cập nhật các rủi ro biến động và pháp lý, lựa chọn nền tảng giao dịch uy tín. Đặc biệt, cần có chiến lược đầu tư rõ ràng và đa dạng hóa danh mục để giảm thiểu rủi ro và tối đa hóa lợi ích”, ông Khôi khuyến nghị. 

Đầu tư bất động sản: Đã đến lúc mua vào

Đối với kênh đầu tư bất động sản, ông Trần Tuấn Tài, Giám đốc Đầu tư SonKim Retail cho rằng, các nhà đầu tư định chế, nhà đầu tư tài chính đang tìm kiếm các cơ hội ở tài sản distressed assets (loại tài sản bị bán với giá thấp hơn nhiều so với giá trị thật, vì người bán hoặc doanh nghiệp cần tiền gấp).

Trong khi đó, nhà đầu tư cá nhân có xu hướng quan tâm đến các dòng sản phẩm thuộc phân khúc ở thực và có mức giá tầm trung. Đây cũng là loại hình được nhiều đơn vị nghiên cứu thị trường khuyến nghị đầu tư ở thời điểm hiện tại.

Riêng các doanh nghiệp trong ngành địa ốc lại tìm kiếm cơ hội mua bán, sáp nhập (M&A) nhằm gia tăng quỹ đất. Đối với mảng bán lẻ, làn sóng trả mặt bằng sẽ là thời cơ để các doanh nghiệp tận dụng thu gom đất phục vụ các chuỗi.     

Dưới góc nhìn chuyên gia, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, điểm đặc biệt nhất của thị trường nửa cuối năm nay là 3 luật mới liên quan đến bất động sản có hiệu lực (Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản), sẽ gỡ khó nhiều thủ tục pháp lý. Bên cạnh đó, tới đây, có thể Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết giải tỏa cho hàng ngàn dự án đắp chiếu tại TP.HCM và Hà Nội. 

Hai yếu tố trên có thể tạo nên cú hích cho toàn bộ thị trường bất động sản, xây dựng, đầu tư công và góp phần làm ấm trở lại kênh trái phiếu doanh nghiệp. “Bây giờ là lúc nên xuống tiền đầu tư bất động sản”, ông Nghĩa khuyến nghị.

Thận trọng hơn, ông Võ Hồng Thắng, Giám đốc đầu tư DKRA Group cho rằng, các yếu tố chính sách sẽ chưa tác động nhiều đến thị trường bất động sản nửa cuối năm nay. Lượng tiền gửi đổ vào ngân hàng tăng kỷ lục và thanh khoản thị trường bất động sản thấp kỷ lục cho thấy người dân vẫn còn tâm lý chờ đợi.

Dù vậy, xét về dài hạn (5-10 năm), việc 3 luật mới có hiệu lực sẽ giúp thị trường phát triển an toàn, bền vững và công bằng hơn cho tất cả các bên tham gia. Theo ông Thắng, nhà đầu tư có thể tận dụng lãi suất thấp giai đoạn này để tham gia thị trường, song phải đặt nguyên tắc an toàn là quan trọng nhất, dựa trên khả năng trả nợ của mình.

Các chuyên gia dự đoán, trong giai đoạn tới, các dự án hạng B (nhà ở dưới 65 triệu đồng/m2) và hạng C (dưới 35 triệu đồng/m2) vẫn là phân khúc dẫn dắt thị trường, đáp ứng nhu cầu ở thật và nhu cầu đầu tư.

Kênh đầu tư tiền gửi có lấy lại sự hấp dẫn?
Mặt bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm đã tăng sau một thời gian dài dò “đáy”, với mức cao nhất hiện nay trên 6%/năm ở kỳ hạn dài. Dự báo,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư