Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Nhà đầu tư trở lại thận trọng, VN-Index giằng co quanh mốc 1.200 điểm
Tùng Linh - 25/04/2024 17:18
 
Sau phiên hồi phục mạnh hôm qua, dòng tiền đổ khá nhiều vào một số mã đầu cơ. Trong khi đó, nhiều cổ phiếu vốn hoá lớn có sự phân hoá. Điều này khiến các chỉ số biến động với biên độ hẹp.

Thị trường chứng khoán Việt Nam hôm qua (24/4) đã có phiên đảo chiều tăng mạnh, sau nhịp kiểm tra lại ở phiên trước tại vùng 1.170 - 1.174 điểm và hồi phục quay về lại vùng 1.203-1.205 điểm với lực tăng mạnh và thanh khoản trung bình. Bước sang phiên giao dịch ngày 25/4, sự hưng phấn của nhà đầu tư không còn được duy trì, thay vào đó sự thận trọng đã quay trở lại, bên mua có vẻ không mặn mà mua ở giá cao trong khi lực cung có phần dâng cao.

VN-Index rung lắc ngay từ đầu phiên. Trong khoảng thời hơn hơn nửa đầu phiên sáng, VN-Index biến động với những nhịp tăng, giảm điểm đan xen. Biến động tiêu cực diễn ra khoảng sau 10h, áp lực bán có phần gia tăng và đẩy VN-Index lùi xuống dưới mốc tham chiếu. Dù sau đó lực cầu có giúp thị trường hồi phục nhưng chưa đủ để VN-Index tiến lên mốc tham chiếu.

Sang đến phiên chiều, biến động của VN-Index đa phần vẫn ở dưới mốc tham chiếu dù có một vài thời điểm chỉ số nhích lên trên mốc này. Sự phân hoá diễn ra khá mạnh ở nhiều nhóm ngành cổ phiếu, nên VN-Index đóng cửa ở mức sát tham chiếu.

Điểm đáng chú ý trong phiên hôm nay là việc dòng tiền có phần tìm đến các nhóm cổ phiếu vốn hoá vừa và nhỏ mang tính đầu cơ cao, trong đó, các mã như QCG, HID, AAV, KSQ… đều được kéo lên mức giá trần, bên cạnh đó, các mã như PSH, KSB… cũng đồng loạt tăng giá mạnh.

Tại nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn, sự phân hoá là rất mạnh, trong đó, góp công nâng đỡ thị trường có các mã như MWG, FPT, MSN, SAB, VNM… FPT tiếp tục khiến nhà đầu tư bất ngờ khi tăng 2,58% và đóng góp 0,96 điểm cho VN-Index. Hiện FPT vẫn đang được hỗ trợ tích cực bởi thông tin Nvidia và FPT chi 200 triệu USD mở nhà máy AI.

Bên cạnh đó, VCB tăng 0,44% và đóng góp 0,54 điểm cho VN-Index. MWG tăng mạnh 2,9% và đóng góp 0,53 điểm.

FPT tiếp tục nâng đỡ chỉ số chung, đóng góp gần 1 điểm tăng.

Ở chiều ngược lại, nhiều cổ phiếu ngân hàng biến động xấu và tác động tiêu cực đến VN-Index, trong đó, TCB giảm 1,8% và lấy đi của chỉ số này 0,73 điểm, BID giảm 0,8% và lấy đi 0,56 điểm. Các mã ngân hàng như MBB, VIB, ACB, SHB… cũng đồng loạt giảm giá. Ngoài ra, các mã như HPG, GAS… cũng giảm giá nên tác động xấy đến tâm lý nhà đầu tư.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 0,64 điểm (-0,05%) xuống 1.204,97 điểm. Toàn sàn có 166 mã tăng, 293 mã giảm và 74 mã đứng giá. HNX-Index giảm 0,3 điểm (-0,13%) xuống 227,57 điểm. Toàn sàn có 52 mã tăng, 105 mã giảm và 62 mã đứng giá. UPCoM-Index cũng giảm 0,04 điểm (-0,05%) xuống 88,33 điểm.

Tổng khối lượng giao dịch trên sàn HoSE đạt gần 570 triệu cổ phiếu, trị giá 14.173 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thoả thuận chiếm 2.031 tỷ đồng. Giá trị giao dịch trên HNX và UPCoM đạt lần lượt 1.220 tỷ đồng và 287 tỷ đồng.

MWG là cổ phiếu có khối lượng khớp lệnh mạnh nhất thị trường với 19,3 triệu đơn vị. Tiếp sau đó, SHS, VIX và DIG đều khớp lệnh trên 15 triệu đơn vị.

Khối ngoại tiếp tục bán ròng phiên thứ 4 liên tiếp.

Khối ngoại tiếp tục bán ròng phiên thứ 4 liên tiếp trên HoSE với giá trị 466 tỷ đồng, trong đó, dòng vốn này tiếp tục bán ròng mạnh nhất CCQ ETF FUEVFVND với 278 tỷ đồng. Tiếp sau đó, DIG và CCQ FUESSVFL bị bán ròng lần lượt 44 tỷ đồng và 40 tỷ đồng. Trong khi đó, dòng vốn này mua ròng mạnh nhất mã MWG với 210 tỷ đồng. VND, TPB và HPG đều được mua ròng trên 40 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, khối ngoại mua ròng phiên thứ 4 liên tiếp trên HNX với 89 tỷ đồng, trong đó mua ròng mạnh nhất mã PVS với 79 tỷ đồng. Khối ngoại cũng bán ròng 21 tỷ đồng ở sàn UPCoM.

NVIDIA và FPT hợp tác mở nhà máy AI 200 triệu USD ở Việt Nam
Theo thỏa thuận hợp tác, NVIDIA và FPT dự kiến đầu tư 200 triệu USD để thành lập nhà máy AI Factory. Đây là bước đi quan trọng của NVIDIA tại Việt...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư