Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Nhà đầu tư Pháp quan tâm dự án phát triển bền vững
Vân Hương - 08/01/2023 15:15
 
Phát triển bền vững đang mang đến nhiều cơ hội cho doanh nghiệp châu Âu, đặc biệt là các doanh nghiệp Pháp hoạt động tại Việt Nam.

Ông Adam Koulaksezian, Giám đốc điều hành Phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp - Việt (CCIFV) chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư về các xu hướng đầu tư mới cũng như các sáng kiến của doanh nghiệp Pháp tại Việt Nam.

Ông Adam Koulaksezian, Giám đốc điều hành Phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp - Việt (CCIFV).

Ông có nhận định gì về việc doanh nghiệp Pháp thúc đẩy phát triển bền vững tại Việt Nam?

Phát triển bền vững là mối quan tâm hàng đầu của nhiều doanh nghiệp Pháp đang hoạt động tại Việt Nam. Các doanh nghiệp đến từ Pháp mong muốn hỗ trợ Việt Nam hiện thực hóa cam kết đưa mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050. Đây là một cam kết rất tham vọng, nhưng cam kết này sẽ định hướng cho Chính phủ Việt Nam trong việc thúc đẩy quá trình phát triển bền vững.

Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam dự kiến cần khoảng 30 tỷ USD để thực hiện Chiến lược Tăng trưởng xanh đến năm 2030. Ngân sách nhà nước có thể đáp ứng tới 30% nguồn lực, do đó chiến lược này mở ra nhiều cơ hội đầu tư trong nhiều lĩnh vực tiềm năng như nông nghiệp, năng lượng, tài chính… Đây là cơ hội lớn để thu hút các khoản đầu tư bền vững của Pháp vào Việt Nam.

Trên thực tế, nhiều hiệp hội trong nước cũng như doanh nghiệp nhỏ và vừa đã đưa ra nhiều sáng kiến phát triển bền vững thành công. Tại CCIFV, Ủy ban Phát triển bền vững chia sẻ những phương pháp phát triển bền vững hiệu quả nhất của các thành viên. Ủy ban này có khoảng 30 công ty thành viên, cả doanh nghiệp vừa và nhỏ và các tập đoàn lớn, luôn tìm kiếm cơ hội phát triển bền vững tại thị trường nội địa.

Theo ông, lĩnh vực đầu tư nào đang thu hút doanh nghiệp Pháp tại Việt Nam?

Về khía cạnh phát triển bền vững nói chung, các công ty Pháp đang đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực năng lượng tái tạo. Các tập đoàn có trụ sở tại Pháp thường có trình độ chuyên môn cao và đã gia nhập sâu vào thị trường năng lượng điện gió và mặt trời. Một số công ty Pháp đang chứng tỏ sự hiện diện mạnh mẽ trong lĩnh vực này như EDF, Air Liquide, Qair và GreenYellow. Ngoài ra, còn có các công ty nhỏ hơn như HYVITY hoạt động trong lĩnh vực thủy điện.

Lĩnh vực quản lý chất thải và xử lý nước cũng thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp Pháp. Chẳng hạn, Công ty Veolia đang hoạt động trong lĩnh vực quản lý nước và chất thải tại TP.HCM.

Các công ty Pháp đầu tư phát triển bền vững trong tất cả các lĩnh vực. Tại Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế xanh tổ chức tháng 11/2022, nhiều doanh nghiệp Pháp đã thể hiện sự quan tâm đối với phát triển xanh trong nhiều lĩnh vực, từ dược phẩm đến ngân hàng, nông sản, xây dựng và tài chính.

Các công ty Pháp đang triển khai sáng kiến phát triển xanh nào tại Việt Nam?

Sanofi là một ví dụ tiêu biểu, với sáng kiến “Lúa gạo - nguồn năng lượng xanh mới”. Để giảm lượng chất thải và không khí ô nhiễm, Nhà máy Sanofi Việt Nam đã đề xuất triển khai nguồn năng lượng sinh khối trấu quy mô lớn và xanh đầu tiên tại Việt Nam.

Việc phân loại các lĩnh vực phát triển bền vững được xác định theo một số nguyên tắc.

Thứ nhất, các sáng kiến đầu tư phát triển bền vững của doanh nghiệp Pháp liên quan đến bảo vệ môi trường. Đây là trường hợp của Gemalink, liên doanh giữa tập đoàn Gemadept của Việt Nam và CMA Terminals của Pháp với cách trồng rừng ngập mặn tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long để bù đắp cho việc chặt cây xây dựng cảng biển mới.

Thứ hai, các công ty Pháp đang xác định lại cách cung cấp dịch vụ hoặc sản phẩm nhằm giải quyết các vấn đề về đạo đức và môi trường. Ví dụ, nhiều công ty đang tìm nguồn cung ứng nguyên liệu tự nhiên, chất lượng cao và hợp tác chặt chẽ với nông dân để đảm bảo tôn trọng nguồn nhân lực và trả công xứng đáng. Tiêu biểu như Công ty Les Vergers du Mekong trong sản xuất đồ uống, mứt và mật ong; Công ty Aroha Sourcing trong tìm nguồn cung ứng thực vật...

Thứ ba, thực hiện kế hoạch giám sát trong nhà máy để theo dõi mức tiêu thụ năng lượng và nguyên liệu nhằm giảm chất thải. Công ty Bel Việt Nam đã triển khai kế hoạch giám sát này tại các nhà máy địa phương. Trong khi đó, một số công ty khác của Pháp cũng đang thay đổi phương thức hoạt động để đem đến những giải pháp bền vững.

Doanh nghiệp Pháp quan tâm nhiều lĩnh vực đầu tư
Môi trường kinh tế-chính trị ổn định, thị trường tiềm năng, hội nhập sâu rộng…, Việt Nam nhận được sự quan tâm của nhiều doanh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư