Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Nhà máy Alumina Tân Rai sắp đạt 100% công suất thiết kế
Thanh Hương - 01/08/2014 08:29
 
Nhà máy Alumina Tân Rai trong Tổ hợp bauxit Tân Rai đang chạy ổn định ở mức công suất 85% công suất thiết kế và dự kiến, năm 2015 sẽ đạt 100% công suất thiết kế.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Tạm yên tâm về bauxite Tân Rai và Nhân Cơ
Sớm cổ phần hóa dự án bauxite Tân Rai và Nhân Cơ
Bauxite lỗ dài, Vinacomin vật nài xin ưu đãi
Số phận 100 tỷ đồng thuế thiết bị dự án Bauxit Tân Rai
Vinacomin khẳng định hai dự án bauxit có hiệu quả

Chủ động vận hành

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Trần Văn Chiều, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) cho hay, Nhà máy alumina gồm 3 phần là Nhà máy Nhiệt điện 30 MW, Nhà máy Khí hóa than và Nhà máy Alumina.

  Nhà máy Alumina Tân Rai sắp đạt 100% công suất thiết kế  
  Nhà máy Alumina Tân Rai trong Tổ hợp bauxit Tân Rai đang chạy ổn định ở mức công suất 85% công suất thiết kế  

Hiện Công ty Nhôm Lâm Đồng đã làm chủ được quy trình công nghệ sản xuất alumina, tự vận hành được toàn bộ thiết bị nhà máy. Chất lượng alumina đã đạt theo thiết kế, riêng hàm lượng Al2O3 đạt 99,1 % cao hơn mức 98,6% của thiết kế.

Trong 6 tháng đầu năm 2014, doanh thu bán hàng (xuất khẩu alumina và bán hydrat nhôm) của Nhà máy đạt 1.373,8 tỷ đồng. Công ty Nhôm Lâm Đồng đã nộp 86,8 tỷ đồng thuế các loại và đang sử dụng 1.405 người, trong đó 1.025 lao động của Lâm Đồng.

Ông Chiều cho biết, Vinacomin và Công ty Nhôm Lâm Đồng, đơn vị vận hành Tổ hợp Bauxite Tân Rai đã lựa chọn và làm việc với hàng loạt đối tác trong và ngoài nước để cung ứng, vật tư, phụ tùng cho hoạt động của Tổ hợp nhằm tạo sự chủ động trong việc chế tạo các thiết bị vật tư; thiết bị để sửa chữa và thay thế trong quá trình sản xuất.

Trước đó ngày 23/6/2014, Quốc hội đã ban hành Văn bản số 775/NQ-UBTVQH13 nêu rõ nội dung giám sát hiệu quả tổng thể về kinh tế-xã hội gắn với đảm bảo an ninh - quốc phòng của 2 dự án bauxite Tân Rai và Nhân Cơ do Vinacomin là chủ đầu tư; nhấn mạnh việc triển khai thí điểm 2 dự án này là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh của các địa phương.

Hiệu quả tổng hợp bước đầu của 2 dự án đã tác động lan tỏa đến phát triển kết cấu hạ tầng và góp phần tích cực trong phát triển kinh tế của hai tỉnh Đắc Nông và Lâm Đồng.

Có thể nói,  Vinacomin đã cơ bản thực hiện đúng quy định của pháp luật về đầu tư và xây dựng. Bước đầu, 2 dự án đã có đóng góp cho ngân sách, khi đi vào hoạt động ổn định sẽ giải quyết được nhiều việc làm cho lao động tại địa phương.

Gạn bùn đỏ lấy sắt: gần hiện thực  

Theo ông Chiều, Dự án Sản xuất thép từ bùn đỏ Tây Nguyên đã nghiên cứu lựa chọn xong công nghệ sản xuất tinh quặng sắt từ bùn đỏ Tây Nguyên và đang hoàn thiện báo cáo kết quả nghiên cứu đề tài để tổ chức nghiệm thu trong tháng 9/2014.

Những nhà đầu tư được nhắc tới trong việc tham gia Dự án này là CTCP Thương mại Thái Hưng (chủ trì), Tập đoàn Hòa Phát, Tổng công ty Thép miền Nam.  Tư vấn lập Dự án nghiên cứu tiền khả thi là Viện Hóa học (thuộc Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam).

Trước đó, Đề tài Nghiên cứu chế biến bùn đỏ thành sản phẩm hữu ích do Viện Hóa học chủ trì thực hiện từ năm 2012, phối hợp với Nhà máy Thép Thái Hưng (thuộc CTCP  Thương mại Thái Hưng) trong khâu thử nghiệm ở quy mô công nghiệp (Pilot) đã được báo cáo vào tháng 4/2014.

Ngay Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng tỏ ra khá hài lòng với kết quả thí nghiệm “gạn” bùn đỏ lấy sắt, khi cho ý kiến về Báo cáo Giám sát hiệu quả tổng thể về kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo an ninh, quốc phòng của Dự án Bauxite Tân Rai và Nhân Cơ ngày 17/5/2014.

“Trước đây lo nhất là vấn đề xử lý bùn đỏ (tác nhân gây hủy hoại môi trường rất lớn, nếu không được xử lý). Bây giờ mình đã có cách để xử lý, không chỉ bảo đảm được môi trường, mà còn nâng cao được hiệu quả dự án khai thác bauxite. Vấn đề bây giờ là, làm sao để sớm đưa từ kết quả nghiên cứu thành thực tiễn”, ông Hùng nói.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư