Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Nhà mạng sẽ tăng cước 3G ?
Anh Quân - 25/09/2013 18:39
 
Các nhà mạng đã "mệt" trong cuộc đua giảm cước 3G khi tiền thu về không đủ để tái đầu tư và nâng cấp hạ tầng, chứ chưa tính tới chuyện phát triển nền tảng 4G trong tương lai gần. Cuộc “rượt đuổi” dịch vụ giữa các mạng di động Trả tiền dịch vụ 3G để dùng 2G Dịch vụ 3G: lượng tăng, chất giảm

mobile3glogo-2576-1380093734.jpg

Cước 3G hiện đang thấp hơn giá thành và chuyện tăng chỉ còn là vấn đề thời gian. Ảnh: Anh Quân

Đầu tháng 4, hai doanh nghiệp viễn thông lớn là Vinaphone và Mobifone cùng tăng cước 3G, lên ngang bằng với mức của Viettel ở thời điểm đó. Tròn 3 tháng sau, tới lượt nhà mạng quân đội đưa đề xuất nâng giá dịch vụ vì cho rằng các doanh nghiệp đang bán dữ liệu với giá khá rẻ, trong khi vốn đầu tư ban đầu lại lớn.

Quan điểm của Viettel nhận được sự đồng tình từ các đơn vị còn lại trong ngành. Giá 3G vẫn chưa có chuyển biến mới nhưng theo các chuyên gia viễn thông, chuyện tăng cước chỉ còn là vấn đề thời gian. Hiện mức phí trung bình của một thuê bao mỗi tháng là 50.000 đồng, không giới hạn lưu lượng. Theo tính toán của nhà mạng, 3G Việt Nam đang rẻ hơn khoảng 10 - 30 lần so với Trung Quốc, Singapore và 40 lần so với châu Âu.

Tổng kinh phí đầu tư 3G đến nay khoảng 28.000 tỷ đồng (số liệu của Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông). Các nhà mạng ước tính 3G sẽ mang về 7.200 tỷ đồng trong năm 2013, chiếm 10% doanh thu dịch vụ di động. Với phí đầu tư "khủng", để có lãi doanh nghiệp phải bán trung bình 400 - 500 đồng một MB dữ liệu, trong khi giá hiện tại đang thấp (khoảng 60 - 80 đồng).

Thực tế, viễn thông thời gian dài đã đi ngược với thị trường khi mọi mặt hàng đều tăng giá, còn dịch vụ như 3G, đàm thoại... lại có xu hướng giảm do cạnh tranh nhau gay gắt. Phía Viettel cho rằng nguyên nhân là các nhà mạng trong giai đoạn đầu phát triển mạng 3G đã giảm cước mạnh mẽ để kích cầu dịch vụ mới, thu hút người dùng. Cả Mobifone và Vinaphone đều đồng quan điểm 3G đang được bán dưới giá thành.

Tính đến nay, có thể nói nền tảng 3G sau 4 năm đi vào khai thác vẫn chưa mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp. Nếu không tăng cước, các đơn vị này khó có đủ lực để tái đầu tư phát triển mạng lưới, nâng cấp hệ thống và càng chưa thể tính đến chuyện chuyển sang đầu tư mạng 4G. "Về lâu dài, nếu duy trì cước 3G thấp người dùng cũng bị thiệt do nhà mạng không đủ sức nâng chất lượng cũng như vùng phủ sóng dịch vụ", đại diện một nhà mạng khẳng định.

Trước đề xuất của các đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nam Thắng cho biết cơ quan chủ quản tôn trọng quyền quyết định giá cước của doanh nghiệp. Tuy nhiên việc tăng hay giảm phải căn cứ vào giá thành, cung cầu của thị trường và mặt bằng chung của khu vực cũng như thế giới.

Theo Thứ trưởng, người dùng lâu nay quen với việc giá viễn thông luôn đi xuống hoặc đi ngang trong khi dịch vụ khác như điện, nước... đều tăng. "Viễn thông tăng hoặc giảm theo cơ chế thị trường giống các lĩnh vực khác, người tiêu dùng cần quen dần với khái niệm tăng hoặc giảm cước bởi đây là chuyện bình thường trong kinh doanh", lãnh đạo Bộ phân tích.

Câu chuyện tăng giá là không thể tránh khỏi và thường xuyên được đề cập, nhưng chất lượng dịch vụ trước và sau thay đổi có sự khác biệt hay không thì ít được nhắc đến. Thời gian gần đây, nhiều khách hàng kêu ca về những rắc rối gặp phải khi dùng các dịch vụ của nhà mạng, cho rằng không được như lời quảng bá. Kết quả một số cuộc khảo sát cũng cho thấy người dùng chưa cảm thấy hài lòng và tin tưởng cao vào dịch vụ như 3G.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư